Tin tức nổi bật
Phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt ngày Tết
(Ngày đăng: 13/01/2014   Lượt xem: 971)

Từ xưa, trong quan niệm của mỗi gia đình người Việt, nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà chính là ban thờ.

Tùy theo  từng gia đình nhưng không gian thờ tự đều có một nét chung, đó là nơi thể hiện sự gắn kết thiêng liêng giữa con cháu với hương linh ông bà tổ tiên. Nhưng để bài trí không gian thờ tự và trang hoàng ban thờ trong ngày Tết đúng cách, đều có những nguyên tắc riêng…

Tăng tài tấn lộc

Trong tín ngưỡng người Việt Nam nói chung, việc thờ cúng thần Phật, tổ tiên ở mỗi gia đình là một phong tục truyền thống được nối dài qua nhiều thế hệ. Ngoài việc thờ cúng thần Phật ở các ngôi đình, đền, chùa, miếu mạo, người Việt còn “rước” các ngài về thờ tại gia rất trang trọng để mong “tăng phúc lộc, trừ tai ương”, “hưng vượng nhân đinh”... Tục thờ cúng hương linh ông bà tổ tiên thể hiện sự ghi nhớ công ơn của các thế hệ tiền nhân và người Việt tin tưởng rằng hương linh ông bà tổ tiên luôn theo sát để phù hộ độ trì cho con cháu.

Theo quan niệm dân gian, tùy từng vùng, ban thờ thần Phật và gia tiên có thể để chung hoặc để riêng một không gian thờ cúng nhưng đều tuân thủ những nguyên tắc chung. Ban thờ là nơi linh khí quy tụ nên áp lưng vào tường vững chắc. Nếu khí trường tại nơi này hưng vượng, vận khí của gia chủ sẽ sung mãn. Không nên đặt ban thờ dựa lưng vào trụ nhà hoặc có cửa sổ bên cạnh vì không tụ được khí, tối kỵ treo ban thờ lơ lửng trên không mà không có chỗ dựa vì sẽ khiến việc làm ăn của gia chủ lên xuống bất thường.

Ban thờ ngày Tết thể hiện sự ấm cúng sum vầy trong mỗi gia đình. Ảnh: TL
Điều nên lưu ý đầu tiên là ban thờ phải hợp hướng với chủ nhà và không đặt dưới xà nhà, nếu không có vị trí nào khác thì phải làm trần giả bên trên. Các gia đình nên tránh dùng tủ thờ làm nơi cất giữ, trưng bày đồ đạc như loa đài, bể cá, ti vi, dao kéo, thuốc men…

Việc bài trí trên ban thờ cũng rất quan trọng và có những ý nghĩa ước lệ nhất định. Chính giữa ban thờ đặt bát hương lớn tượng trưng cho tinh tú, trong bát hương có cây trụ để cắm hương vòng tượng trưng cho trục vũ trụ, hai bát hương khác đặt ở hai bên tạo nên thế tam tài. Phía bên ngoài ban thờ thường bố trí hai cây đèn hoặc nến (ngày nay nhiều gia đình sử dụng bóng đèn điện) tượng trưng cho mặt trời bên trái và mặt trăng bên phải.

Bát hương thờ thần Phật nên bố trí cao hơn bát hương thờ tổ tiên, không nên thờ quá nhiều thần Phật dễ gây xung đột linh khí. Nếu gia chủ thờ cả hai họ nội ngoại thì nên bố trí họ nội ở bên trái, họ ngoại ở bên phải ban thờ.

Không đặt chậu cây cảnh, các loại hoa nhựa trên ban thờ mà nên dùng hoa tươi. Tục thờ “cành vàng lá ngọc” làm bằng giấy một màu vàng, một màu bạc thể hiện âm dương giao hòa, “âm phù dương trợ” cho gia chủ. Với hoa tươi, người Việt Nam thường dùng hoa huệ, lay ơn, hồng, cúc, mai, đào… tối kỵ dùng những loại hoa “sớm nở tối tàn” như hoa quỳnh, hoa nhài, phù dung…

Cũng nên lưu ý, khi thắp hương chỉ nên dâng mỗi bát hương một cây, nếu dịp quan trọng hoặc có việc cầu xin thì dâng ba cây, tránh đốt nhiều khiến tà linh xâm nhập vào nhà. Nếu gia đình nào thờ Phật, nhất thiết vật phẩm dâng cúng phải là đồ chay, nếu có đồ mặn cần dâng tổ tiên thì nên kê thêm bàn hoặc sập bên dưới.


Trang hoàng ban thờ trong ngày Tết cổ truyền

Việc lau dọn, trang hoàng ban thờ ngày Tết khá quan trọng nên trước khi tiến hành việc này gia chủ thường tắm rửa sạch sẽ. Khăn lau ban thờ phải để dùng riêng, tuyệt đối không dùng vào việc khác. Nước lau bài vị, ban thờ phải dùng nước ấm, thường được nấu từ lá trầu, lá bồ đề, ngũ vị. Khi lau rửa bài vị phải lau bài vị của thần Phật trước, thay nước mới rồi tiếp tục lau bài vị của tổ tiên.

Sau khi lau dọn ban thờ xong mới tiến hành bày biện, trang hoàng ban thờ. Vật phẩm dâng cúng tùy theo điều kiện từng gia đình nhưng nhất thiết phải có mâm ngũ quả trên ban thờ ngày Tết. Theo quan niệm dân gian, mâm ngũ quả chính đại diện cho ngũ hành: Kim – mộc – thủy – hỏa – thổ được thể hiện qua màu sắc của các loại quả như: Chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam.

Mỗi vùng miền lại có quan niệm và cách trưng bày ngũ quả khác nhau. Người Nam Bộ thường bày các loại quả như: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với ước mong năm mới “cầu sung mãn vừa đủ xài”. Với người miền Bắc, quả chuối và phật thủ tượng trưng cho bàn tay che chở của đức Phật thoát khỏi mọi tai ương, các loại quả màu đỏ thể hiện sự may mắn, quả bưởi và dưa hấu cầu mong sự no đủ, phồn thịnh… Ngày nay, ngoài các loại quả truyền thống, mâm ngũ quả của người Việt còn có thêm nhiều loại hoa quả ngoại nhập, tạo nên sự phong phú, đa dạng về màu sắc và hương vị.

Mâm ngũ quả thường được bày ở vị trí trung tâm của ban thờ ngày Tết, hai bên là hai cặp bánh chưng xanh. Các loại bánh, mứt, rượu cũng được gia chủ dâng lên mời thần Phật, tổ tiên. Một số gia đình thường bày tiền vàng lưu trên ban thờ cả năm, nhưng nên nhớ phải hóa số tiền vàng đó vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm giúp cho gia chủ có sự luân chuyển về tiền bạc dồi dào, năm sau nhiều hơn năm trước. Theo quan niệm dân gian, nếu để quên không hóa vào cuối năm, việc làm ăn của năm tới sẽ bị ngưng trệ, gặp nhiều khó khăn.

Sáng 30 Tết, ban thờ Tết của mọi nhà đã được trang hoàng rực rỡ, chu tất. Lúc này gia chủ bắt đầu thắp hương vòng hoặc hương que loại lớn. Việc ban thờ luôn được thắp sáng bởi đèn nến và mùi hương tỏa ra thơm ngát trong suốt mấy ngày Tết tạo sự ấm cúng, linh thiêng thể hiện sự gắn kết giữa con cháu và ông bà tổ tiên. Vào dịp này, các gia đình thường chọn loại hương có mùi thơm đặc biệt như hương trầm, hương bài… để dâng cúng thần Phật, tổ tiên. Việc trang hoàng, thắp hương thường không phân biệt nam nữ, nhưng vào những dịp quan trọng như lễ, Tết người Việt thường tin tưởng giao phó cho người lớn tuổi nhất nhà như: Lễ đêm 30, sáng mùng 1, cúng tiễn hóa vàng…

Bữa cơm chiều 30 Tết luôn có một ý nghĩa thiêng liêng với người Việt, đó là bữa cơm sum vầy, đoàn viên và có lẽ là ngon nhất trong mấy ngày Tết. Vào hôm đó, các nhà thường làm cơm để trước là dâng cúng ông bà tổ tiên, sau là con cháu “thụ lộc”. Các bà, các mẹ đều trổ tài nấu nướng những món “mất công” một chút mà ngày thường ít có thời gian để nấu. Người miền Bắc có món bóng nấu thả thể hiện sự cầu kỳ, tỉ mỉ của “bếp trưởng” bởi sự đa dạng của nguyên liệu và cách chế biến, ngoài ra là các món như nem rán, măng khô nấu móng giò rất hợp vị với khí lạnh ngoài Bắc. Trong Nam nhất thiết phải có nồi thịt kho hột vịt, bò hầm nước cốt dừa, tôm khô trộn củ kiệu và các món gỏi trộn chua ngọt thích hợp khí hậu nắng nóng vào dịp Tết.

Sự đa dạng về văn hóa vùng miền tạo nên những bản sắc khác nhau trong việc trang hoàng ban thờ ngày Tết cũng như các món trong mâm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên của người Việt. Nhìn vào mâm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên ngày cuối năm ta có thể thấy được sự thành tâm, hiếu kính, của các thế hệ con cháu với người đã khuất.
                                                                                        Theo: phapluat&xahoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.925
Tổng truy cập: