Tin tức nổi bật
Mang chèo xưa về với ngày nay…
(Ngày đăng: 02/12/2013   Lượt xem: 673)
Cuối tuần qua, tại Hà Nội, không gian chèo xưa được tái hiện tại sân đình Kim Liên qua một chương trình mang tên "Tiếng vọng ngàn năm”, với mong muốn mang chèo xưa về với khán giả ngày nay một cách trọn vẹn nhất.


Chèo tại sân đình Kim Liên
1. "Tiếng vọng ngàn năm” tái hiện lại toàn bộ không gian diễn xướng của chèo truyền thống thông qua việc đưa khán giả về với sân đình Kim Liên để thưởng thức những trích đoạn chèo cổ như: "Xúy Vân giả dại”, "Thị Mầu lên chùa”, "Lưu Bình - Dương Lễ”… Khán giả trẻ được về với sân đình, ngồi khoanh chân trên chiếu hoa, học cách thưởng thức chèo cho ra chèo, nghe tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng sáo, tiếng đàn nhị, đàn bầu… hòa chung một điệu vỡ nước, say mê với cái lúng liếng đưa tình của cô Thị Mầu, thấy tim nhói khi chứng kiến Thị Kính bị bà Sùng đổ oan, dở khóc dở cười với cảnh cả làng phạt vạ nàng Mầu lẳng lơ nhưng trái ngang mang lòng yêu Tiểu Kính… để rồi sẽ thắt lòng khi chia sẻ tâm sự với những nghệ sĩ chèo chân chính và bối rối với những trăn trở nghề chèo…

Bao thế hệ người Việt từng say mê những Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình - Dương Lễ,… Ấy vậy mà chiếu chèo nay đã thiếu vắng đi những gương mặt trẻ cả ở góc độ nghệ sĩ và khán giả. Nguyên nhân từ đâu? Vì người Việt trẻ không còn yêu chèo? Vì chúng ta đánh rơi tiếng nói chung giữa khán giả hiện đại và cách truyền tải ngàn xưa của nghệ sĩ? Hay bởi sự lên ngôi của những loại hình nghệ thuật hiện đại đang vô tình làm mờ dần đi những tinh túy dân tộc vốn vẫn được tôn vinh bao đời? 

2. Làm thế nào để khán giả háo hức trở lại với chèo, đặc biệt là giới trẻ Việt yêu chèo? Đây hẳn là một câu hỏi lớn của những ai yêu chèo, của những nghệ nhân tâm huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Thay đổi mình để phù hợp với cuộc sống mới quả là điều không đơn giản, nhất là với một loại hình nghệ thuật truyền thống. Nếu thay đổi thì chèo sẽ phải thay đổi những gì và liệu tất cả mọi người có đồng ý và yêu mến sự thay đổi đó của chèo hay không?

Đi tìm câu trả lời, Dự án "Tôi xê dịch” xây dựng chương trình Windy Day 9 "Tiếng vọng ngàn năm” với mong muốn mang chèo xưa về với ngày nay, nghĩa là tái hiện chèo một cách trọn vẹn nhất. Bên cạnh việc tham quan các di tích, thắng cảnh, điểm nhấn của các chương trình này là các bạn trẻ có thể lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia văn hóa - lịch sử, nhằm có được những bài học sống động, gần gũi và thú vị nhất về đất nước và con người Việt Nam. Với hàng loạt các hoạt động triển lãm và biểu diễn, Dự án "Tôi xê dịch” hy vọng mang lại cái nhìn gần gũi, đầy đủ nhất về nghệ thuật chèo ngàn xưa tới các bạn trẻ. "Tôi xê dịch” tin tưởng mạnh mẽ rằng: Chính vẻ đẹp mộc mạc mà tình tứ từ những câu hát, những điệu múa chèo sẽ trở thành tiếng nói mạnh mẽ nhất, thôi thúc nhất dành cho thế hệ trẻ chúng ta, từ đó cùng nhau bảo vệ và giữ gìn nghệ thuật chèo - "viên ngọc long lanh sắc màu” tỏa sáng trong lòng tinh hoa văn hóa dân tộc Việt.

3. Cùng với đó, TS. Trần Đình Ngôn - người được mệnh danh là "vua chèo đất Bắc” đã có những tâm tư, mang tới cho công chúng những kiến thức cơ bản về loại hình nghệ thuật truyền thống này. Ông cũng chia sẻ về "cái nghiệp chèo” của mình. Qua nửa thế kỉ không chỉ giữ lửa cho biết bao sân khấu chèo từ thành phố tới những miền quê Việt, từ trong nước cho tới những cộng đồng văn hóa quốc tế, ông còn mang trong mình niềm mong mỏi một lớp những người Việt "không già”, trước hết là thích, về sau là yêu, là đam mê, rồi từ đó đau đáu một lòng "tiếp lửa”.

NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ với khán giả: Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống, bước ra từ những sân khấu nhỏ nơi đình làng. Trình diễn chèo trong không gian đình cổ là cách để đưa chèo về lại với môi trường diễn xướng truyền thống của loại hình nghệ thuật này. Không chỉ có vậy, đây còn là cách để kéo khán giả hiện đại về gần hơn với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sân đình là một không gian mở. Các tiết mục chèo cổ được trình diễn ở đây sẽ tạo cảm giác gần gũi, xóa đi ranh giới, khoảng cách giữa diễn viên và khán giả so với khi diễn ở sân khấu trong các nhà hát. Chặng đường Thanh Ngoan gắn bó với chèo 35 năm qua với nhiều thành công, nhưng luôn đau đáu nỗi niềm "gắn kết những con người trong làng chèo lại với nhau, truyền lửa cho họ, nhất là thế hệ trẻ, làm sao để các thế hệ diễn viên sau này nhận thức được việc giữ nghiệp chèo truyền thống như Trung Quốc giữ kinh kịch, Nhật Bản giữ kịch nô.

                                                                                        Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.456
Tổng truy cập: