Tin tức nổi bật
Thực thi FLEGT: Cơ hội cho xuất khẩu gỗ
(Ngày đăng: 04/08/2014   Lượt xem: 695)
XK mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước thách thức về đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan tới nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Chương trình Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT). DN đã và cần làm gì để chuẩn bị sau thời điểm Hiệp định đối tác tự nguyện thực thi FLEGT (FLEGT-VPA) dự kiến ký kết vào tháng 10-2014.
Gỗ xuất khẩu

FLEGT sẽ là thách thức đối với cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ muốn cung cấp sản phẩm trong dây chuyền xuất khẩu đi EU. Ảnh: Trần việt

Cấp giấy phép FLEGT đối với 115 mặt hàng gỗ

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, FLEGT-VPA là hiệp định thương mại song phương ký giữa EU với đối tác quốc gia XK gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó đối tác quốc gia cam kết chỉ XK vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Quốc gia đối tác thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp để xác minh và cấp phép FLEGT cho gỗ và sản phẩm gỗ sẽ XK vào EU. Một cơ quan giám sát độc lập sẽ được hai bên nhất trí làm nhiệm vụ giám sát hệ thống này và cấp phép FLEGT sau khi Hiệp định ký kết.

Giải thích rõ hơn thế nào là gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức quốc tế Forest Trend tại Việt Nam (một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập năm 1996 với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững) cho biết, hợp pháp được hiểu là sản phẩm tuân thủ từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng đảm bảo những tiêu chí về các mặt xã hội, môi trường, kinh tế. Tiêu chí về xã hội ví dụ như gỗ trồng trên đất đang có xung đột là gỗ không hợp pháp. Tiêu chí kinh tế là người khai thác, vận chuyển phải tham gia đầy đủ yêu cầu về thuế, phí. Tiêu chí môi trường nghĩa là các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất phải cùng tuân thủ yêu cầu về môi trường. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với thị trường gỗ nội địa.

Ngoài ra, một vấn đề mà DN cần quan tâm đó là theo FLEGT, các DN XK gỗ sẽ chỉ xin cấp giấy phép nếu sản phẩm gỗ XK nằm trong danh sách 115 mặt hàng gỗ XK, còn nếu không DN XK gỗ vào EU sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ như đã thực hiện giải trình từ tháng 3-2014 khi thực thi theo Quy chế gỗ của EU (EUTR 995/2010).

Thị trường sẽ lớn gấp 7 lần

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong năm ngành hàng có kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam, trong đó EU là một trong bốn thị trường XK chính. Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ có 57% DN được khảo sát biết về Hiệp định FLEGT-VPA, nhưng 75% chưa biết về các nội dung chủ yếu của Hiệp định. Điều đáng nói là 73% DN được khảo sát đang XK sản phẩm gỗ nội, ngoại thất sang thị trường EU và chiếm 51% thị phần XK. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong số 500 DN chế biến và XK gỗ trong tổng số 4.000 cơ sở chế biến gỗ trên toàn quốc, nhiều DN đã biết về chương trình này cũng như đã có một số chuẩn bị cho những thay đổi đáng kể sau khi Hiệp định FLEGT-VPA được ký kết và triển khai.

Ông Quyền cho biết thêm, sau khi Hiệp định ký kết cũng chưa thể thực hiện được việc cấp giấy phép ngay mà còn cần phải hoàn thành một số việc. Đó là xây dựng văn bản kỹ thuật hướng dẫn FLEGT và các phụ lục kèm theo; tuyên truyền phổ cập thông tin đến với các đối tượng liên quan; xây dựng các tổ chức để thực thi FLEGT ví dụ như tổ chức xác minh, tổ chức cấp giấy phép… Hoàn thành được các công việc này mới có thể thực hiện được việc cấp giấy phép. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Indonesia đã hai năm sau khi Hiệp định ký kết nhưng vẫn chưa cấp được giấy phép vì chưa hoàn thành xong những khâu đoạn trên.

Mặc dù lộ trình thực thi FLEGT-VPA có một độ trễ chính sách như vậy nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền vẫn cần thực hiện bốn vấn đề để chuẩn bị cho việc thực hiện FLEGT-VPA. Thứ nhất là, tuyên truyền cho DN hiểu về hiệp định này nhưng quan trọng là DN phải chủ động tìm hiểu, từ đó xây dựng quy trình phù hợp với FLEGT. Ông Quyền cho biết thêm là hiện nay nhiều DN đã chủ động xây dựng quy trình sản xuất phù hợp với FLEGT. Thứ hai là, DN phải xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu. Thứ ba là, DN phải xây dựng chương trình quản trị phù hợp. Thứ tư là, nâng cao trình độ cho công nhân.

FLEGT là một chương trình tác động mạnh đến quy trình, thói quen từ trước tới nay của các DN XK gỗ và sản phẩm gỗ. Mặc dù một số DN XK, chế biến gỗ đã biết tới chương trình nhưng công việc cho một sự thay đổi thói quen của nhiều năm nay đối với một mặt hàng XK chủ lực không hề nhỏ. Ông Quyền cho biết, hiện nay DN mới chỉ XK chủ yếu vào bốn quốc gia lớn của EU, nếu thực thi theo FLEGT, DN XK gỗ sẽ có thị trường rộng mở là 28 quốc gia thành viên EU. Điều này đòi hỏi DN cần tiếp tục chủ động nhiều hơn nữa để khai thác hết những lợi ích mà Hiệp định này mang lại.

                                                                                                     Theo: baohaiquan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.519.429
Tổng truy cập: