Tin tức nổi bật
Làng gần 500 năm đóng tàu ra biển Hoàng Sa
(Ngày đăng: 03/07/2014   Lượt xem: 898)
Dọc theo chiều dài đất nước qua dải đất miền Trung, lịch sử dân tộc đã định hình nhiều làng nghề truyền thống gắn liền với biển cả yêu thương. Trong cái nắng chói chang của ngày hè, chúng tôi về làng Thượng Đức, xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình với sự đong đầy háo hức nghe câu chuyện của người làng. Làng nép mình bên bờ biển hiền hòa, ở đó có hàng ngàn ngư dân chọn vùng biển Hoàng Sa như quê hương mình; có gia đình ngư phủ cha truyền con nối tỷ mẩn đóng tàu cho bà con ra biển; đêm đêm tiếng đọc bài, trò chơi của con trẻ vang vọng bên bờ biển... Một làng nghề đã có gần 500 năm qua.

Từ chiếc ghe bầu đến đóng tàu ra biển lớn

Gần 50 năm qua, ông Phạm Minh Hồng ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch vẫn thường tự hào về công việc đóng tàu đi biển của mình. Từ lâu, ông Hồng được ngư dân đi biển miền Trung xem như “vua” đóng tàu bởi tay nghề lão luyện, cũng như tâm hồn ông gửi vào mỗi con tàu. Nhấp ngụm trà đắng, ông Hồng nhìn xa xăm nói: “Đến đời tui là hơn 10 đời gia truyền đóng tàu đi biển, gốc gác cụ tổ ở vùng biển Nghi Lộc, Nghệ An. Xa xưa, ông bà tui chỉ đóng ghe bầu. Loại thuyền nhỏ để đánh cá gần bờ, rồi chở hàng vào vùng biển Phan Thiết bán cho các lái buôn đưa hàng qua Pháp. Qua mỗi đời, gia đình tui chỉ truyền nghề lại cho một người. Và cứ thế mỗi đời con, cháu lại phát huy nghề đóng tàu thuyền của mình. Từ chiếc ghe bầu của tổ tiên giờ chúng tôi đóng những con tàu công suất gần cả ngàn CV để giong ra biển lớn”.

Những chiếc tàu với công suất hơn 700CV đang được ngư dân hoàn thiện để ra biển lớn đánh bắt thủy hải sản.

Năm 1979, Phạm Minh Hồng mới 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ ra đảo Trường Sa. Bốn năm làm người lính thông tin trên đảo Song Tử Tây với bao kỷ niệm chất chứa trong ông. Hàng ngày nhìn những cánh buồm trên vùng biển yêu thương của Tổ quốc, Hồng lại thầm thì với bản thân để nuôi dưỡng giấc mơ đóng tàu. Năm 1983, rời quân ngũ trở về làng, việc đầu tiên Hồng làm là sắm cho mình bộ đồ nghề đóng tàu đi biển. Hơn 30 năm qua, Phạm Minh Hồng đã đóng hơn 300 con tàu cho bà con ngư dân ở miền Trung. Với tay nghề của mình, những chiếc tàu do Phạm Minh Hồng đóng luôn được bà con ngư dân xem như chuẩn mực của việc đóng tàu. Thấy ngư dân ngày một cần hơn những chiếc tàu lớn để ra khơi, Phạm Minh Hồng đã xá tội tổ tiên việc truyền nghề. Hàng chục năm qua, ông vừa đóng tàu vừa đào tạo cho hàng trăm người biết đóng tàu, để rồi giờ đây làng biển Đức Trạch trở thành làng nghề đóng tàu đi biển nổi tiếng khắp vùng.

Nói về việc đóng tàu và đi biển của bà con quê mình, ông Hồ Đăng Chiến - Chủ tịch UBND xã Đức Trạch hồ hởi cho biết, với 1.723 hộ và 7.547 khẩu nhưng Đức Trạch đang có hơn 2.100 ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và hơn 500 ngư dân đánh bắt gần bờ. Đức Trạch cũng là một trong những địa phương có tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 276 tàu lớn. Mỗi năm, ngư dân Đức Trạch đánh bắt được hơn 3.600 tấn thủy hải sản. Từ một xã nghèo, giờ đây nhờ lộc biển, người dân xã Đức Trạch trở thành một trong những xã giàu nhất tỉnh Quảng Bình. Hơn 50% hộ dân đã làm được nhà cao tầng kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,19% trong lúc toàn huyện Bố Trạch còn 11%.

Ông Phạm Minh Hồng - người được ngư dân gọi là “vua” đóng tàu với tác giả bài viết.

Hoàng Sa là quê hương của ngư dân trên biển

 Ngồi bên triền cát biển nghỉ tay việc đóng tàu, ông Phạm Minh Hồng nhìn ra biển lớn trải lòng. Tất cả tàu ông đóng để đánh bắt xa bờ, ngư dân nơi đây đều đặt để đánh bắt ở ngư trường truyền thống vùng biển, đảo Hoàng Sa. Nhiều gia phả của các dòng họ ở Quảng Bình đều di huấn với con cháu, ngư trường Hoàng Sa là vùng biển của quê hương. Chính vì vậy, hàng trăm năm qua bà con ngư dân ở Đức Trạch cũng như nhiều làng biển miền Trung đều xem vùng biển, đảo Hoàng Sa như quê hương trên biển của mình. Trời yên, biển lặng bà con đánh bắt thủy hải sản, khi gặp dông lốc, bão tố bà con lại cho thuyền cập đảo tránh trú. Con đường làng ngoằn nghèo đưa chúng tôi đến nhà ngư dân Nguyễn Văn Võ, xã Đức Trạch, người được xem như “sói biển” của Quảng Bình. Gần 50 năm ra khơi vào lộng ở vùng biển Hoàng Sa, ông Võ như biết được luồng đi của cá, nhìn áng mây hay làn gió ông biết được thời tiết có chiều lòng ngư dân hay không. Cả 7 người con của ông Võ đều theo cha đi biển Hoàng Sa. Hiện gia đình ông có 7 chiếc tàu lớn đánh bắt xa bờ, và các con ông đang tiếp tục đóng thêm tàu mới.

Mấy tháng qua, Trung Quốc đưa giàn khoan, tàu trái phép vào vùng biển Hoàng Sa của nước ta, gây khó, rượt đuổi, đâm chìm tàu của ngư dân… nhưng với ông Võ điều đó càng làm cho ông, các con ông và hàng ngàn ngư dân khác thêm yêu vùng biển quê hương. “Tui nói với các con, ngư trường Hoàng Sa là biển của mình đời này qua đời khác, mình cứ đánh bắt, nếu mình sợ không ra đánh bắt thì khác chi dâng ngư trường của ông bà của mình để lại cho chúng.  Chúng tôi giữ ngư trường là giữ cho chính mình và con cháu mình sau này”. Nghe ông Võ nói vậy, mắt tôi tự nhiên cay xè. Những ngư dân như ông Võ tình yêu quê hương, đất nước được họ bộc bạch giản đơn như quy luật nước thủy triều, sáng biển dâng, chiều biển rút nhưng lòng biển luôn thăm thẳm chiều sâu.

Nắng ngả chiều, đi dọc theo bờ biển tôi thấy lòng mình ấm lại khi bắt gặp hàng ngàn ngư dân đang hối hả lên tàu ra biển để đánh bắt vụ cá nam. Bão giông rồi phải hết. Trời quang, mây tạnh, biển lặng, sóng ru để tiếng cười của ngư dân chan đầy trên mặt sóng.

                                                                                       Theo: cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.472
Tổng truy cập: