Tin tức nổi bật
Làng lụa Nha Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)- Gian nan giữ nghề truyền thống
(Ngày đăng: 08/12/2013   Lượt xem: 1086)
Từ bao đời nay, làng Nha Xá (xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam) nổi tiếng với nghề dệt lụa và chỉ đứng sau làng lụa Hà Đông (Hà Nội). Những thước lụa xuất ra từ làng Nha Xá được đánh giá rất cao về chất lượng và thẩm mỹ. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân nên nghề dệt lụa ở Nha Xá đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Làm gì để giữ nghề truyền thống là băn khoăn, trăn trở của người dân nơi đây.                

Làng nghề truyền thống đang dần mai một

Làng Nha Xá từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt lụa. Vào những năm 1930 của thế kỷ XX, sản phẩm lụa của Nha Xá có mặt khắp các địa phương trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí còn sang cả Cam-pu-chia, Lào, Hồng Công (Trung Quốc). Ngày ấy, ở làng dệt Nha Xá hầu như gia đình nào cũng theo nghề. Thế mà có một thời gian dài sản phẩm lụa Nha Xá bị mất dần thương hiệu trên thị trường do không đủ sức cạnh tranh với lụa ngoại nhập, nhất là lụa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Những dây chuyền hiện đại (như trong ảnh) đang được những hộ tâm huyết với nghề ở làng Nha Xá đầu tư, nhằm từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, làng dệt Nha Xá có 250 hộ, hơn 800 nhân khẩu, nhưng nay chỉ còn 160 hộ theo nghề truyền thống, vận hành gần 210 máy dệt. Nhiều gia đình có tới 2-3 máy dệt, trung bình một máy dệt cho ra 15m vải/ngày. Tiền công mỗi lao động rất thấp, bình quân từ 200 đến 300 nghìn đồng/người/tháng. Giá ngày công và sản phẩm rẻ, khiến nhiều lao động "chia tay" làng nghề bỏ đi làm công nhân cho các công ty ở khu công nghiệp hoặc lên Hà Nội tìm việc. Được biết, nghề dệt lụa Nha Xá không phát triển còn do thiếu sự tổ chức, thiếu nhân lực và chưa tìm ra một hướng đi phù hợp.  

Giữ nghề... bài toán chưa tìm được lời giải

Trước sự "hờ hững" của người tiêu dùng với sản phẩm lụa, các hộ gia đình làm nghề dệt lụa ở Nha Xá đang loay hoay tìm hướng đi để khẳng định thương hiệu làng nghề. Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Hà Nam và huyện Duy Tiên cũng đã có nhiều biện pháp giúp đỡ gìn giữ, phát triển sản xuất ở làng nghề truyền thống.

Ông Lê Văn Luân, chủ một cơ sở dệt lụa trong làng tâm sự: “Hiện nay, số nghệ nhân có tay nghề cao, có tâm huyết gắn bó với nghề ở địa phương còn rất ít. Đã thế, các cơ sở sản xuất lụa đang hoạt động theo hướng tự phát, mang tính gia đình, sản xuất nhỏ lẻ nên không ổn định, thiếu kế hoạch. Chính vì vậy, việc giữ nghề đã gặp không ít khó khăn. Điều quan trọng là cần liên kết các hộ gia đình theo hướng hình thành các xưởng sản xuất tránh để tình trạng bị ép giá hoặc hàng kém chất lượng.

Còn theo ông Lương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam: “Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã đã vận động, khuyến khích nhân dân thay đổi cách thức sản xuất và cùng tham gia quảng bá sản phẩm của địa phương tại các hội chợ. Cùng với đó, có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng sớm có một chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp nhân dân trong xã thoát nghèo. Chính quyền và nhân dân trong xã rất muốn khôi phục làng nghề truyền thống của quê hương, nhưng đây quả là bài toán khó. Thực tế cho thấy, hiện nay nghề dệt lụa ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung đang bị mai một dần vì không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập ngoại, giá rẻ”.

Để nghề truyền thống làng Nha Xá phát triển và giải quyết được số lao động dư thừa tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nhiều gia đình, điều đầu tiên người làm nghề truyền thống Nha Xá cần đến là hỗ trợ vốn. Cùng với đó cần đầu tư mở lớp đào tạo nghề dệt cho những lao động tại địa phương, nhằm nâng cao tay nghề; hướng dẫn dệt sản phẩm mới và nhanh chóng hoàn chỉnh đề án xây dựng khu trung tâm công nghiệp - làng nghề dệt Nha Xá… Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm... Nếu có được những bước đi như vậy thì làng lụa Nha Xá sẽ có chỗ đứng trên thị trường, phát triển bền vững và tạo thương hiệu đối với thị trường trong nước và quốc tế.

                                                                                                    Theo:  QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.308
Tổng truy cập: