Thủ công là chính…
Những ngày cuối tháng 8.2014, dưới cái
nắng chói chang, phóng viên NTNN có mặt tại làng đúc đồng Phước Kiều (xã
Điện Phương, huyện Điện Bàn) để tìm hiểu về công việc đúc đồng nơi đây.
Ông Dương Minh (48 tuổi, trú thôn Thanh
Chiêm, xã Điện Phương) - chủ một cơ sở đúc đồng, đang cùng hai người thợ
nung nóng một chiếc khuôn. Nhiệt độ trong lò đúc lúc này là hàng trăm
độ C. Nhưng thợ cũng như chủ đều không hề mang bất cứ một thứ BHLĐ nào,
không găng tay, không khẩu trang, không giày… Họ cho rằng, nếu đeo dụng
cụ BHLĐ rất khó làm, vì tiếp xúc bùn đất, nước nhiều…
Ông Dương Minh cho hay: “Vừa qua Cục An
toàn lao động phối hợp Viện Khoa học Lao động và Xã hội có triển khai
thí điểm hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tại làng nghề. Hàng
trăm chủ doanh nghiệp và thợ nghề ở đây được phổ biến thông tin an
toàn, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, xí nghiệp cải thiện điều kiện lao
động; xây dựng được nội quy an toàn vệ sinh lao động; trang bị các
phương tiện bảo vệ cá nhân…
“Lý thuyết là thế, chứ về hiệu quả thực
tiễn thì không thấy đâu, vì đa số ở làng đúc Phước Kiều này, từ cơ sở
lớn đến nhỏ, lao động làm nghề đúc đồng đều bằng tay không, thủ công là
chính” - ông Minh thừa nhận.
Cũng theo ông Minh, ở đây có một vài
công ty ứng dụng mô hình an toàn lao động, còn người dân thì không đủ
điều kiện, mạnh ai nấy làm, làm thủ công, dựa vào kinh nghiệm mà bảo đảm
an toàn cho mình.
Tại lò đúc đồng của Nghệ nhân Dương Quốc
Thuần - Giám đốc Công ty TNHH Tiếng Đồng, chúng tôi chứng kiến một thợ
tay không dùng máy mài độ dày, mỏng, đánh bóng những chiếc chiêng, gây
tiếng ồn đinh tai, nhức óc. Phía trên trần cơ sở, một lớp màng đen của
khói tro bám dày, còn mùi bùn nung khuôn nồng nặc cả khu vực.
Tại đây, tấm biển quy định an toàn lao
động được lắp đặt vào tháng 9.2012 với 7 điều, trong đó có: “Thường
xuyên sử dụng phương tiện BHLĐ”. Nội quy là thế, nhưng các lao động tại
đây vẫn thản nhiên làm tay không, tiếp xúc với máy điện nguy hiểm, cũng
không ai đeo khẩu trang hay găng tay.
Một người thợ cho biết: “Dùng tay không
quen rồi, mỗi lần mài độ dày, mỏng của sản phẩm đồng chỉ cần một chiếc
máy quạt nhỏ để bên cạnh là được, vì khi có máy quạt, những bụi xỉ đồng
mài ra được gió thổi bay đi nhằm tránh hít phải…”.
Nghệ nhân Dương Quốc Thuần cho biết:
“Công ty đã thành lập nhưng chưa treo biển hiệu. Theo Luật Lao động nên
chúng tôi phải đăng ký an toàn lao động. Chủ yếu là lo bảo hiểm y tế,
bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, chứ còn những dụng cụ BHLĐ như
áo, quần thì mình may, còn găng tay thì mua ngoài chợ, ở đây cũng không
hề cơ sở nào có găng tay chống nhiệt. Mỗi lúc bưng nồi đồng nung chỉ cần
hai miếng vải cũ là được, chứ đeo găng tay rất khó làm”.
Đáng lo nhất ở đây là khói bụi trong
khâu nấu kim loại không được thu gom mà phát tán trong không khí, gây ô
nhiễm môi trường… Thời gian qua, Sở KHCN tỉnh Quảng Nam có về đây lấy
mẫu xỉ đồng đi kiểm tra. Đến nay đã lâu rồi vẫn không thấy có kết luận
gì là có độc hại hay không...
Không mặn mà với BHLĐ
Thực tế tại làng đúc Phước Kiều thỉnh
thoảng cũng xảy ra các vụ tai nạn lao động như bỏng da do đồng nung chảy
bắn vào, giập tay, chân khi vác khuôn... Tuy nhiên, ở nhiều cơ sở, cả
chủ lẫn thợ đều không mặn mà với BHLĐ và dù đã được tập huấn - vẫn coi
thường các quy định về an toàn lao động.
Trao đổi với chúng tôi, Nghệ nhân Dương
Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH làng đúc Phước Kiều (thôn Thanh
Chiêm, xã Điện Phương) cho biết: “Ở đây hiện có 4 công ty được thành lập
và khoảng chục cơ sở đúc đồng nhỏ lẻ. Trong đó chỉ có hai doanh nghiệp
đăng ký an toàn lao động và có dụng cụ BHLĐ cho công nhân là công ty tôi
(gồm 30 lao động) và Công ty TNHH Tiếng Đồng (10 lao động).
Theo luật, đã thành lập doanh nghiệp là
phải có an toàn lao động gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và găng
tay, áo, quần, giày cho thợ làm việc, 3 tháng được khám sức khỏe một
lần. Nói là BHLĐ chứ thực chất là mỗi lần đi lắp ráp cho khách hàng,
trèo lên cao mới ăn mặc đồ bảo hộ vào. Chứ hàng ngày thợ làm ở lò đúc,
làm khuôn thì vẫn là tay không, nếu đeo găng tay thì là găng mua ngoài
chợ...”.
Ông Dương Ngọc Tiền - Chủ tịch Hiệp hội
Nghề đúc Phước Kiều và là Giám đốc Công ty TNHH Du lịch, Thương mại đồng
Phước Kiều, cho rằng: “Mô hình an toàn, BHLĐ, chủ yếu là các doanh
nghiệp, công ty đăng ký thôi. Còn tại các cơ sở nhỏ lẻ, người thợ đa số
làm thủ công. Riêng Hiệp hội Làng đúc Phước Kiều thành lập năm 2009 gồm
21 người, từ đó đến nay vẫn chưa tổ chức đại hội lần nào, họp hành cũng
chỉ có hai, ba lần rồi bỏ phế đó. Tôi nói thật, ban lãnh đạo hiệp hội
không nhiệt tình, thiếu trách nhiệm do không có quyền lợi gì hết. Tôi
cũng có ý định nộp đơn xin giải thể hiệp hội này...”.
Thực chất, mô hình an toàn, BHLĐ tại
làng đúc Phước Kiều chỉ mới là lý thuyết, chứ thực tiễn vẫn còn bỏ ngỏ.
Vì thế, việc xây dựng mô hình cần có sự giám sát, vào cuộc mạnh mẽ hơn,
thúc đẩy ý thức của chính người lao động…
Các cơ sở nhỏ lẻ thiếu thốn về dụng cụ BHLĐ cho thợ đã đành, một số công
ty đã đăng ký an toàn lao động, có dụng cụ bảo hộ được quy định rõ
ràng, nhưng thợ vẫn dùng tay không làm việc.