Tin tức nổi bật
Ký sự làng nghề - Tinh hoa gốm sứ Bát Tràng (P1)
(Ngày đăng: 14/03/2012   Lượt xem: 1540)

Đi Từ Hà Nội, qua cầu Thanh Trì rồi rẽ lên bờ đê, sông Hồng từ nghìn xưa vẫn thế, như một con rồng đỏ, uốn lượn, ôm trọn mảnh đất kinh thành vào lòng. Chúng tôi đến Bát Tràng vào một ngày tháng ba giá rét, những mẻ gốm mới ra lò, từng chuyến xe ngược xuôi tất bật nơi đây dường như xua đi mỏi mệt mỏi của một giờ đồng hồ ngồi trên xe ôtô .

Tôi vẫn tự hỏi sao mảnh đất này lại lắm những người thợ khéo léo và tài hoa đến thế. Nếu quay ngược thời gian lại chừng hơn 1000 năm trước, khi Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long, có lẽ lúc ấy, Bát Tràng cũng chỉ là một làng mạc chưa ai biết đến. Sự ra đời của kinh đô Thăng Long đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh trong đó có Bát Tràng. Một số thợ Bồ Bát đã di cư ra đây và thành lập lò gốm từ đó làng gốm Bát Tràng ra đời và phát triển cho đến tận bây giờ .

              

                          Một ngôi nhà với tường gốm của làng Bát Tràng

Tôi đã về Bát Tràng ba lần, lần nào cũng vào dịp đầu xuân, khi hội Bát Tràng vừa mới kết thúc. Lần thứ nhất là khi tôi mới chỉ là cô sinh viên năm thứ nhất, đầy mơ mộng cùng bạn bè, đến với Bát Tràng như một chuyến đi chơi ra ngoại ô để rời xa những bon chen, bộn bề của thành phố. Lần thứ hai là mẹ nhờ tôi mua một chiếc bình hoa bằng gốm để tặng cho cô bạn mới ở xa về. Và lần này, tôi đến là vì công việc. Công ty chuẩn bị xuất bản một cuốn sách viết về các nghệ nhân nổi tiếng ở Việt Nam, và vì thế tôi đến đây để gặp gỡ và trò chuyện với các nghệ nhân.

Làng Bát Tràng có cấu trúc hình xương cá, với xương sống là con đường nhưa trung tâm. Từ đó nối liền với các ngõ, ngách trong làng, mà kỳ lạ ở chỗ dù bạn đi ngõ nào, ngách nào, điểm cuối cùng mà bạn dừng chân bao giờ cũng là ngôi Đình làng linh thiêng. Đi qua chợ gốm Bát Tràng, đường vào nhà nghệ nhân Trần Văn Giàng là một ngõ nhỏ, cong queo và thật may mắn khi chúng tôi lại gặp ông ngay trước cửa nhà. Ở tuổi 83, lại từng bị bệnh nhũn não nên ông Giàng chân tay đã run, lời nói đã khó khăn nhưng đôi mắt người thợ thì vẫn còn tinh nhanh và đặc biệt là vẫn rất nhớ nghề. Hơn 60 năm gắn bó với nghề gốm, nghệ  nhân Trần Văn Giàng đã chắt lọc đựoc những tinh túy của hồn men Bát Tràng và nắm rõ những công đoạn làm gốm. Những học trò của ông, tuy không được học một cách bài bản nhưng ai có khó khăn gì, công đoạn nào không hiểu thì cứ đến hỏi ông. Chỉ cần nhìn qua sản phẩm là ông biết thiếu cái gì và sai sót ở đâu.

            

       Nghệ nhân Trần Văn Giàng – người có thể đọc được sự chuyển hóa của các màu men qua ngọn lửa

          

      Các sản phẩm của nghệ nhân Giàng được làm từ 40 năm trước: Bình hoa mai với men tiết dê được làm từ chất liệu tự nhiên và bình Thánh Dóng men ngọc.

Rời nhà Ông Giàng, lúc này cũng đã gần trưa, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Đang quanh quẩn bên mấy cửa hàng gốm trong làng thì chúng tôi bất ngờ được gặp nghệ nhân Vũ Văn Chúc – người tiên phong trong việc thay lò nung than bằng lò nung gas, mở ra một hướng đi mới, thúc đẩy sự phát triển của làng gốm Bát Tràng, đồng thời hạn chế được ô nhiễm môi trường làng nghề. Việc nung gốm bằng lò gas không chỉ giảm bớt sự mệt mỏi cho người thợ mà còn tạo nên những mẻ gốm đẹp với tỉ lệ thành công 90%. Đến xưởng gốm của anh, được tận mắt chứng kiến những sản phẩm đĩa đại, bình đại, chóe đại mới hiểu hết được tài năng của con người này và tại sao người ta lại nói khi nhắc đến Bát Tràng là phải nhắc đến đĩa đại của Nguyễn Văn Chúc. Những chiếc đĩa với đường kính 1,2m; 0,8 m được làm cầu kỳ với những nét vẽ  tỉ mỉ, những chiếc ấm trà lớn mà vòng tay tôi ôm không hết được đặt khắp nơi trong xưởng.

          

                      Nghệ nhân Vũ Văn Chúc bên những chiếc đĩa đại

        

     Những sản phẩm lư hương, đĩa, bình vôi cỡ lớn của nghệ nhân Vũ Văn Chúc

Làng gốm đẹp thô mộc và con người ở đây cũng thô mộc như đất. Có thể nói về nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Binh như vậy. Ấn tượng của tôi về ông là một con người có vẻ ngoài đậm chất nghệ sĩ với mái tóc xoăn tự nhiên, tính tình khiêm tốn và đặc biệt ông là một người vô cùng hào sảng. Dường như cái chất phiêu của người họa sĩ, cái cao ngạo của người con Bát Tràng đều hội tụ đủ trong ông. Khi chúng tôi đến nhà, Nguyễn Văn Binh ra tận cửa, tiếp đón một cách niềm nở. Ông nói chuyện với chúng tôi một cách say sưa về nghề điêu khắc  - cái “nghiệp” đã trói ông cả cuộc đời. 60 tuổi nhưng tâm hồn Nguyễn Văn Binh vẫn còn trẻ lắm giống như những tác phẩm của ông vậy, vững bền mãi với thời gian. Là một người am hiểu về hội họa và giải phẫu nên những tác phẩm điêu khắc của ông có bố cục và tỉ lệ cắt diện chính xác. Ông tâm sự  người nghệ sĩ phải được khẳng định bằng tác phẩm. Mỗi lần tạc tượng là mỗi lần ông tu (tu tâm) thêm một lần nữa. Có lẽ vì thế mà ông đã để lại cho đời hàng loạt các tác phẩm mang dấu ấn của riêng mình như:  Đôi rồng bằng gốm sứ lớn nhất Việt Nam đạt gải thưởng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tượng Chopin bằng đá xanh được chính phủ Ba Lan trao tặng Huân Chương , tượng Vinh quang thợ mỏ Việt Nam ở Quảng Ninh.

         

                           Chân dung nghệ nhân Nguyễn Văn Binh

         

   Nghệ nhân Nguyễn Văn Binh với mẫu bản thảo phác họa tác phẩm sắp tới của mình

         

     Các tác phẩm điêu khắc Tượng đài Vinh Quanh Thợ mỏ Việt Nam, Tượng Chopin và Đôi rồng gốm sứ lớn nhất Việt Nam

Rời Làng Bát Tràng khi đã về chiều với bao nhiêu những trăn trở và suy nghĩ. Đây có lẽ là một chuyến đi thực tế thành công với chúng tôi nhưng hơn cả là cảm xúc khi được tiếp xúc với những con người nơi đây: chân thật, thẳng thắn và đặc biệt là ai cũng say với nghề. Chưa một lần được dự hội Bát Tràng nhưng có lẽ sẽ có một ngày tôi về lại Bát Tràng, trong một  “cơn mưa sành sứ”…

                                                   Ban truyền thông quan hệ quốc tế Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.521.361
Tổng truy cập: