Tin tức nổi bật
Tranh sơn mài – Hoàng hậu bí ẩn Phương Đông
(Ngày đăng: 13/03/2012   Lượt xem: 2058)

Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài riêng.

Nghệ thuật làm tranh sơn mài xuất hiện ở nước ta cách đây khoảng hơn 100 năm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Đinh Văn Thành là những người đã mạnh dạn thử nghiệm đưa kỹ thuật sơn ta vào làm tranh nghệ thuật.  Và từ đó tranh sơn mài đã trở thành dòng tranh mang đậm tính chất Á Đông từ màu sắc cho đến chất liệu .

Khi nói đến các tác phẩm nghệ thuật thì đặc trưng về phong cách rất quan trọng. Đặc trưng phong cách chất liệu sơn mài là thể hiện cách riêng của mỗi người trong việc xử lý chất liệu sơn mài, để có hiệu quả như họa sỹ mong muốn,và điều này có thể đọc được trên mặt tranh.

           

Tranh Sơn mài dùng sơn ta làm màu vẽ và làm chất kết dính với các vật liệu sơn mài, là những vật liệu có thể mài phẳng được, rất đa dạng nhưng có thể quy thành ba dạng vật liệu chính là: màu dưới dạng bột là son, phẩm màu, vật liệu là kim loại được dát mỏng như thiếc, vàng, bac…và những vật liệu trong tự nhiên như vỏ trứng, ốc, trai... Một bức tranh sơn mài để thật sự quyến rũ thì thường là sự kết hợp đầy đủ ba loại vật liệu đã nêu .

Tranh sơn mài thường có màu sơn lộng lẫy và được đánh giá là “quốc hồn, quốc túy của dân tộc”. Cũng là các sắc màu cơ bản như đỏ, đen, vàng nhưng so sánh màu đỏ của son trai, màu sơn then của sơn mài với  màu đỏ, mầu đen sơn dầu,  mới hiểu hết được độ sắc sảo và thâm sâu đến tận cùng của chất liệu có một không hai trên thế giới này. Sự chuyển màu sắc linh động, những nét vẽ rất mỏng chìm vào trong những họa tiết., độ trong và bóng của tranh sơn mài đã chinh phục được những người yêu nghệ thuật.

             

                      Bên cạnh những sắc màu truyền thống đen, đỏ, vàng

             

             

                    Tranh sơn mài ngày nay  sắc màu đã phong phú và đa dạng hơn

Là một chủng loại khá đặc biệt, sơn mài có thể phân thành nhiều thể loại khác nhau như sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng, sơn khắc… Để làm thành một tác phẩm sơn mài là cả một quá trình đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người thợ bởi chúng được làm bằng tay đến 80% công đoạn, nhưng về cơ bản các bước chính để làm ra mổ tác phẩm tranh sơn mài là bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.

Việc hom bó cốt gỗ (đồ vật cần sơn) ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ gió nên rất dai, có độ bền vững hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa (ngày nay người thợ có thể dùng bột đá) trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy (hoặc vải màn) sau đó còn phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) để chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau đó để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thể thấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ 300-400 năm.

Khi có được tấm vóc nói trên (hoặc các mô hình chạm khác bình hoa, các bộ đồ khác), người chế các món đồ phải làm các công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm trước tiên như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc...sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng và dùng màu.


           

           

           

Mỗi lần vẽ phải mài bằng tóc rối, than xoan và đánh bóng bằng tay. Người xưa sử dụng lá chuối khô làm giấy nháp. Đến nay, nguyên tắc đánh bóng tranh lần cuối chưa có gì thay thế phương pháp thủ công vì loại tranh này không được phép phủ dầu bóng. Độ bóng của tranh sơn mài với những đường vân ẩn sâu có thể so sánh với các sản phẩm thủy tinh màu đắt giá của nước ngoài nhưng giá trị làm bằng tay khiến người xem phải thán phục, trầm trồ.  Đó chính là điểm độc đáo của dòng tranh này.

Các làng nghề làm sơn mài nổi tiếng ở nước ta

Làng sơn mài Hạ Thái

Theo các nhà nghiên cứu thì nghề sơn Hạ Thái có từ thế kỷ 16. Tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn của Việt Nam nhưng phường sơn Hạ Thái ngày trước được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo.

Làng Hạ Thái sử dụng sơn ta trong sản xuất các sản phẩm sơn son thếp vàng như tượng Phật, đồ thờ cúng...Từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín, bất kỳ khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỷ mỷ.

Người thợ sơn Hạ Thái đã bao đời nay pha sơn theo kinh nghiệm cổ truyền. Tuy nhiên, trong sản xuất đồ sơn mài hiện nay, họ đã áp dụng kỹ thuật hiện đại để pha chế, thay đổi một vài công đoạn phủ sơn nhằm giảm bớt thao tác thừa, tạo ra loại sơn mới có độ bóng, bền, đẹp.

          

Đồ sơn mài Hạ Thái nhiều năm nay trở thành sản phẩm có uy tín được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...

Làng sơn mài Cát Đằng

Làng sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một làng nghề có bề dày lịch sử rất lâu đời nổi tiếng nhất miền Bắc. Xưa kia các đồ sơn mài vẫn dùng để trang trí nội ngoại thất trong các lăng tẩm, cung đình ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội.. chủ yếu là do bàn tay tài hoa của những người thợ Cát Đằng làm ra.

Không chỉ sử dụng loại gỗ tốt để làm nên những sản phẩm sơn mài chất lượng và hiệu quả về mặt mỹ thuật, người thợ Cát Đằng còn từng bước sáng tạo ra cách làm sơn mài trên nứa mà không phải nơi nào cũng có được.

            

Với lịch sử hình thành lâu đời của làng nghề, sự sáng tạo không ngừng của các thế hệ nghệ nhân nơi đây; dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng Cát Đằng vẫn luôn đi lên và khẳng định vị thế của mình trong làng sơn mài cả nước. Vừa góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa làng nghề vừa giới thiệu đến đông đảo du khách quốc tế những sản phẩm sơn mài có giá trị mỹ thuật và chất lượng cao được tạo tác nên từ những bàn tay vàng đất Việt.

Làng Sơn Đồng

Làng nghề Sơn Đồng thuộc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Làng nghề Sơn Đồng đã có từ hơn một trăm năm qua, với nghề truyền thống là tạc, chạm, khắc và sơn tô tượng để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng trong cả nước như tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt; tượng ông Thiện, ông ác, tượng các vị La Hán, kiệu bát cống....Kỹ thuật sơn mài của nhữn người thợ ở đây khiến người ta phải trầm trồ, thán phục, Sản phẩm được khách hàng đánh giá rất cao. Vì vậy, sản phẩm của làng nghề này không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn có mặt ở nhiều thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.

Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp

Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Tương Bình Hiệp  Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng và sự tinh xảo nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông.

           

Ra đời từ thế ký XVIII, kỹ thuật sơn mài được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay, làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã có đựoc một chỗ đứng vững chắc trong thị trường tranh Sơn mài Việt Nam với các bộ tứ bình sơn mài, các bức tranh, , , , bức trướng với kỹ thuật điêu luyện và sự độc đáo trong từng bức tranh.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.521.374
Tổng truy cập: