Tin tức nổi bật
Chia tay huyền thoại nghe rượu biết là mỹ tửu
(Ngày đăng: 19/03/2012   Lượt xem: 2220)

‘‘Trời mưa cho ướt lá khoai

Đố ai lấy được con trai Thổ Hà

Trời mưa cho ướt lá cà

Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân”

Câu ca dao đã trở thành lời giới thiệu về đất và con người xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang. Nơi đây còn lưu giữ biết bao truyền thống văn hóa đặc sắc, biết bao làng nghề cổ truyền, trong đó có nghề nấu rượu. Không biết đã được truyền từ bao giờ nhưng cái tên làng Vân đã trở thành thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp nước: Rượu Làng Vân, một thứ danh tửu của xứ Bắc Hà. Thứ rượu mà từ đời vua Chính Hòa thứ 24 (năm 1703) đã được nhà vua phong với 4 mỹ tự “Vân hương mỹ tửu” .

Qua những ngày mưa phùn mùa xuân, đất trời đang đón chào một tiết khí mới, tiết Thanh minh đang đến gần, bầu trời trở nên trong xanh hơn và lòng người cũng trở nên rộn rã, háo hức đến lạ thường. Khắp các nẻo phố phường làng quê, nắng ban mai đã bắt đầu lan chiếu, xua đi những mưa phùn ẩm ướt của những ngày nồm xuân...

Nhưng hôm nay, đất trời làng Vân trở nên u ám, ẩm ướt hơn, có lẽ bởi làng đang để tang, tiễn biệt một người con ưu tú, người giữ hồn mỹ tửu của làng - nghệ nhân Nguyễn Thị Mãi, thường được gọi thân mật là Cụ Tom (Tom là gọi theo tên con trai cả của cụ).

Tìm về làng nấu rượu truyền thống, không ai khỏi tò mò, muốn rõ thực hư tiếng tăm về Cụ Tom, người có biệt tài “nghe” rượu, nhân vật đã thành huyền thoại của đất Kinh Bắc. Và ai nấy đều nhận lấy sự thỏa mãn bởi những gì mình được mắt thấy tai nghe khi đến đây.

Ngay từ con ngõ dẫn vào nhà cụ Tom, là có thể cảm nhận được mùi rượu, mùi cơm nếp lẫn mùi men đã lan tỏa. Gần 1.000m2 sân, nhà, vườn của cụ đều được tận dụng để bày vại, chum sành, đồ nghề nấu, chưng cất và ủ rượu. Chỉ nhìn nồi cơm nếp dỡ ra là cụ lượng ngay được mẻ rượu sẽ đạt ngon ở mức độ nào. Chỉ cần sờ bên ngoài chum sành là cụ đã biết rượu bên trong đậm hay nhạt. “Nghe” rượu được nhắc đến ở đây là cảm nhận nồng độ rượu bằng một giác quan đặc biệt, một giác quan như thể được “trời cho”. Với giác quan ấy, cụ không cần nếm cũng có thể biết được nồng độ của rượu. Nghe tiếng rượu rơi từ bình chưng cất xuống chai, sau đó hút rượu vào một ống nứa tép, bịt tay vào đầu kia cho rượu chảy từ từ xuống bát, rồi nghe âm thanh rượu chảy vào bát thánh thót như tiếng giọt mưa rơi xuống từ mái tranh... là cụ biết được bát rượu đó có nồng độ bao nhiêu. Cách thử rượu ấy mới thật là tài tình. Cầm chai rượu lên lắc nhẹ, xoay tròn, cụ bảo khi tăm rượu xoáy tạo một hình chóp nhọn từ đáy đến cổ chai hệt như một hình tháp ngược thì đấy sẽ là rượu ngon…

Từ khi 13 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Mãi đã phải đi nấu rượu cho Nhà máy rượu Fontaine của Pháp. Công việc của cô Mãi lúc ấy là vừa nấu cơm, vừa rắc men. Tuy nhỏ tuổi nhưng lô rượu lúc nào cũng đạt số lượng, lại ngon nên cô rất được đám cai của nhà máy tin tưởng.

Nấu rượu là nghề cha truyền con nối của người làng Vân, nhưng khi giặc Pháp đến cả làng bị cấm nấu rượu. Cấm nấu thì dân nấu chui. Cô Mãi thường nấu rượu chui vào ban đêm, khi đám tuần canh trong làng đã quá mỏi chân, không thể đi nổi. Chỉ nấu trong đêm, sáng sớm phải dọn dẹp sạch sẽ. Tuần canh khám gắt gao quá thì mang đồ vứt hết xuống ao. Trong nhà cụ vẫn có một cái hầm, phía trên lát gạch để đồ đạc bình thường. Thời đó, nấu rượu xong bao nhiêu đồ nghề lại cho hết xuống hầm.

Sau hơn 75 năm làm nghề, cụ Tom đã nấu hàng ngàn nồi rượu, đưa hàng triệu lít rượu làng Vân tuyệt hảo đến với người mê hương mỹ tửu khắp đất nước. Với cụ, để có được một mẻ rượu ưng ý chẳng khác nào một công trình sáng tạo nghệ thuật và người nấu rượu ấy là nghệ sỹ. Đầu tiên là phải chọn cho được thứ gạo “nếp cái hoa vàng” chính hiệu để đồ xôi. Khi xôi được tãi ra non, hạt xôi còn nguyên vẹn và thơm nức. Xôi được trộn đều cùng một thứ men bí truyền của làng Vân. Ủ cơm này cho chín trong khoảng 72 giờ rồi đổ nước vào ngâm thêm 72 giờ nữa mới đưa lên bếp chưng cất thành rượu. Để rượu ngon thì khâu quyết định cuối cùng là men. Quá trình làm men được trộn theo công thức của 35 vị thuốc bắc khác nhau được cụ làm rất thành thục chẳng cần cân đong, đo đếm. Khi rượu được chiết ra phải trong vắt như nước mưa có vị ngọt ngào, khử hết độ đắng chát mới thực sự thành công.

Với nhiều người thành thạo trong nghề thì cụ Mãi vẫn thuộc vào bậc “chuyên gia”. Không chỉ thành công ở những bí quyết riêng có, từ nhiều năm qua cụ Mãi còn mày mò sáng tạo ra nhiều loại rượu đặc biệt khác thuộc “hạng độc nhất vô nhị”. Rượu hấp cúc là một trong số những loại như thế...

Trải bao khốn khó, nhọc nhằn đến khi danh tiếng Vân hương mỹ tửu được khôi phục và vang xa hơn, cái đạo làm nghề vẫn được cụ giữ trọn, và "Bắc Hà đệ nhất danh kỳ" đã trở thành danh xưng khi người ta nhắc tới cụ. Cả đời cụ chỉ có cất rượu, cả đời cũng chỉ chọn nếp cái hoa vàng với chất men tự tay mình ủ lấy. Cũng có người đến học cụ, cụ cũng chỉ bảo tận tình nhưng nấu rượu đâu phải nghề nhàn hạ dễ làm. Mỗi khi ủ men là lại phải ngóng trời ngóng đất. Nóng lạnh đều cứ phải dùng tay mà thăm, mà cảm nhận tính toán để che đậy cho hợp lý. Đang đêm mùa Đông rét cắt da cắt thịt cũng cứ phải dậy thăm. Nóng quá lạnh quá đều hỏng.

“Gió đông thế này phải nhanh tay lên mới được, kẻo nguội hết nếp con ơi!”. Những câu như thế cụ thường nhắc nhở con cháu ngay cả khi bị ốm nằm giường...

Những giọt rượu Vân thơm ngon vẫn ngày ngày được chưng cất bởi bàn tay người nghệ nhân làng Vân bao thế hệ. Nhưng có lẽ, để có được những chất men say xứng với danh mỹ tửu thì chỉ có kinh nghiệm, đức tính cần mẫn, tự tin và cái tâm của người sống chết với nghề suốt một đời yêu và say như cụ Tom mới có thể làm được.

Hôm nay, khi hương mỹ tửu còn bay xa mỗi ngày nhưng đã không còn nữa tiếng cụ nhắc nhở con cháu mỗi mẻ rượu ra. Rồi du khách về Vân Hà sẽ không còn được gặp, được nghe cụ kể những câu chuyện về rượu, những cách nếm rượu tài tình, hấp dẫn nữa... Làng Vân nay đã thiếu vắng đi dáng hình người con ưu tú Nguyễn Thị Mãi. Nhưng trong hương rượu vân giờ đây đã trộn thêm cái tâm, sự tài hoa của người con ấy mà bay xa và làm say lòng người hơn.

Những mong thế hệ nghệ nhân nấu rượu lớp sau, những truyền nhân của làng nghề sẽ có thể là người tiếp nối và thay thế cụ lưu giữ phương pháp nấu rượu thủ công truyền thống...

                                                                                   Vu Hạ

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.521.409
Tổng truy cập: