ẨM THỰC & ĐÔNG Y
(37)- Bánh mướt - thức quà quê xứ Nghệ
(Ngày đăng: 12/04/2020   Lượt xem: 359)

 


Ngày nay, bánh mướt thường được ăn kèm với xáo lòng.
Ngày nay, bánh mướt thường được ăn kèm với xáo lòng.

Thời gian trôi đi, người bán bánh mướt rong đã đổi phương tiện từ đi bộ sang xe đạp. Người già nghỉ ngơi, người trẻ kế tiếp, duy chỉ có tiếng rao đặc biệt giọng Nghệ là mãi không đổi.

Bánh mướt Nghệ An cũng gần giống như bánh cuốn ngoài Bắc hay bánh ướt miền Nam. Nhưng độc đáo thay, bánh mướt vẫn làm những người xa quê phải vướng vít vì vẻ ngoài trắng ngần như ngó sen và hương thơm béo ngậy.

Công phu

Bánh mướt được làm từ bột gạo tẻ, thế nên có rất nhiều loại gạo được chọn để làm bánh. Hồi trước, gạo Vê được xem là loại gạo “đa năng” trong nghề làm bánh, bún bởi độ kết dính cao lại nở. Nhưng về sau giống lúa này không còn năng suất nên người ta chuyển sang gạo Khang Dân.

Để có được mẻ bánh mướt ngon, lúa sau khi gặt phải để tầm 3 tháng trở lên mới đem xát thành gạo, bởi gạo mới nhiều nhựa thường gây nhão. Gạo phải được sàng sảy rồi đem ngâm trong nước mưa. Mỗi nhà lại có thời gian ngâm gạo khác nhau, nhưng nếu ngâm chưa đủ 3 tiếng, bánh mướt sẽ cứng, còn ngâm lâu quá bánh sẽ chua.

Những năm trước, các nhà làm bánh mướt đều có cối đá kẽo kẹt xay gạo từ nửa đêm. Gạo và nước được ước lượng cho hài hòa rồi đem xay thành bột nước. Bây giờ hiện đại hơn, gạo được xay bằng máy nhưng hình ảnh chiếc cối xay vẫn là một kỷ niệm khó phai.

Khi gạo được xay thành bột nước, người ta sẽ bỏ một ít hành lá thái nhỏ và chút gia vị vào trộn đều rồi tráng trên nồi hơi. Nồi được chọn để tráng bánh thường là nồi đồng. Nước trong nồi hơi bắt buộc phải là nước mưa, nước mưa càng lâu năm, hơi nước bốc lên càng làm bánh thêm ngọt. Đấy cũng là bí quyết tráng bánh cổ truyền vùng Nghệ Tĩnh.

Một miếng vải xô có độ dày phù hợp được bịt kín trên miệng nồi bằng dây vải hoặc dây làm bằng thân cây chuối tươi. Khi nước trong nồi sôi, người làm sẽ múc từng muôi bột nước đổ lên tấm vải rồi dùng đũa cả tráng nhanh và thật đều rồi đậy vung lại. 

Tầm hơn 1 phút là mở vung, đây là lần mở vung đầu tiên và cũng là duy nhất của mỗi chiếc bánh. Thời gian căn mở vung tùy bí quyết của từng thợ nhưng sớm quá, bánh gãy không thể cuốn được, còn lâu quá bánh bị nát.

Sau khi mở vung, người thợ lại dùng đũa cả nhấc tấm bánh sang chiếc rá được đan bằng tre úp ngược bên cạnh rồi nhanh tay cuốn lại thành từng cái tròn như ngón tay người lớn. Bánh mướt được xếp thành từng hàng ngay ngắn vào chiếc thúng có lót lá chuối tươi. Mỗi một lớp bánh lại được phết mỡ hành thơm lừng.

Một bí quyết nữa để mẻ bánh mướt trở nên hoàn mỹ là lửa đốt nồi hơi luôn phải cháy to, đều để bảo đảm lượng hơi nước bốc lên đạt chuẩn làm chín bánh. Củi dùng để đốt cũng không chọn những loại có quá nhiều khói như bạch đàn, khuynh diệp hay thông.

Tổ bánh mướt làng Gám

Làng Kẻ Gám ở xã Xuân Thành (Yên Thành – Nghệ An) được xem là một trong những ngôi làng hành nghề tráng bánh mướt lâu đời nhất. Nguyên do một phần là bởi Kẻ Gám là vựa lúa ngon nhất xứ Nghệ.


 

 
Hàng bánh mướt ở chợ Sò.

Bánh mướt không chỉ tạo thương hiệu cho Kẻ Gám thành làng nghề truyền thống, mà còn đem hương vị bánh mướt đi khắp nơi. Hơn 20 hộ gia đình làm bánh mướt ở ngôi làng này đều có những bếp lò riêng, tách biệt với bếp đun gia đình.

Từ 3 giờ sáng, Kẻ Gám đã râm ran tiếng người dậy xay gạo, nhóm lò. Chị em trong nhà tấp nập kẻ bán, người mua bánh mướt. 

Bánh mướt theo chân các tiểu thương ra chợ, theo chủ quán đến hàng, theo người bán rong khắp đầu làng ngõ xóm.

Bánh mướt Kẻ Gám được chọn làm thức quà sáng nhanh gọn với bát nước chấm chanh tỏi đậm đà, vừa được chọn để bày cỗ những dịp trọng đại như cưới hỏi hay lễ hiếu. Bánh mướt ở trong quán ăn theo chén rượu hàn huyên. Bánh mướt lại theo chân thợ cấy, thợ gặt ra đồng giải lao giữa bữa.

Chị Nguyễn Thị Thịnh ở Kẻ Gám, chia sẻ: “Vào những ngày lễ, nhà tôi 3 người làm cũng không xuể bán. Bánh mướt ở đây được cả người trong Vinh rồi ngoài Hà Nội vào đặt. Có khi người miền Nam ghé mua làm quà”.

Nhắc đến thợ làm bánh mướt ở Kẻ Gám không thể không nhắc đến cụ Lê Thị Oanh, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Gần 10 tuổi, cụ làm quen với cối gạo nồi hơi. Theo tuổi đời, bánh mướt cụ Oanh vẫn khó ai bì kịp. Ai buôn đâu, bán đâu gần Kẻ Gám cũng phải tìm bằng được hàng bánh mướt của cụ để nếm thử một lần.

Cũng chẳng biết từ khi nào, làng Kẻ Gám cứ coi cụ Oanh là cụ tổ nghề bánh mướt. Người ở làng khác, hay người xa đến hỏi, người làng cứ tự hào cụ Oanh là tổ nghề làng Gám mình.

Giữ thức đồng quê

Ở xứ Nghệ, không chỉ có Kẻ Gám, nhiều ngôi làng khác cũng có thương hiệu bánh mướt cho riêng mình. Như bánh mướt giò Đô Lương, chợ Sò (Diễn Châu), làng Quy Chính (Nam Đàn)… Mỗi vùng, bánh mướt lại có hương vị riêng, có nơi chuộng hành lá, có nơi lại chuộng hành khô.

 
Bánh mướt Kẻ Gám có đủ lá hành tươi và hành tím ta.

Với bánh mướt làng Quy Chính, người ăn lại thích xuống chợ Sa Nam để vừa nếm cái ngon của bánh vừa thưởng thức cái hương vị chợ quê chính cống. Chẳng thế mà người Nam Đàn mới có câu ca:

“Ai về chợ huyện Sa Nam/ Nhớ ăn bánh mướt cô nàng đong đưa/ Ăn năm cái bánh no vừa/ Ăn mười chiếc bánh no trưa lẫn chiều/ Ăn rồi anh ngỏ lời yêu/ Cô nàng cắp thúng mà theo anh về”.

Bánh mướt làm từ gạo tẻ nên dễ ăn, dễ kết hợp cùng nhiều món khác. Mùa hè, người háo nước ăn mấy chiếc bánh mướt chấm mắm chanh thấy mát ruột. Mùa đông, cũng mấy cái bánh mướt ấy chan thêm nước xáo, lại thêm rau thơm và chút hạt tiêu, nghĩ thôi đã thấy thèm ghê gớm.

Bà Nguyễn Thị Nhân, một người làm bánh mướt lâu đời ở chợ Sò, chia sẻ: “Mùa đông, ngồi bên bếp lò tráng bánh thì ấm đó, rứa mà (nhưng mà) đang từ chăn ấm vùng dậy cũng phải quyết tâm lắm. Cực nhất là mùa hè, trên đầu lúc nào cũng phải đội một cái khăn để thấm mồ hôi”.

Khi được hỏi vất vả vậy sao không thử chuyển sang nghề khác, bà Nhân lại cười: “Cũng thử bỏ mấy bận rồi mà không được, nhớ mùi bột quá. Mà tôi theo nghề giờ đến đời thứ 3 rồi, bỏ thấy không nỡ. Ông cha đã cho mình cái nghề làm thức quà quê, đành cố giữ vậy”.

                                            Theo: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.458.932
Tổng truy cập: