Tin tức nổi bật
Đồ đan của người Thái và... một kỹ nghệ sắp ra đi
(Ngày đăng: 19/08/2014   Lượt xem: 807)
Tiếp tục vệt khảo sát đời sống văn hóa vùng Tây Bắc đất nước (xem TTCT số 25 và 27), nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng giới thiệu với chúng ta những sản phẩm và kỹ nghệ đan lát của người Thái, từng một thời tinh xảo nay đang dần lùi xa.

Bồ đựng quần áo, hành trang

Hộp đựng có nắp

Một người bạn của Vũ Hiếu - người lập ra Bảo tàng Không gian văn hóa Mường - cũng muốn hình thành một bảo tàng cho tộc người Thái. Anh sống ở Mai Châu, một huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, kề cận tỉnh Sơn La, nơi có nhiều người Thái sinh sống, đặc biệt là người Thái Trắng.

Trong một thời gian dài anh đã sưu tầm những đồ dùng người Thái, từ đồ đan, thổ cẩm, nông cụ và cả những đồ nhà binh thời người Pháp đóng quân ở Tây Bắc, như biđông, đồng bạc hoa xòe, đèn và huy chương. Để đi đến việc thành lập bảo tàng là việc khó khăn dù đã có một bộ sưu tập nhất định. Chúng tôi đã được anh cho xem nhiều vật dụng còn nằm trong dự định chưa công bố của anh.

Trong bài viết này, chúng tôi cũng không giới thiệu tên tuổi lai lịch nhà sưu tầm, mà chỉ giới thiệu phần đồ đan (mây tre đan), một kỹ nghệ không thể thiếu đối với bất cứ dân tộc nông nghiệp nào, những kỹ nghệ tài hoa đang mất đi khi xã hội công nghệ hiện đại chiếm ưu thế.

Là một đất nước nông nghiệp, nhiều núi rừng, hầu hết các sắc tộc sống trên mảnh đất Việt Nam đều có kỹ nghệ đan lát - nhất là mây tre đan. Nhưng đan bằng lá, cỏ và các loại dây rừng thì không phổ biến như nhiều thổ dân trên thế giới.

Người Kinh (Việt), người Mường, người Tày, người Nùng, người Tây nguyên đều có kỹ nghệ đan được nâng lên đến mức nghệ thuật, mà có thời đồ đan được dùng trong xuất khẩu. Người Thái ở Việt Nam cũng có một nền đan lát đáng nể, thuộc diện đứng hàng đầu, kỹ nghệ này thể hiện ở hình dáng đa dạng, hoa văn đan cài và kỹ thuật đan khó.

Ba đặc điểm này đều có thể thấy được ở những đồ đan Thái thông dụng. Do người Mường và người Thái sống kề cận nhau nên kỹ thuật đan Mường Thái có ảnh hưởng qua lại, thậm chí có nhiều đồ rất khó phân biệt. Khi đi rừng, làm nương, hái được chút rau, bắt được chút cua cá thì việc tìm một loại lá gói kết nó thành một cái túi đựng là rất thông thường, đứa trẻ, bà già nào cũng làm được.

Còn khi đi bán hoa quả, người ta đan một loại giỏ đựng tạm thời và xỏ vào chiếc đòn gánh ra chợ, cái giỏ này giống như bu gà của người Việt để đem gà ra chợ hoặc nhốt tạm ở sân. Một cái giỏ có nắp để những đồ nhỏ trong nhà: kim chỉ, kéo, chút tiền, hoặc đựng trầu cau, luôn là cần thiết.

Những chiếc giỏ này được các bà các cô đeo bên sườn khi ra ngoài. Một cái rá dỡ xôi sau khi đổ để cạnh mâm cơm cho cả nhà ăn cũng từng phổ biến, nhưng khác với cái rá của người Việt, cái rá của người Thái và Mường có chân bằng gỗ hoặc bằng tre và chỉ có nhiệm vụ đựng cơm nếp nương.

Hộp đựng kim chỉ có nắp, đan có hoa văn

Đồ đựng (cơm nếp nương, rau) có chân

Gùi thông thường đi nương

Bồ đựng quần áo là sản phẩm đặc biệt của đồ đan Thái (và Mường, người Mường gọi là trò ổ). Cái bồ này được đan hai lớp rất kỹ lưỡng, hình dáng tròn trặn, có nắp đậy. Khi cô gái về nhà chồng thì bà hay mẹ sẽ cho đem theo để đựng tư trang, quần áo.

Các loại mâm cúng và mâm dùng thường nhật cũng được đan rất kỹ, với kỹ thuật khó nhất. Mâm và bồ là hai sản phẩm đan cao cấp của người Thái, mà thường do những người thợ có tay nghề cao nhất trong cộng đồng thực hiện.

Đồ đan bao trùm lên đời sống sinh hoạt của người Thái, từ giỏ ra đồng bắt cua cá, giần sàng đồ làm gạo như của người Kinh, đến những loại ít thấy như túi đi ngoài đường, hộp đựng trong nhà... tất cả đều bằng mây tre đan, trong khi ở xuôi những món đồ như mâm, hộp, túi đã được chuyển sang chất liệu khác như gỗ và vải.

Việc đan nhiều chủng loại đồ cho thấy đồ đan được dùng trong cộng đồng Thái nhiều hơn bất cứ sắc tộc nào ở Việt Nam, mặt khác cho thấy kỹ thuật đan lát được nâng lên mức độ cao và phổ biến. Cấu trúc hoa văn quả trám, lục lăng, hoa văn cây, chim thú, mặt trống đồng... người Thái đều có thể lồng vào trong một đồ dùng nào đó.

Đáng tiếc khi rừng đang lùi xa, người già có tay nghề qua đời dần, lớp trẻ thích dùng những đồ tân thời, kỹ nghệ đan lát tuyệt vời của người Thái dần dần mất đi. Chúng tôi vẫn thường đi các chợ phiên miền núi tìm mua đồ đan, nhưng chỉ còn rất ít người làm và bán.

Đan lát những món hàng này cũng vẫn là mấy người già không biết còn sống được bao nhiêu lâu. Cái chính là những đồ đan bán ở chợ thì chỉ có thể dùng thông thường chứ rất ít tính nghệ thuật, không so sánh được với các sản phẩm cao cấp của người Thái xưa.

                                                                                                  Theo: tuoitre.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.519.592
Tổng truy cập: