Tin tức nổi bật
Nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất ở các làng nghề
(Ngày đăng: 21/12/2013   Lượt xem: 1792)
Trong các làng nghề truyền thống, công nghệ sản xuất có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển ngành nghề nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung. Đổi mới công nghệ để khắc phục những yếu kém trong sản xuất theo lối cũ đang là một yêu cầu bức thiết ở các làng nghề truyền thống hiện nay.
Bắc Ninh có 62 làng nghề đã được công nhận, phân bố trên 37 trong tổng số 126 xã/ phường/ thị trấn trên địa bàn tỉnh tập trung ở 6 nhóm ngành nghề: tái chế kim loại, sản xuất cơ khí (9 làng), dệt nhuộm, tái chế giấy (7 làng), sản xuất gốm và vật liệu xây dựng (2 làng), chế biến lương thực, thực phẩm (14 làng), đồ gỗ, đồ mỹ nghệ (22 làng) và một số làng nghề khác nuôi cá giống, đan lưới, làm dịch vụ… Tùy đặc thù riêng mà từng làng nghề áp dụng công nghệ sản xuất truyền thống hay hiện đại nhưng nhìn chung vẫn là công nghệ bán cơ giới hóa (một phần máy móc và một phần thủ công).
 
           

    Đa số các thiết bị sản xuất ở làng nghề gỗ Hương Mạc (Từ Sơn) là bán cơ giới hóa, thiên về thủ công là chính.

Chẳng hạn, trong ngành sản xuất giấy, chỉ có khâu xeo giấy là do máy móc thiết bị, còn lại các khâu khác như nạp nhiên liệu, vận chuyển sản phẩm… vẫn là thủ công. Tuy nhiên, thiết bị sử dụng trong các làng nghề phần lớn đã lạc hậu, không đồng bộ, tự chế lắp, có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc từ các làng nghề ở Hà Tây (cũ).

Đối với ngành sản xuất thép, hầu hết các lò nấu thép được nhập khẩu từ Trung Quốc là thiết bị sản xuất từ năm 1997 trở về trước do các nhà sản xuất Trung Quốc thải ra nên công suất nhỏ, tiêu hao điện năng lớn, khó điều chỉnh các chỉ số về cơ, lý tính trong thành phần cấu tạo thép dẫn đến chất lượng phôi đúc không cao.

Hệ quả của công nghệ sản xuất yếu kém ngoài những hạn chế về năng suất và chất lượng sản phẩm là vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở nên cấp bách ở nhiều làng nghề. Các cơ sở sản xuất gỗ có sử dụng hệ thống máy cưa, máy bào, máy đánh bóng đã cũ… nhưng không lắp đặt hệ thống hút bụi gây phát sinh nồng độ bụi trong không khí rất cao. Làng nghề dệt vải, tái chế giấy, người dân sử dụng các loại chất nhuộm, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa tổng hợp... khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Trong khi, hệ thống xử lý nước thải, chất thải còn hạn chế, không gian sản xuất chật hẹp, liền kề với nơi sinh hoạt hàng ngày, ô nhiễm môi trường đang ngày ngày đe dọa cuộc sống của các hộ dân trong làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái (Gia Bình) một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường, cho biết: “Hiện toàn xã Đại Bái có hơn 200 lò đúc đồng, nhôm, đa số thiết kế ống khói của các cơ sở này đều không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có những lò không có ống khói đã làm ảnh hưởng lớn đến không khí và sức khỏe của người dân”. Trước tình trạng đó, xã Đại Bái đã yêu cầu các hộ sản xuất phải xây dựng hệ thống lò đốt có ống khói cao tối thiểu 12m; xây bể lắng (để lắng kim loại, chất thải rắn) trước khi xả nước ra môi trường…

Hiện nay, một số làng nghề làm sắt, gỗ, giấy đã bắt đầu trang bị hệ thống máy móc hiện đại hơn do đòi hỏi phải ra sản phẩm nhanh, hiệu quả và giảm thiểu chi phí so với làm bằng tay. Các cơ sở sản xuất kinh doanh ở cụm công nghiệp làng nghề Phong Khê (TP Bắc Ninh) trước kia chỉ sản xuất giấy vệ sinh, khăn ăn, bao bì cấp thấp từ nguyên liệu phế thải, nay đã đầu tư máy móc thiết bị nên đã có thể sản xuất được giấy in cao cấp, giấy krap, Duplex... từ bột giấy nhập khẩu. Sự cải tiến khi đưa công nghệ đúc áp lực vào làng nghề đúc đồng ở Đại Bái, hay thay công nghệ đốt than củi bằng công nghệ đốt dầu FO ở làng gốm Phù Lãng (Quế Võ) đã và đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên một phần vì thiếu vốn nên các hộ sản xuất và kinh doanh chưa thể trang bị dây chuyền đồng bộ. Về quản lý, do sản xuất làng nghề vẫn nhỏ, lẻ manh mún, rất khó khăn để các cơ quan chức năng triển khai các chương trình áp dụng tiến bộ khoa học, sản xuất theo quy mô công nghiệp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có một quy hoạch chỉnh thể phù hợp để áp dụng các biện pháp đổi mới công nghệ đồng bộ, qua đó giúp các làng nghề tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường đồng thời giữ gìn yếu tố truyền thống vốn là đặc điểm quan trọng trong các làng nghề ở Bắc Ninh.


                                                                                                  Theo: baobacninh


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.495.050
Tổng truy cập: