Tin tức nổi bật
Nghệ nhân Mai Hạnh - “Nữ hoàng” hoa lụa Hà Thành
(Ngày đăng: 26/12/2013   Lượt xem: 1398)
Hoa lụa là vật dụng trang trí phổ biến trong các gia đình Việt cũng như chốn công sở. Với những người  sành chơi hoa lụa Hà Thành, chắc hẳn không ai là không biết đến bàn tay tài hoa của nghệ nhân  Mai Hạnh - người mang đến cho đời hàng trăm bông hoa đẹp, tươi sắc mãi theo thời gian.

  


Tôi tìm đến cửa hàng hoa lụa  mang tên người nghệ nhân tài hoa Mai Hạnh trong một chiều mưa dông. Hàng trăm bông hoa đua nhau khoe sắc trong cửa hàng nhỏ chưa đầy 10 mét vuông trên phố Chả Cả Hà Nội như mời chào tất cả những du khách ghé thăm cửa hàng, trong đó nhiều nhất và ấn tượng nhất chính là những bông sen hồng đang trong thời kì nở rộ.

Nếu ai từng nghĩ hoa lụa thường  giả, chỉ cần giống hoa thật có nghĩa là đẹp thì khi đến đây, suy nghĩ đó hẳn sẽ phải thay đổi bởi hoa lụa Mai Hạnh có sự độc đáo riêng khác hẳn so với nhiều loại hoa khác bán trên thị trường.  Chẳng hạn như hoa sen, ngoài những cánh hoa búp to nhỏ dần đều từ trong ra ngoài, màu hoa còn phớt hồng như vẫn trong đầm lúc sương sớm. Không những  thế, đài sen và nhụy sen cũng đủ cả.  Đôi khi để cạnh đóa sen đang nở, người  thưởng hoa không chuyên như tôi không  khỏi giật mình.
  


Nghệ nhân Mai Hạnh năm nay đã  bước sang tuổi 63, nhưng so với bức ảnh bà chụp năm 36 tuổi - tròn một năm bà được công nhận nghệ nhân thì sự thay đổi dường như không đáng kể. Vẫn mái tóc ngắn gọn gàng, vẫn khuôn mặt hồn hậu tươi sáng, có chăng chỉ thêm một vài nếp nhăn in dấu thời gian. 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm hoa lụa, từ khi còn nhỏ bà đã được mẹ dạy làm hoa. Tuy nhiên bà chỉ thực sự đam mê với nghề từ năm học lớp 8 sau khi nghỉ học ở nhà do bị thương ở chân. Sau này, hễ đi trên đường hoặc đâu đó gặp những bông hoa đẹp, hoa lạ bà đều hái về bắt chước mẹ  làm. Dần dà, tình yêu với những bông hoa khiến bà không dứt ra được nữa.  Sự cần cù, miệt mài và không ngừng  sáng tạo với nghề đã giúp bà đoạt Huy chương Vàng trong cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc với bông hoa dâm bụt bằng lụa khi mới 28 tuổi.  Sau đó bà liên tiếp được mời đi giao  lưu và quảng bá hoa lụa Việt Nam ở rất nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc,  Thái Lan…

Với nghệ thuật làm hoa lụa độc đáo, nghệ nhân Mai Hạnh đã từng được mời đi Mông Cổ giảng dạy cách  làm hoa lụa thủ công. Con đường đi đến thành công chẳng bao giờ được trải hoa hồng. Với nghệ nhân Mai Hạnh cũng vậy. Trước  đây, do điều kiện khó khăn, vải vóc khan hiếm, bà phải làm hoa từ vải tiết  kiệm, thế nhưng bằng kĩ thuật bà vẫn mang đến cho đời không ít bông hoa đẹp mà tinh tế đến bất ngờ. Ngay cả khi tham gia triển lãm nghề truyền thống dân gian 12 nước châu Á tại  Fukuaka - Nhật Bản năm 1998, bà cũng chỉ có trong tay mớ vải khiêm tốn và cây kéo. Thế nhưng đôi bàn tay  khéo léo, nhanh nhẹn đầy biến hóa ấy đã tạo nên nét riêng biệt của hoa lụa Việt Nam và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo những người theo dõi. Nhờ đó, nghệ nhân Mai Hạnh vinh dự được Nhật Hoàng tặng bằng khen ngợi. Đây không chỉ là sự  động viên, khích lệ của quốc tế dành cho hoa lụa Việt Nam nói chung, hoa  lụa Mai Hạnh nói riêng, mà đó còn là  động lực vô cùng to lớn giúp bà thêm  gắn bó với nghề dịch vụ mà bà tâm  niệm là “làm dâu trăm họ”.
  


Ngày nay, với công nghệ hiện đại, người ta có thể sản xuất ra hàng  loạt những bông hoa giống hệt nhau  đến từng chi tiết nhỏ. nhưng với nghệ nhân Mai Hạnh, một bình hoa đẹp không phải là trăm bông như một,  mà mỗi bông phải có sắc nét riêng,  có như thế mới làm nên một bình hoa sinh động sắc màu, hơn nữa, hoa lụa làm bằng tay bao giờ cũng mềm mại  và có hồn hơn. Gần 50 năm trong nghề, dường như chưa bao giờ Mai Hạnh làm hoa theo cách của một người thợ quen tay, lành nghề. Bao  giờ cũng thế, mỗi bông hoa qua sáng tạo của bà đều mang một vẻ riêng,  một câu chuyện riêng, thậm chí là một số phận riêng đầy màu sắc. Nhờ  vậy, hoa lụa Mai Hạnh vẫn giữ được uy tín và tình yêu đối với những người  yêu thích và chơi hoa lụa. 

Không chỉ dừng lại ở đam mê  và tâm huyết với nghề làm hoa lụa  truyền thống, bà còn nuôi trong mình ước vọng thổi bùng ngọn lửa đam mê cho những lớp học trò kế cận để duy trì sức sống bèn bỉ của hoa lụa Việt  Nam. Đúng là “tre già măng mọc”, người học trò đặc biệt nhất của nghệ nhân Mai Hạnh lại chính là cô con gái Đặng Thị Minh Hằng. Chính bà đã  truyền ngọn lửa đam mê và tay nghề khéo léo cho Minh Hằng, giúp côngày một trưởng thành và vững bước  hơn trong nghề.

Bên cạnh đó, từ năm 1985 nghệ nhân Mai Hạnh đã đi dạy nghề ở khắp nơi và tổ chức lớp học “miễn phí”  cho các em mồ côi, bị chất độc màu da cam của Hội Cựu chiến binh thành  phố. Đến giờ số học sinh học nghề của nghệ nhân Mai Hạnh đã lên đến  hàng trăm em, nhiều em ra nghề đã  nuôi sống được bản thân. Nhiều sản phẩm hoa do các em học sinh làm ra được bày bán trong cửa hàng của bà. Dường như nghệ nhân Mai Hạnh không chỉ mang đến cho đời những bông hoa đầy hương sắc mà với cái tâm từ chính đáy lòng mình với nghề,  với đời, bà đã mang đến cả những bông hoa biết cười trên môi lớp lớp  học sinh.

                                                                                            Theo: hanoitv

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.334
Tổng truy cập: