|
Bánh pía Sóc Trăng có hình tròn dẹp, “mặt tiền” được đóng mộc màu đỏ ghi nhãn hiệu. Vị ngọt thanh, vỏ tơi xốp, nhân dẻo mềm. (Nguồn: VOV) |
Bánh pía là một biểu tượng văn hóa ẩm thực của tỉnh Sóc Trăng, là một đặc sản gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống vùng Vũng Thơm, nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 10km. Món ăn này có tuổi đời khoảng 80-100 năm, không chỉ trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây mà còn vang danh cả nước.
Năm 2020, nghề làm bánh pía truyền thống của các xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp (huyện Châu Thành) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di sản văn hóa ẩm thực bản địa
Nghề làm bánh pía (''pía''/''pi-é'' theo tiếng Triều Châu có nghĩa là bánh) tập trung ở các xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Bánh pía là loại bánh do một số người Minh Hương (người Hoa) di cư mang sang Việt Nam từ thế kỷ XVI, có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu (người Tiều). Đây là loại bánh không thể thiếu trong ngày rằm tháng 8 âm lịch và các dịp lễ, Tết.
|
Nguồn gốc dòng bánh Pía Sóc Trăng được khởi xướng từ vùng đất Vũng Thơm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng ngày nay. |
Hiện nay, một số làng nghề tại Sóc Trăng còn giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống làm bánh pía như: các lò Công Lập Thành, Thuận Thành, Mỹ Hiệp Thành, Tân Huê Viên, Tạo Thành... Trong đó, lò bánh Công Lập Thành của ông Âu Minh Xương được xem là lò bánh đầu tiên. Nghề làm bánh pía là đặc trưng văn hóa của Sóc Trăng, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, khẳng định giá trị thương hiệu của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất bánh.
Sóc Trăng hiện có trên 30 thương hiệu bánh pía được sản xuất từ nhiều cơ sở, doanh nghiệp, trong đó có những thương hiệu được xây dựng gần 100 năm, cũng có những thương hiệu mới hình thành từ vài năm trở lại đây nhưng tất cả đều hướng đến xây dựng sản phẩm đặc sản của riêng Sóc Trăng đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Các sản phẩm bánh pía đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại như: bánh pía đậu xanh sầu riêng, khoai môn sầu riêng, bánh pía nhân đậu xanh-dứa, bánh pía nhân đậu đỏ, đậu đen, hạt sen, bánh pía chay, bánh pía dùng cho người kiêng đường, bánh pía lạp thịt, bánh pía can xại, bánh pía kim sa…
|
Bánh pía Sóc Trăng hiện nay được bày bán khắp các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, bến cảng, sân bay, các điểm tham quan du lịch. (Nguồn: Vinacel) |
Dù chiếm lĩnh thị trường cả nước nhưng nhiều lò bánh pía ở Sóc Trăng vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để nâng chất chiếc bánh quê nhà trở thành những sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu biếu tặng trong những nghi thức giao tiếp trang trọng.
Bánh pía Sóc Trăng hiện nay được bày bán khắp các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, bến cảng, sân bay, các điểm tham quan du lịch... Hơn thế nữa, giờ đây bánh pía Sóc Trăng đã xuất có mặt tại nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada...
Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, đến nay nghề làm bánh pía ở tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển bền vững và vượt bậc. Nghề làm bánh pía là sinh kế của các hộ gia đình làm nghề, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động địa phương…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản “nghề làm bánh pía”
Nghề làm bánh pía ở Sóc Trăng hiện không còn đơn thuần là một nghề thủ công truyền thống mà đã được thương mại hóa một phần nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng không vì thế mà bị mất đi những giá trị văn hóa cốt lõi.
|
Hiện Sóc Trăng có trên 50 thương hiệu bánh pía được sản xuất từ nhiều cơ sở, có nơi được xây dựng gần 100 năm. (Nguồn: TITC) |
Các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống; khuyến khích, trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Tỉnh Sóc Trăng đã có những quyết sách nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng đều và có sức vươn ra thị trường quốc tế.
Theo: baoquocte.vn