ẨM THỰC & ĐÔNG Y
(29-33)- Hà Nội mùa sen và sấu
(Ngày đăng: 24/07/2022   Lượt xem: 247)

Không biết tự bao giờ thị dân Hà Nội đã truyền miệng câu: "Trà sen Tây Hồ, sấu già Thành nội". Hai cái thức ấy mỗi độ mùa về như níu chân du khách, khiến những người con xa xứ thấy nao lòng và rưng rưng mỗi khi nghĩ đến, để rồi cố gắng tìm về.

Sấu già Thành nội

Sấu Thành nội, những cây sấu nâu liên, thấm đẫm khí chất Thăng Long, cái vị thời gian phảng phất trong từng thớ quả. Giòn thời gian, thanh chua hậu vị, không chua gắt, cùi mỏng. Có lẽ không mảnh đất nào có được một thức quả đặc biệt như vậy.
Hà Nội mùa sen và sấu -0

 
Nguồn: ITN

Chẳng có ở đâu sấu lại nhiều như ở Hà Nội, với hơn 1.400 cây sấu cổ thụ, được trồng ở khắp nơi, từ công viên, vườn bách thảo, khu thành nội và đến cả những con ngõ nhỏ. Nhưng nhiều nhất là ở phố Phan Đình Phùng, hay còn gọi là "phố cây sấu". Mùa sấu thường từ tháng 6 kéo dài cho đến tháng 9 hàng năm.

Mỗi mùa sấu về, những con phố lại khoác lên một màu xanh tươi mát, hương hoa sấu thoang thoảng khắp con phố, bình yên và dịu dàng lạ. Ai đã đến Hà thành vào những ngày sấu về, chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những chùm hoa trắng muốt, nhỏ li ti ẩn mình trong sắc xanh của lá, tỏa hương thanh khiết.

Sấu quen thuộc với người Hà Nội vô cùng, nhất là với những cô cậu học trò nhỏ. Sấu từ non đến già cũng đều có cách để chế biến thành những món ăn ngon lành. Từ ô mai sấu, sấu dầm, nấu canh chua, ngâm mắm ớt hay ngâm đường..., mỗi cách chế biến lại mang đến những hương vị thơm ngon khác nhau.

Quả sấu bình dị đã gắn liền với biết bao tuổi thơ của người dân đất Hà thành, để khi lớn lên, sấu vẫn là một thứ rất đỗi thân quen và là nỗi nhớ da diết của những người con xa xứ.

Không chỉ vào mùa thu, khi trái chín, loài cây này mới được người Hà Nội để tâm. Vào các dịp khác trong năm, hàng cây sấu đều có nét đẹp riêng. Những tán lá sấu trên đường Phan Đình Phùng tạo nên mái vòm phủ mát cả con đường. Mùa thay lá đã thành một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội khi họ thướt tha xúng xính áo dài, ghi lại những hình ảnh đẹp đến nao lòng với những thảm lá nhuộm vàng lối phố.

Trà sen Tây Hồ

Trà sen Tây Hồ từ lâu được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”, không chỉ bởi hương vị thanh tao khác biệt, mà đó còn là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo ra chúng. Sen dùng ướp trà lá sen Bách Diệp, loại sen nhiều cảnh nhỏ, màu hồng phớt, chúm chím nụ. Sen được hái từ sáng sớm, khi mặt nước còn hơi sương để bảo đảm độ tươi và giữ trọn vẹn được hương vị của hoa.

 
Nguồn: ITN

Trà sen Tây Hồ là sự hòa quyện giữa hương vị đậm đà của chè Tân Cương với hương thơm ngát rất riêng của gạo sen Bách Diệp. Qua bàn tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ của người thợ mà tạo ra thức uống thơm ngon, đậm đà, mang hương vị đặc trưng của đất Hà thành.

Từ cuối tháng 5 đến khoảng đầu tháng 9 hằng năm, nhiều nhà làm trà truyền thống ở phường Quảng An lại tất bật trong từng công đoạn để làm trà sen. Công việc ướp trà sen đòi hỏi sự cầu kỳ, người thợ phải đặt hết tâm huyết và tình cảm vào từng hạt gạo sen, búp trà. Từng bông hoa được hái mang về tách lấy gạo - thứ được ví như túi hương của bông sen rồi mới đem ướp. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ làm nghề, cánh hoa, nhụy hoa và gạo sen được tách rời.

Chị Bách Diệp (40 tuổi, phường Quảng An, Tây Hồ) chia sẻ: “Để thu được 100g gạo sen sẽ cần khoảng 1.200 - 1.400 bông hoa. Việc tách gạo sen là công đoạn khó nhất, đòi hỏi phải nhanh tay, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và lưu giữ được mùi hương”.

Gạo sen và nhụy sen sau khi được ủ đủ lâu và sấy khô sẽ được bỏ vào bông sen cùng với trà Tân Cương cánh nhỏ, thẩm hương vừa độ, sau đó dùng lá sen bọc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi bọc chè sẽ được ủ một đêm để hương sen thấm đều vào chè, từng vốc chè sực mùi thơm hòa quyện với sen. Loại trà sen này được làm nhiều vào chính vụ sen, giá bán giao động 40.000 đồng/bông.

Ông Ngô Văn Xiêm (12 Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ), truyền nhân đời thứ tư của gia đình có truyền thống làm nghề trà sen chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở Quảng An, trưởng thành trong một gia đình có nhiều đời làm nghề trà ướp hương sen, được cha mẹ truyền nghề và cứ thế đến nay tôi đã gắn bó với nghề gần 60 mùa sen nơi đây”.

Nói về bí quyết để tạo ra những tách trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, ông Xiêm bộc bạch: “Để làm ra thức uống này không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì, hương vị tinh túy của chén trà sen thực chất đã qua 7 lần ủ gạo và sấy. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Một mẻ trà sen đạt chuẩn thì nước trà phải xanh, uống ban đầu có vị chát, sau có vị ngọt đượm và hương sen thơm dịu, thoang thoảng trong miệng”.

Chính vì cách chế biến cầu kỳ và phức tạp như thế mà trà sen Tây Hồ thường có giá cao hơn so với các loại trà khác trên thị trường. Không chỉ là thức uống đơn thuần, trà sen Tây Hồ còn mang đậm nét văn hóa, tinh tế của người Hà thành, là món quà quý cho những người con xa quê nhớ về miền đất kinh kỳ.

                                        Theo: daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.521.419
Tổng truy cập: