Tin tức nổi bật
Ông đồ gàn giữa đất Hà thành
(Ngày đăng: 28/12/2013   Lượt xem: 1022)
Gần chục năm nay, mỗi dịp Tết đến, xuân về, tại "phố ông đồ" Văn Miếu lại có một ông già râu tóc bạc phơ với bộ quần áo nâu bạc màu, vừa say sưa múa bút vừa giảng giải ý nghĩa của từng chữ cho khách thập phương. Ông là một trong "tứ trụ thư pháp", Tiến sỹ Hán học Cung Khắc Lược.
Lối thư pháp kỳ lạ

Bắt đầu cầm bút lông từ năm 6 tuổi và chưa bao giờ buông bỏ việc cầm bút, ông có lối viết thư pháp rất lạ. Theo ông, cái khó khi viết thư pháp là người viết thư pháp phải có một "khí tượng". Ông giải thích, hiện nay dân mình chỉ nghe hai chữ "khí tượng" qua thông báo thời tiết. Thời tiết gắn với vũ trụ, với không khí để thở, nhiệt độ, độ ẩm, với những vụ nổ lớn của đất trời. Thư pháp cũng gần như vậy. Khi cầm cây bút, người viết phải có khí tượng thế nào đấy thì mới viết được ra những chữ có thể đập ngay vào mắt, vào tim người xem. Vì vậy, ta mới "cảm" được chữ, mới thấy có những chữ như chớp xé, mây bay, có những chữ an ủi ta, làm cho ta mạnh mẽ lên… Khí tượng kết tinh từ tình yêu, thời gian, cuộc đời, máu huyết hòa tan với truyền thống ông cha của người cầm bút.

 
Thư pháp gia Cung Khắc Lược.

Cách ông cho chữ cũng rất lạ. Không phải ai đến xin chữ ông cũng cho. Ông đồ rằng cái này ông bị ảnh hưởng của cha, ông, cụ ông. Ông bảo, thực tình ông sẵn lòng thôi nhưng nhiều khi không hiểu sao ông không muốn viết. Có những người đến với ông, ông thành khẩn rằng, người bên cạnh viết hay hơn, làm ơn sang xin người ấy. "Bởi vì hình như lúc đó có một cái gì rất lạ. Nếu thành thật thì tôi thấy lúc đó tôi không khoái viết, hình như không có hứng. Tất nhiên, khi ra phố ông đồ, hưởng không khí chung của thành phố vào mùa xuân vốn là một cái thú, tôi cũng muốn viết quá đi chứ. Mặt khác khi cho chữ, người ta cũng biếu mình vài đồng mua rượu, trà đãi khách, hà tất mình phải không viết? Thế nhưng tôi không thể viết!". Cũng có những người đến với ông, ông như bị mê đi, gặp người ta là ông lập tức nói: "Vâng vâng, nói cho tôi nghe đi, cần cái gì?", ông nghe xong bảo "Ừ, viết được!". Có những lần, ông phải mất hàng tiếng đồng hồ mà chỉ viết cho người ta một chữ. Không ít người nghĩ ông thế này thế kia nhưng ông chỉ nghĩ đơn giản trong thư pháp phải có cái giao cảm giữa người cầm bút và người xin chữ. Có như vậy thì viết chữ ra mới thấy sướng được. Cũng không phải khách xin chữ nào, ông cho ngay chữ đấy. Người xin chữ "thọ", ông cho chữ "đầu bạc răng long", có cô bé xin chữ "học", ông cho chữ "đỗ cao". Ông giải thích, đi học tất phải đỗ, mà đã đỗ thì phải đỗ cao.

Với ông, thư pháp đẹp không phải là một tờ giấy đẹp, chữ viết đẹp. Giá trị của bức thư pháp là mối quan hệ hô ứng giữa người cầm bút và người xin chữ. Thư pháp có hai người ở trong. Đó là cái óc của người cầm bút và cái tâm hồn, mong muốn của người xin chữ. Ông giải thích "pháp" là "phép", thư pháp ở một khía cạnh nào đó là phép của chữ. Thư pháp đẹp phải chứa đựng trong đó sự nhiệm màu.

Niềm vui và nỗi buồn thế thái

Vốn là dòng dõi Tổng đốc Cung Đình Vận, cha làm hương sư, cụ nội, cụ ngoại, ông nội, ông ngoại đều làm thầy, ngay từ khi còn bé, ông đã được cha dạy chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, được cụ bốn đời dạy chữ Nho, chữ Nôm. Thời đi học, ông được học con cụ Lê Đại - Từ Long, một yếu nhân của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông là một trong những "khai quốc công thần" của Đại học Sư phạm Việt Bắc. Ông giỏi tiếng Pháp, thông tiếng Tàu, làu làu nôm Tày, nôm Dao, nôm Thái… Mấy chục năm ở với người Thượng, ông biết nhiều về bùa chú và y lý dân tộc. Kiến thức của ông khiến không ít học giả phương Tây phải nghiêng mình. Chẳng thế mà có người còn bỏ tiền đài thọ cho ông đi du lịch các nước Châu Âu. Thế nhưng không phải ông không có nỗi buồn riêng. Ông bảo điều ông rất buồn là bây giờ suốt trong Nam ngoài Bắc, chữ quốc ngữ ở đâu cũng là chữ của máy tính. Từ chữ "chúc mừng năm mới" đến các khẩu hiệu của đường phố ngày xuân… chả năm nào khác năm nào. Điều này không chỉ nhàm chán mà còn là nỗi đau vì sự nghèo nàn. Ông bảo, bất cứ thứ chữ nào của bất kỳ quốc gia nào đều có thư pháp. Đi nhiều nước Châu Âu, được chiêm ngưỡng những biển hiệu 500, 600 năm tuổi được viết bằng thư pháp, ông lặng người đi vì vẻ đẹp của chúng. Vậy mà ở ta thì…

Có người cho rằng ông là mẫu người thất bại thảm hại của trí thức Hán học trong thời buổi kinh tế thị trường, tự tạo nỗi khổ, niềm vui và đeo đẳng nó như một nghiệp chướng nặng nề. Thế nhưng ông lại cho rằng mình rất hạnh phúc. Ông bảo, ông thấy thú vị vì cái học của ông thực sự có ích. Thường xuyên đeo bút đi ngao du khắp nơi, từ miền núi cho đến vùng đồng bằng, đi đâu ông cũng được dân quý mến, tin yêu. Họ mời ông vào nhà, nhờ ông nói cho họ nghe về tổ tiên của họ, mời ông dùng cơm. Thậm chí, khi ông đến, nhà nọ còn báo cho nhà kia để mời ông sang. Trong việc cho chữ đầu năm, ông cũng có niềm vui riêng. Thú nhất là khi được người ta hồi âm. Ông kể có lần, dù mưa xuân lất phất, nhưng vẫn có gia đình đưa cả đứa bé chưa ngồi vững đến chào ông vì năm trước ông cho gia đình hai chữ "mẹ tròn con vuông" và chữ "quý tử", nay đã thành sự thật.

Trong số tứ trụ làng thư pháp Việt gồm "Hòa, Bách, Nguyện, Lược" (Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện, Nam ba cẩm văn Cung Khắc Lược), nay người đã đi xa, người tuổi cao sức yếu nên ít xuất hiện nơi công cộng, chỉ còn mình "anh tấn sỹ Cung Khắc Lược" như cách gọi của chính ông, năm nào cũng ra Văn Miếu "chém gió", đọc thơ và cho chữ khách thập phương. Ông bảo, chừng nào ông còn chưa chết thì còn ra Văn Miếu, vì cho chữ là cái thú và niềm sung sướng nhất cuộc đời ông.


                                                                                                     
Theo: hanoimoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.686
Tổng truy cập: