Tin tức nổi bật
Chính sách đãi ngộ nghệ nhân - Một ứng xử nhân văn
(Ngày đăng: 20/12/2013   Lượt xem: 1171)
Nghệ nhân dân gian là kho tư liệu sống vô giá của Quốc gia đang lần lượt ra đi, những người còn sống cũng mong manh như “ngọn đèn trước gió”. Thế nhưng Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo từ năm 2003 đến nay vẫn còn quá nhiều vướng mắc.

Tại kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã bàn và thống nhất về “Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh”. Việc làm này không chỉ mang ý nghĩa xã hội nhằm tôn vinh, đãi ngộ, chăm sóc một cách thiết thực cả về vật chất và tinh thần đối với những nghệ nhân mà còn khẳng định quan điểm về sự trân trọng gìn giữ tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhiệm vụ đã được tỉnh Bắc Ninh cam kết với Unesco trong việc bảo vệ Di sản Dân ca Quan họ.

Nỗi lòng nghệ nhân Quan họ

Lâu nay, các nghệ nhân dân gian vẫn được tôn vinh như “báu vật nhân văn sống” của Quốc gia. Có những người suốt cả cuộc đời đam mê gìn giữ và cống hiến hết mình để Di sản thăng hoa và tỏa sáng. Họ là những người mà nhân dân biết, cộng đồng biết rồi cả những nhà nghiên cứu và hoạt động văn hóa cũng biết nhưng cho đến khi sang thế giới bên kia họ vẫn chưa một lần được nhận tấm bằng vinh danh. Như nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi - một liền anh Quan họ tiêu biểu, mẫu mực của quê hương Bắc Ninh là một minh chứng.
 
               

Cụ Ngô Thị Lịch, 86 tuổi (trái) và cụ Ngô Thị Nhi, 92 tuổi (phải) là hai trong số 6 nghệ nhân Dân ca Quan họ hiện còn sống ở làng Viêm Xá (Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh).

 

Thôn Viêm Xá (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) là làng Quan họ có số nghệ nhân Dân ca Quan họ nhiều nhất hiện nay với 7/41 nghệ nhân được tỉnh Bắc Ninh phong tặng đợt 1. Sau ba năm phong tặng nay chỉ còn 6, nghệ nhân Ngô Văn Sự đã mất được hơn một năm. Nghệ nhân Ngô Thị Nhi, 92 tuổi giãy bày: “Như “ngọn đèn sắp tắt” rồi, hỏi chúng tôi mong gì thì cũng mong nhiều lắm. Nhưng các ngành, các cấp cho đến đâu biết đến đấy. Không cho thì chúng tôi cũng chịu chứ đâu dám đòi hỏi”.

Đến thăm nghệ nhân Ngô Thị Lịch (86 tuổi), chúng tôi vẫn thấy cụ vò võ một mình trong căn buồng tối tăm, chật hẹp. Cụ Lịch tâm sự: “Tôi biết hát Quan họ từ năm 10 tuổi đến khi 14 thì được bố và anh trai cho tham gia nghề chơi Quan họ. Chẳng biết người khác thế nào chứ vốn liếng Quan họ của tôi bây giờ chỉ thuộc chừng khoảng 200 câu thôi. Tuổi này, gần đất xa trời, mong tỉnh, Nhà nước sớm quan tâm đến nghệ nhân già như chúng tôi chứ đến lúc nhắm mắt xuôi tay rồi thì còn biết gì nữa”. Cũng có lần, một nghệ nhân dân gian đã phát biểu trên truyền hình rằng, đừng để lễ phong tặng trở thành lễ truy tặng…

Không riêng nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà hầu hết những nghệ nhân dân gian ở các loại hình khác đều xuất thân từ những vùng nông thôn, quanh năm gắn bó với nghề nông, suốt một đời lam lũ, vất vả đều có chung nỗi lòng như thế. Vậy nên, nếu được tôn vinh và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng thì các cụ sẽ yên tâm trao truyền bí quyết, vốn liếng mà mình đang giữ cho thế hệ trẻ. Như thế, tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc sẽ được bảo tồn và phát huy.

“Dùng dằng” đến bao giờ !?

Nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh là những người đóng vai trò then chốt, đã và đang cống hiến trí tuệ, tài năng, tâm sức trong việc lưu giữ và truyền dạy những giá trị tinh hoa, độc đáo của Di sản văn hóa Quan họ. Đây là điều ai cũng nhận thấy và cũng không cần phải kể thêm. Vậy nhưng, bao năm qua, các nghệ nhân cứ lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến và truyền dạy để rồi đến một lúc nào đó họ cũng lại ra đi trong sự lặng lẽ như thế. Suốt 10 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa ban hành xong một Quy định, còn các cụ nghệ nhân ai khỏe thì chờ, ai yếu hơn đành ngậm ngùi tủi phận về với tiên tổ.

Trong khi chờ được Nhà nước tôn vinh và ghi nhận ở cấp cao hơn thì ngày 9-4-2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh” (đợt 1) cho 41 “liền anh, liền chị” tiêu biểu, kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng mỗi nghệ nhân. Sau hai năm phong tặng đến tháng 9-2012, khi UBND tỉnh phối hợp với Quỹ khuyến học Phạm Văn Trà để tiếp tục tặng thưởng mỗi nghệ nhân 5 triệu đồng thì đã có 4 cụ ra đi, chỉ còn 37/41 nghệ nhân. Sau hơn nửa năm đến giờ, không chắc chúng ta đã còn đủ 37 nghệ nhân!? Những người còn sống tuổi đều ngoài 80 đến xấp xỉ 100, phần lớn sức khỏe yếu, mắt mờ, chân run. Chính vì vậy, ban hành và thực hiện chính sách, quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca Quan họ lúc này là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Đây là việc làm hết sức quan trọng cần thực hiện ngay, không nên chần chừ, dùng dằng thêm nữa.  

 

Theo Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua thì những nghệ nhân Dân ca Quan họ đã được Chủ tịch UBND tỉnh phong tặng đợt 1 sẽ được thụ hưởng đồng thời: Mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu; Được hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm; Được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.

Những nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục được UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT và được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không có chế độ đãi ngộ (mức trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí…) thì nghệ nhân đó sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ của tỉnh với mức trợ cấp hàng tháng bằng 02 lần mức lương tối thiểu chung cùng chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí.

Ngoài những nghệ nhân thuộc loại hình Dân ca Quan họ, đối tượng điều chỉnh của Quy định này còn áp dụng với những nghệ nhân thuộc loại hình Ca trù, khi được Chủ tịch UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ được vận dụng thụ hưởng mức thưởng và chế độ đãi ngộ áp dụng như nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

 

                                                                                               Theo: baobacninh
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.721
Tổng truy cập: