Tin tức nổi bật
Làng nghề chế biến tơ nhựa Tảo Phú mai một do đâu?
(Ngày đăng: 23/12/2013   Lượt xem: 791)

Đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nhưng đến nay làng nghề chế biến tơ nhựa ở Tảo Phú (Tam Hồng - Yên Lạc) đang dần mai một.

Xưởng của anh Chu Văn Dũng hiện có 4 chiếc máy kéo tơ nhựa với 5 lao động thường xuyên.

Với gần 20 năm làm nghề, nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh với sản phẩm thừng, chạc, năm 2006, Tảo Phú được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tại thời điểm đó, nghề chế biến tơ nhựa ở Tảo Phú có bước phát triển mạnh, hơn 30 hộ làm nghề với quy trình khép kín, vừa chế biến tơ nhựa vừa quay thừng, chạc, tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, tổng giá trị sản xuất làng nghề đạt 8,7 tỷ đồng. Thời kỳ phát đạt, trong thôn xe chở phế nhựa, thừng, chạc đi lại tấp nập. Người dân hăng say làm nghề. Dọc 2 bên các tuyến đường trong thôn đều được bà con tận dụng làm nơi đặt máy kéo tơ nhựa.

Ông Chu Văn Học - Trưởng thôn Tảo Phú cho biết: Những năm gần đây, trước tác động của thị trường,  giá nguyên liệu tăng cao, đầu ra bấp bênh, lại chịu sự cạnh tranh lớn, việc tiêu thụ bị hạn chế, doanh thu từ chế biến tơ nhựa thấp. Mặt khác, làng nghề xen lẫn với khu dân cư, vấn đề môi trường gặp nhiều khó khăn, người dân không còn mặn mà với nghề, dần chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Đến nay, bên cạnh 9 hộ sản xuất thừng, chạc, trong thôn chỉ còn lại duy nhất gia đình anh Chu Văn Dũng còn bám trụ với nghề chế biến tơ nhựa.

Cùng phải đối mặt với khó khăn chung của làng nghề, song xưởng chế biến tơ nhựa của gia đình anh Dũng không những không đứng trước nguy cơ đóng cửa mà còn phát triển mạnh, đem lại cho gia đình anh thu nhập gần 400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân là 3 triệu đồng/người/tháng. Vậy đâu là hướng đi giúp gia đình anh Dũng thoát khỏi số phận chung của làng nghề?

Qua trao đổi với anh Dũng, được biết, mặc dù được công nhận là làng nghề, song chế biến tơ nhựa ở Tảo Phú chủ yếu vẫn mang tính tự phát, các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đảm bảo được lợi nhuận của mình. “Nhà tôi có 4 máy kéo tơ, thu nhập 1 triệu đồng/ngày, nhưng những nhà khác chỉ 1, 2 máy, thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày, công việc lại vất vả, nên họ bỏ dần”, anh Dũng nói.

 Mấy năm trở lại đây, sản phẩm thừng, chạc của địa phương chịu sự cạnh tranh về giá cả với sản phẩm thừng, chạc Bắc Giang, chủ yếu là sản phẩm giá rẻ, khiến cho thừng, chạc Tảo Phú gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Nhận thức được sản phẩm thừng, chạc giá rẻ của mình không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Bắc Giang, anh Dũng đã mạnh dạn đầu tư, thu mua nguyên liệu tốt, giá cao, chế biến tơ nhựa mịn, không bột đá, làm ra loại thừng, chạc chất lượng cao. Bước chuyển đổi này không những giải quyết khó khăn trước mắt mà còn tạo ra hướng phát triển mới cho nghề. Không chỉ chế biến tơ nhựa cho việc quay thừng, chạc của xưởng mình, anh Dũng còn bán tơ nhựa cho các hộ làm thừng, chạc trong thôn. Sản phẩm thừng, chạc Tảo Phú từ các chợ đầu mối ở Thổ Tang, Bắc Giang đổ đi khắp các tỉnh thành, tuy có giá cao song rất được yêu thích bởi độ bền tốt.

Có thể nói, sự mai một làng nghề chế biến tơ nhựa Tảo Phú không phải là sự đi xuống của một làng nghề đã hết thời, mà là thất bại của cách làm ăn tự phát, thiếu định hướng. Đây cũng là bài học của không ít làng nghề trước những tác động của thị trường.


                                                                                                  Theo: baovinhphuc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.494.317
Tổng truy cập: