Tin tức nổi bật
Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn Chất lượng, hiệu quả
(Ngày đăng: 19/12/2013   Lượt xem: 874)

Nghề đan lát giúp nhiều lao động nông thôn cải thiện kinh tế gia đình.

Với đặc thù là tỉnh thuần nông, nên nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Hậu Giang rất lớn. Xác định đào tạo nghề cho lao động là một chiến lược quan trọng, góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội ở địa phương, những năm qua, Hậu Giang đặc biệt quan tâm đến công tác này và đạt những kết quả thiết thực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Thực hiện Quyết định số 1956/QÐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hậu Giang được triển khai dưới nhiều hình thức như: dạy tập trung tại các cơ sở dạy nghề, dạy nghề lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn; dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hợp đồng đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Thông qua các lớp dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đã góp phần rất quan trọng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người dân nông thôn. Một số địa phương còn có nhiều cách làm hay trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Ðiển hình như Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Thủy, thấy nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày một cao, đã đầu tư mua hai máy gặt đập liên hợp và mở lớp dạy nghề vận hành, bảo dưỡng máy gặt đập liên hợp cho lao động nông thôn. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Thủy Nguyễn Ngọc Phước cho biết: "Việc mở lớp dạy nghề vận hành, bảo dưỡng máy gặt đập liên hợp không chỉ tạo được việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh nhà". Hay như Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A đã chủ động liên kết với một số công ty may mặc trong và ngoài tỉnh thành lập tổ may gia công tại trung tâm, nhằm tạo điều kiện cho những lao động không có điều kiện đi làm xa nhà...

Trong ba năm 2010 - 2012, Hậu Giang đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho hơn 9.500 lao động nông nghiệp, hơn 9.700 lao động phi nông nghiệp, với 22 ngành nghề, như: đan lát, chăn nuôi, trồng trọt... Số lao động nông thôn sau khi học nghề được hỗ trợ vay vốn tổ chức sản xuất hơn 2.600 lao động. Số lao động tham gia học nghề có việc làm, tăng thu nhập thoát nghèo hơn 2.500 lao động. Số lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp hơn 8.000 lao động... Tỷ lệ lao động sau học nghề làm việc trong nông nghiệp chiếm 47%, công nghiệp chiếm 21% và xây dựng - dịch vụ chiếm 21%. Có thể nói, thông qua hoạt động đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn đã được trang bị nghề mới, tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nhằm tăng năng suất và hiệu quả lao động. Mặt khác, qua đào tạo nghề, nhiều lao động đã làm chủ kỹ thuật, tự chủ được tay nghề và quan trọng hơn là có một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Từ đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hậu Giang trong những năm qua cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục. Việc triển khai chương trình đào tạo nghề thông qua Ðề án 1956 còn chậm. Tình trạng không có việc làm, thiếu việc làm sau học nghề, thậm chí là bỏ nghề, hoặc làm không đúng ngành nghề đã học trước đó còn khá phổ biến. Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, nguyên nhân trước hết là vì một bộ phận lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ về lợi ích của việc học nghề, chưa chủ động, tích cực tham gia học nghề, không muốn xa gia đình, nên việc học nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động gặp khó khăn. Một số chính sách của Ðề án không còn phù hợp với thực tiễn triển khai và mặt bằng giá cả hiện nay, nên chưa thu hút người lao động vào học nghề. Mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn đa phần có quy mô vừa và nhỏ, số lượng lại ít, nên lao động học xong nghề (phi nông nghiệp) rất khó tìm việc làm. Ðối với nhóm nghề nông nghiệp, vấn đề giá cả, tiêu thụ sản phẩm không ổn định cũng khiến nhiều lao động băn khoăn khi đăng ký học nghề.

Cũng phải thấy rằng, công tác điều tra, đánh giá thực trạng tình hình lao động ở nông thôn các địa phương thời gian qua chưa chặt chẽ. Các ngành chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch cũng như nhu cầu sử dụng lao động, chưa định hướng được nghề cần phát triển tại địa phương, nên công tác đào tạo nghề chưa thật sự gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Ở một số địa phương, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn mang tính hình thức, còn chạy theo thành tích mà thiếu tính thực chất, chưa có chiều sâu hoặc tay nghề của học viên sau khi học nghề chưa bảo đảm để tạo ra thu nhập, cải thiện cuộc sống. Vì thế, đổi mới công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà là một trong những vấn đề cấp bách.

Ban Chỉ đạo Ðề án 1956 của tỉnh hiện đang kết hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho nhiều cán bộ, công chức từ tỉnh đến xã, phường. Việc thẩm tra năng lực giảng dạy của các đơn vị đào tạo được Ban Chỉ đạo đề án siết chặt hơn. Ðối với nhóm nghề nông nghiệp, địa phương sẽ ký kết hợp đồng dạy nghề với cán bộ các trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Do quản lý theo ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở, gồm: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư các huyện, thị xã, thành phố và các tổ nông nghiệp xã, phường, thị trấn, nên công tác quản lý, phối hợp sẽ thuận lợi. Ðây cũng là điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ðối với nhóm nghề phi nông nghiệp, hợp đồng sẽ được ký kết với các đơn vị đào tạo nghề có trình độ chuyên môn, giảng dạy bảo đảm được yêu cầu đề ra. Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các cơ sở cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Song song đó, đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác đào tạo lao động nông thôn, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

                                                                                       Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.518.480
Tổng truy cập: