ẨM THỰC & ĐÔNG Y
Nhân vụ bê bối thịt ngựa: Khắp nơi vẫn ung dung đánh chén?
(Ngày đăng: 11/03/2013   Lượt xem: 702)

Trong khi một số nước châu Âu lo lắng thái quá với vụ thịt ngựa “khoác áo” thịt bò, thì ta cũng nên biết rằng, thịt ngựa là món ăn chính ở vùng Trung Á trong nhiều thế kỷ, và nó cũng là một phần trong văn hóa ẩm thực truyền thống của nhiều quốc gia khác trên thế giới - từ châu Âu đến Nam Mỹ và châu Á.

                                  

Bà Sally Davies, chuyên gia y tế của FSA.

Ở một số vùng của châu Âu, tiêu thụ thịt ngựa kéo dài từ thời Trung cổ cho đến tận ngày nay bất chấp lệnh cấm của Giáo hoàng Gregory III vào năm 732 vì cho đó là thực phẩm của người ngoại giáo “đáng ghê tởm”. Tuy nhiên, do ngựa cũng là một phương tiện vận chuyển và bạn của con người cho nên việc giết mổ và tiêu thụ thịt ngựa bị cấm kị ở một số nền văn hóa do vấn đề đạo đức.

Ngoài ra, hiện nay ngựa được nhìn nhận với thân phận thú nuôi ở một số quốc gia phương Tây - đặc biệt ở Mỹ, Anh và Ireland - cho nên sự cấm kị ăn thịt loài động vật này càng được củng cố.

Văn hóa thịt ngựa trên thế giới và một số cấm kị

Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, thịt ngựa sống được gọi là sakura hay sakuraniku (sakura nghĩa là hoa anh đào, còn niku là thịt) do nó có màu hồng. Thịt ngựa có thể dùng sống như món sashimi với những lát cắt mỏng nhúng vào nước tương, đôi khi ăn chung với gừng và củ hành - trong trường hợp này món sẽ được gọi là basashi.

Người Nhật gọi thịt ngựa nướng xiên là baniku hay bagushi. Các thành phố Kunamoto, Nagano và Oita vốn rất nổi tiếng với món basashi. Cũng có món tráng miệng đặc biệt có thành phần thịt ngựa gọi là kem basashi.

Ở Hàn Quốc, thịt ngựa sống (quanh phần cổ) được ăn với nước tương và dầu mè. Thịt ngựa còn được coi là món cao lương mỹ vị ở đảo Jeju của Hàn Quốc.

Còn người Mông Cổ (nổi tiếng với lối sống du mục và kỹ năng cưỡi ngựa) ăn xúc xích thịt ngựa gọi là kazy và uống thứ rượu làm từ sữa ngựa gọi là airag.

Ngày nay, người Mông Cổ chuộng thịt bò và thịt cừu hơn, song thịt ngựa vẫn được nhiều người chọn dùng vào mùa đông giá lạnh vì nó ít cholesterol - thịt ngựa được giữ cho không đông và theo truyền thống, người Mông Cổ tin rằng thực phẩm này giúp cho cơ thể ấm hơn.

Người Kazakhstan cũng là dân du mục nên sử dụng thịt ngựa làm thực phẩm là điều bình thường. Người Kazakhstan có nhiều cách chế biến thịt ngựa - như là, xúc xích thịt ngựa gọi là shuzhuk, thịt ngựa sấy khô gọi là sur-yet v.v…

Món thịt ngựa sống cắt lát Basashi của Nhật Bản.

Thịt ngựa nói chung cũng được chấp nhận ở Trung Quốc, ngoại trừ tỉnh Vân Nam và thành phố Quế Lâm vì họ cho rằng thịt ngựa không ngon mà lại có hại cho sức khỏe, thậm chí độc hại! Nói chung, Trung Quốc vẫn được coi là quốc gia tiêu thụ và sản xuất thịt ngựa lớn nhất thế giới.

Ở Ấn Độ, thịt ngựa không được dùng làm thực phẩm mặc dù nó hiện diện trong các nghi thức của đẳng cấp võ sĩ Kshatriyas (đẳng cấp thứ 2 trong 4 đẳng cấp của Ấn giáo) cách đây nhiều thế kỷ.

Trong quá khứ, ngựa được dùng làm thực phẩm đối với người Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, người Ai Cập và người Tatar nhưng bị cấm ở Maghreb (vùng tây bắc châu Phi chủ yếu là Morocco, Algeria và Tunisia).

Bên ngoài một cửa hiệu bán thịt ngựa ở Paris, Pháp.

Do Thái giáo cấm ăn thịt ngựa vì cho rằng, đây là loài thú móng chẻ chứ không phải loài nhai lại và chỉ được sử dụng như là phương tiện chuyên chở.

Tại phần lớn các quốc gia nói tiếng Anh trên thế giới - Anh, Mỹ, Ireland và Australia - việc giết mổ ngựa làm thực phẩm bị chống đối do họ coi ngựa giống như những thú nuôi khác như chó và mèo.

Tuy nhiên, tại các quốc gia phương Tây khác, thịt ngựa không chỉ được chấp nhận là thực phẩm hàng ngày thậm chí còn được đánh giá cao! Đặc biệt là ở Pháp. Theo truyền thuyết, người Pháp bắt đầu thưởng thức món thịt ngựa từ trận chiến Eylau vào năm 1807, khi đó Nam tước Dominique-Jean Larrey khuyên Napoleon cho đoàn quân đang đói ăn thịt ngựa chiến để lấy sức.

Vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò của Findus.

Ở Đức, thịt ngựa là thành phần chính của Sauerbraten - món thịt ngựa om nổi tiếng của nước này. Ở Na Uy thời tiền Cơ Đốc, ngựa là con thú đắt tiền cho nên việc ăn thịt ngựa là bằng chứng cho thấy “đẳng cấp giàu sang” của người ăn. Khi Na Uy quy theo Cơ Đốc giáo, thịt ngựa bị cấm dùng và ai ăn món này bị coi là kẻ dị giáo. Song ngày nay thịt ngựa đã trở nên phổ biến ở Na Uy. Argentina là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thịt ngựa, nhưng nó không được tiêu thụ trong nước do bị cấm.

Brazil cũng cấm dùng thịt ngựa tương tự như dân du mục Romani. Vào năm 2005, Mexico là quốc gia sản xuất thịt ngựa lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Còn đối với người Hồi giáo, họ chỉ ăn thịt ngựa hoang chứ không dùng thịt ngựa nuôi.

Phenylbutazone và thịt ngựa

Phenylbutazone là loại thuốc giảm đau và kháng viêm sử dụng rộng rãi cho ngựa (và chó), không đắt tiền và có hiệu quả cao khi tiêm hoặc xay nhuyễn cho ngựa uống. Từ năm 2005, luật châu Âu yêu cầu mọi con ngựa dùng làm thực phẩm cho người đều phải có giấy chứng nhận giới hạn sử dụng thuốc cấm, bao gồm cả phenylbutazone.

Hàng năm, ở Anh có khoảng 8.000 đến 10.000 con ngựa được giết mổ cho người tiêu thụ. Trong vòng 5 năm qua, trong khoảng từ 2 đến 5% các mẫu lấy từ các lò mổ ở Anh đem xét nghiệm cho thấy dương tính với phenylbutazone.

Vào thập niên 50 thế kỷ trước, phenylbutazone được dùng để chữa trị bệnh viêm khớp dạng thấp và gout nơi người nhưng về sau bị cấm do nó có tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Người ta cũng biết rằng, phenylbutazone có thể gây rối loạn tuần hoàn máu nghiêm trọng nơi người - bao gồm chứng thiếu máu (tế bào tủy xương giảm khả năng tạo hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cho cơ thể), giảm bạch cầu, agranulocytosis (tình trạng mất bạch cầu hạt do phản ứng với thuốc hay phơi nhiễm phóng xạ) và thrombocytopenia (tình trạng tiểu cầu trong máu sụt giảm số lượng một cách bất thường).

Các chất chuyển hóa từ phenylbutazone có trong thịt ngựa có thể gây các dạng rối loạn máu nơi người, song người ta cho rằng nếu sự tồn tại của chất này quá thấp trong cơ thể thì không đáng lo ngại.

Nhiều chuyên gia y tế đang lo ngại trong thời gian qua người tiêu dùng châu Âu đã tiêu thụ loại thịt ngựa đua vốn thường được sử dụng thuốc phenylbutazone trong thời gian dài trước khi được giết mổ. Tuy nhiên, bà Sally Davies chuyên gia y tế của FSA (Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh) và giáo sư Peter Lees, Trường Thú y Hoàng gia Anh cho rằng, nguy cơ bị chứng thiếu máu là rất thấp đối với những người ăn thịt ngựa nhiễm phenylbutazone.

Sau vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò trong thời gian qua, giới quan chức châu Âu thừa nhận đây là lần đầu tiên phenybutazone xuất hiện trong dây chuyền sản xuất thực phẩm cho con người. Và, Tập đoàn thực phẩm đông lạnh Findus của Pháp là trung tâm của vụ bê bối thịt ngựa này ở châu Âu.

                                                                                                Theo: QĐND online

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.518.682
Tổng truy cập: