Tin tức nổi bật
Làng gốm Phước Tích - Nơi lưu giữ đặc trưng của Làng Việt Cổ.
(Ngày đăng: 18/08/2014   Lượt xem: 1644)

Langnghevietnam.vn - Đất cố đô, nơi quy tụ những tinh hoa của dân tộc Việt Nam, mảnh đất tạo nên một Việt Nam thống nhất từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hoá vốn có của Huế. Những di sản còn lại sau gần hai thế kỷ tồn tại nói lên điều đó: quần thể di tích kinh thành Huế, nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại cần được bảo vệ. Đặc trưng của làng nghề Việt tự bản thân nó đang tô hồng thêm các giá trị văn hóa Huế. Làng gốm Phước Tích là một trong những địa chỉ như vậy.


Sông Ô Lâu 1966 - Photo by Ted Dexter

                                          Sông Ô Lâu 1966 - Photo by Ted Dexter -- Nguồn Internet

Cùng bao làng xã khác quanh thành phố Huế Phước Tích là một ngôi làng nhỏ với diện tích 1,2 km2 toạ lạc ngay khúc quanh của dòng sông Ô Lâu hiền hoà thơ mộng cách Tp. Huế khoảng 40 km về phía Bắc. Với vị trí đặc biệt như vậy nên dân làng thường xem nơi ở của mình là “chiếc túi rút” hay ba mặt giáp sông mặt còn lại giáp Mỹ Xuyên.

Theo các thông tin ghi trên Miếu đôi làng có lịch sử thành lập như sau: “Từ thế kỉ XV 12 dòng họ trong làng Đoàn, Hoàng, Hồ, Lê Ngọc, Lê Trọng, Lương Thanh, Nguyễn, Nguyễn Duy, Nguyễn Phước, Phan, Trần, Trương Nguyên. Ở làng “Cảm Quyết” sau là làng Đông Quyết huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An có nhờ ngài Hùng Minh là Hoàng Minh Hùng người làng đặc tấn minh phụ quốc Thượng Tướng quân Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ ty chỉ huy sứ quân quản trị phó tướng phò giúp di dân vào Nam định cư tại phần đất tự ngài khảo sát thích ứng với nghề gốm là cồn Dương khai hoang lập ấp xã hiệu Phước Giang nay là Phước Tích, nghề gốm hưng thịnh vẻ vang…”

Người dân Phước Tích ngay khi mới thành lập họ sống chủ yếu bằng nghề gốm và có sự kết hợp giữa gốm của người Việt du nhập vào nghề gốm bản địa đó là nghề gốm của người Chăm. Thời kỳ hưng thịnh cả làng nhà nhà làm gốm, vài gia đình góp vốn xây lò, cùng thuê thuyền đem hàng đi bán có khi đến chiều 30 mồng 1 Tết vẫn đi bán hàng, ca dao địa phương xác định:

Sáng chợ Cầu, chợ Kệ

Tối thủ lệ, Hạ Lang

Hiếu trung chi bên anh, anh cũng bỏ

Huống chi bên nường, nường ơi!

Gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi được cung cấp sản phẩm cho vua dùng, đó chính là điều tạo nên sự giàu có của một ngôi làng với những ngôi nhà Rường được xây dựng với kiến trúc chủ yếu là hai căn 3 chái. Đây là một trong những đặc trưng của đất cố đô với những ngôi nhà vườn rợp bóng cây, đã đi vào thơ của Hàn Mặc Tử:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”


Làng cổ Phước Tích (nhà tổ họ Trương)

                               Làng cổ Phước Tích (nhà tổ họ Trương) - Nguồn Internet

Làng Phước Tích hiện còn lưu giữ được những di sản vật thể vừa cổ kính vừa đồ sộ. Trong tổng số 117 nóc nhà của làng có tới 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ họ cổ, trong đó có 12 ngôi nhà Rường của các gia đình được xếp vào có giá trị đặc biệt. Các ngôi nhà Rường được liên kết với nhau chỉ cách nhau một khu vườn rộng với những hàng chè xanh, thẳng tắp, cùng những hàng cây ăn trái sai quả. Nó như là sự sắp xếp có dụng ý để hoà vào cảnh thiên nhiên thơ mộng của dòng sông hiền hoà như dải lụa đào uốn lượn qua làng, soi bóng những cây cổ thụ có tuổi đời gắn với tuổi làng.

Với quá trình di dân lập ấp người Việt cũng mang theo những tín ngưỡng văn hoá truyền thống của mình từ bắc vào hội nhập với tín ngưỡng văn hoá bản địa của người Chăm làm cho đời sống văn hoá tinh thần thêm phong phú. Đây là sự cấu kết, hoà trộn có chọn lọc giữa cộng đồng dân cư cùng sống trên mảnh đất này. Qua quá trình sinh sống người dân nơi đây đã để lại hệ thống di tích thuộc loại hình tín ngưỡng và di tích thuộc loại hình tôn giáo, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, chủ quan thông qua những thông tin thu được qua khảo sát:

Miếu cây Thị nằm ở xóm cây Thị, theo lời kể của cụ sống trong làng thì đây là miếu thờ bà đã có từ lâu. Miếu được xây dựng bằng gạch cổ, có tường bao quanh từ rất lâu. Cạnh đó là cây thị ngàn năm tuổi quanh năm xanh tốt, cây thị đã che chở cho dân làng những ngày kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Những người nào đi qua cây thị đều phải cúi đầu. Tương truyền cây thị rất thiêng, sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai có ý thiếu tôn trọng. Đây là miếu thờ Mẫu Ponagar của người Chăm được Việt hoá trong quá trình chung sống và kế thừa dòng văn hoá Chăm, việc cúng tế tại miếu diễn ra vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm (lấy ngày xuân tế của làng).

Đình làng, miếu thành hoàng, miếu Bổn Nghệ, nhà thờ họ được du nhập vào từ phía bắc vào. Đây là sự thể hiện tri ân của thế hệ sau đối với các bậc tiền bối, đặc biệt là những người có công xây dựng nên ngôi làng và người đã truyền đạt nghề cho làng. Miếu thờ Ngài bổn nghệ hiện tại là kết quả của quá trình di dời sau cơn hoả hoạn ở làng năm 1878, vết tích của miếu đình làng hiện còn nằm ở xóm Cầu, trong khuôn viên của trường tiểu học Phước Phú gồm hệ thống các di tích chùa làng, Miếu Đôi, Văn Thánh miếu (nơi để thờ Khổng Tử cùng các vị thánh hiền của Nho Giáo).

Đình làng thuộc xóm Đình mặt đình quay về hướng tây nam phía trước có dòng sông Ô Lâu chảy ngang qua, đình có kiến trúc truyền thống, hai bên có ba bia đá với phong cách trang trí thời Nguyễn. Bên cạnh đó là 10 nhà thờ họ với kiến trúc tương tự nằm rải rác trong làng. Miếu Quảng Tế và di vật Yôni, miếu thờ và di vật đá vôi,…

Cùng tồn tại với các di sản văn hoá vật thể là các lễ hội văn hoá diễn ra đều đặn hàng năm. Lễ hội được tổ chức kết hợp với các trò chơi như trò đua ghe vừa mang yếu tố tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hoà, cho sự thịnh vượng phát triển của làng. Là dịp để nhân dân trong làng thể hiện sự đoàn kết gắn bó với nhau sau những ngày làm việc vất vả. Đây cũng là dịp nghỉ ngơi để tưởng nhớ đến cha ông, những người đã gây dựng nên làng.

Dấu ấn của Phước Tích ngày nay vô cùng quý giá không chỉ cho nhân dân trong làng mà còn có giá trị đối với cả dân tộc Việt Nam. Đây là đặc trưng tiêu biểu, trọn ven nhất còn lại của làng quê Việt. Với hệ thống các di tích tín ngưỡng tôn giáo cho thấy nền tảng tâm linh phong phú, sâu sắc có ảnh hưởng đến sinh hoạt lao động sản xuất của cộng đồng. Các di tích của Phước Tích cho ta thấy cuộc sống cộng cư của hai dân tộc Việt Chăm trên nền tảng tâm linh tồn tại lâu dài bền chặt, hoà hợp với nhau không bài xích và có xu hướng Việt hoá.

Làng nghề Phước Tích là tài sản quý của dân tộc cần được quan tâm bảo vệ ngăn chặn sự xâm hại của môi trường, của con người, muốn vậy phải có sự quan tâm của tất cả các cấp các nghành liên quan cùng sự đồng tâm hiệp lực của người dân. Điều này được công nhận khi được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Lễ công bố quyết định quan trọng này diễn ra song song với “Festival nghề truyền thống Huế - 2009” (ngày 13-6), mở ra cơ hội phát triển mới cho Phước Tích.

                                                                                    Theo: Thanh Phong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.519.533
Tổng truy cập: