Tin tức nổi bật
Kinh gốm
(Ngày đăng: 05/12/2013   Lượt xem: 778)
Nguyễn Tuấn sinh ra ở vùng gốm, hít thở không khí gốm từ trước khi ra đời, lớn lên với gốm, học khoa gốm, tốt nghiệp xong hơn chục năm chỉ làm gốm. Nguyễn Tuấn chuyên tâm, chung thuỷ với chất liệu gốm Phù Lãng nên có thể hiểu là anh đã tìm ra gốm Phù Lãng hoặc gốm Phù Lãng tìm ra Tuấn đều đúng.

Phật mình chim.

Hai triển lãm cá nhân Giấc mơ Phật (1.2011) và Di cư (12.2013) minh chứng rõ cho điều này. Chất thô mộc, dân dã, bình dị của Tuấn và gốm sành Phù Lãng là một. Nguyễn Tuấn tôn trọng truyền thống ấy, chất liệu ấy, tay nghề ấy của gốm Phù Lãng thì anh mới có thể đưa mỹ nghệ thành mỹ thuật, đưa dân gian thành hiện đại, làm cho truyền thống sống tiếp được trong đời sống hiện đại. Buộc phải nói vậy vì đã có nhiều người từ các làng nghề đi học mỹ thuật để rồi quay về “phá hoại làng nghề” nhà mình. Kết hợp được nghề truyền thống với tư duy mỹ thuật hiện đại là vô cùng khó. Đó cũng không chỉ là chuyện của riêng nghề gốm mà là chuyện của tất cả các nghề thủ công khác.

Nguyễn Tuấn không copy truyền thống mà là sáng tạo ra một truyền thống mới, làm mới lại truyền thống. Đó chính là tôn trọng truyền thống. Vẫn là đất, nước, lửa ấy, tay nghề ấy, than củi, men thuốc ấy nhưng cách tạo hình, tạo khối thì hoàn toàn hiện đại. Kiểu điêu khắc gốm (hoặc gốm – điêu khắc) này đã giúp Tuấn chuyển tải được hay hơn, nhiều hơn đề tài Phật giáo – đề tài chủ đạo trong nhiều triển lãm của anh.

Đương nhiên đề tài cũng chỉ là một phần, là cái cớ, là cái ga khởi hành, là bước tạo đà gây cảm hứng. Xem cụm ba tác phẩm trong triển lãm này của Nguyễn Tuấn: Phật mình chim, Hồn cây và Rừng Phật sẽ thấy anh không có ý định tả kể, minh hoạ cho các giáo lý nhà Phật. Bằng ngôn ngữ tạo hình gốm điêu khắc hiện đại, Tuấn đã “phiên dịch” rất đẹp những “duyên nghiệp”, những “nhân quả”, những “sắc không không sắc”, những “đáo bỉ ngạn” trong kinh Phật thành một dạng kinh khác.

Có lẽ ở một cách nghĩ nào đó thì nghệ thuật, cái đẹp cũng là một loại kinh chăng?

Thủ pháp của Nguyễn Tuấn là biến hoá, cây cũng là Phật, hoá thân làm Phật. Ngọn cỏ còn có Phật tính như Đức Thích Ca nói nữa là cái cây. Con chim cũng là Phật, hoá thành Phật. Phật có nghìn mắt nghìn tay thì cây cũng có nghìn cành nghìn lá, mỗi cái cành, mỗi cái lá cũng là một bàn tay, một con mắt, một ông Phật.

Nguyễn Tuấn đã hoá thân vào gốm Phù Lãng. Tinh thần nghệ thuật hiện đại đã hoá thân vào hồn cốt của gốm cổ truyền Phù Lãng. Tư tưởng triết học của Phật giáo đã hoá thân vào nghệ thuật gốm – điêu khắc hiện đại của Nguyễn Tuấn đẹp và duyên.

Một hoá thân đẹp và duyên.
Một bản kinh đẹp và duyên.
Một bản kinh gốm sành đẹp và duyên.

Lê Thiết Cương

Rừng Phật.

Cây đời.

Hoạ sĩ Nguyễn Tuấn sinh năm 1981 tại Hải Dương, tốt nghiệp khoa Gốm đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 2006. Anh đã có nhiều triển lãm cá nhân: Gốm bản thảo (2008), Bữa tiệc nghệ thuật (2009), Gốm Nguyễn Tuấn (2010), Giấc mơ Phật (2011). Triển lãm Di cư gồm ba tổ hợp tác phẩm: Phật mình chim, Hồn cây, Rừng Phật diễn ra từ ngày 3 – 10.12 tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

                                                                                          Theo: saigontiepthi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.390
Tổng truy cập: