QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Du lịch Vĩnh Phúc chưa khai thác hết tiềm năng
(Ngày đăng: 03/06/2013   Lượt xem: 501)
Khu nghỉ mát Tam Ðảo.

Vĩnh Phúc được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, làng nghề, du lịch tâm linh. Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển, thậm chí đang có xu hướng tụt hậu so với một số tỉnh, thành phố phía bắc.

Ða dạng tài nguyên du lịch...

Là tỉnh thuộc miền núi trung du Bắc Bộ, Vĩnh Phúc cách Thủ đô Hà Nội 60 km, tiếp giáp các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Phú Thọ. Thiên nhiên của vùng đất tiếp giáp giữa đồng bằng và núi cao đã tạo cho nơi đây nhiều cảnh quan kỳ thú, độc đáo như: Tam Ðảo, Tây Thiên, hồ Ðại Lải, Ðầm Vạc, trong đó có dãy Tam Ðảo khí hậu mát mẻ, là nơi nghỉ mát lý tưởng của du khách. Bên cạnh đó còn là một hệ thống các di tích, làng nghề đã có từ lâu đời.

Du lịch Vĩnh Phúc trước hết nổi tiếng bởi dãy núi Tam Ðảo và khu rừng nguyên sinh bao quanh (Vườn quốc gia Tam Ðảo) với ba đỉnh núi đã đi vào huyền thoại và thơ văn: Rùng Rình, Thiên Thị và Thạch Bàn. Ðây là một dãy núi lớn dài hơn 80 km, rộng từ 15 đến 20 km, chạy theo hướng tây bắc - đông nam. Từ trên Tháp truyền hình Tam Ðảo nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1.300 m phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách có thể trông thấy phía chân trời một phần Thủ đô Hà Nội, TP Vĩnh Yên, TP Việt Trì và hồ Núi Cốc... Trên khu du lịch Tam Ðảo, du khách còn được thưởng ngoạn những cảnh quan danh lam thắng cảnh như: Ðền Mẫu bà Chúa thượng ngàn, đền Ðức Thánh Trần, thác Bạc và thăm khu du lịch Lạc Hồng... Nếu ưa leo núi luồn rừng khám phá, khách còn được thăm khu danh thắng di tích Tây Thiên hoặc chinh phục các đỉnh núi Rùng Rình, Phù Nghĩa, Thiên Thị để nghiên cứu, tham quan và chụp ảnh phong cảnh, động thực vật nơi đây. Trên đường từ Tam Ðảo đi Tây Thiên, trong các tua du lịch tâm linh, du khách được vào viếng các di tích khá linh thiêng như: đền Cô, đền Cậu và đền Chạch Suối ở ngay chân núi Tam Ðảo.

Nằm trong quần thể khu danh thắng Tây Thiên, cách khu du lịch Tam Ðảo khoảng hơn 10 km theo đường chim bay và 25 km đường bộ, là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, một quần thể kiến trúc cổ nằm hòa với cảnh thiên nhiên núi rừng Tam Ðảo. Ði bằng cáp treo hoặc đi bộ từ dưới chân núi lên đến đỉnh của Tây Thiên, du khách lần lượt tham quan các điểm như: Ðền Trình, đền Cậu, suối Giải oan, đền Thõng, đền Cô, v.v. Trong quần thể khu du lịch Tam Ðảo còn có hồ Xạ Hương nằm trong thung lũng núi Con Trâu thuộc xã Minh Quang, huyện Tam Ðảo. Hồ rộng 85 ha với nhiều ngóc ngách len lỏi giữa các cánh rừng. Ðập nước  của hồ cao 42 m đã tạo nên một hồ nước có sức chứa hơn 12 triệu m3 nước. Nước  trong hồ Xạ Hương trong xanh và sạch, nếu du khách chèo thuyền giữa mênh mông sóng nước có thể ghé thuyền vào các làng, bản ven hồ hay giữa lưng chừng núi để tham quan phong cảnh núi rừng hùng vĩ và các sinh hoạt của người dân bản địa nơi đây.

Ngay giữa thành phố Vĩnh Yên, thủ phủ tỉnh Vĩnh Phúc, còn có một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn là khu du lịch Ðầm Vạc trong quần thể các đầm, hồ có giá trị kinh tế, du lịch với 23 nhánh chính tạo ra những hồ, lạch nhỏ... Cùng với Ðầm Vạc, đi ngược về hướng Hà Nội khoảng 25 km, Vĩnh Phúc còn có một vùng hồ nước mênh mông, cảnh quan tươi đẹp là hồ Ðại Lải thuộc thị xã Phúc Yên. Giữa hồ có một đảo nổi mang tên đảo Chim. Ðến với Ðại Lải du khách như được lạc vào một không gian xanh riêng thơ mộng. Ở đây du khách có thể dạo chơi, ngắm cảnh, đi du thuyền mặt nước, tắm mát, câu cá, leo núi, thăm làng, bản người Sán Dìu, nghe hát Soọng cô, thưởng thức các món ăn dân tộc...

... Nhưng khai thác chưa hiệu quả

Với số lượng và mật độ tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn lớn như đã nêu trên, nhưng đến nay ngành du lịch Vĩnh Phúc vẫn loay hoay tìm hướng phát triển và dường như không tiến được nhiều so với những tỉnh, thành phố khác ở phía bắc. Nhận xét về những hạn chế của ngành du lịch Vĩnh Phúc, Bí thư Ðảng ủy thị trấn Tam Ðảo Nguyễn Quang Hải cho biết: Ðến nay, cả tỉnh chưa có khu du lịch tổng hợp đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hệ thống các khu du lịch chuyên đề cũng chưa được hình thành một cách rõ nét, nhất là các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức. Ðiều này đã dẫn đến những hạn chế trong phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng bên trong các khu du lịch cũng chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu du khách và các hoạt động dịch vụ du lịch đạt chuẩn đón khách quốc tế. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa có chiến lược dài hơi, thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô hoạt động hạn chế.

Sự buông lỏng trong quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc khiến nhiều khu du lịch như Ðầm Vạc, Ðại Lải,... còn bị các doanh nghiệp, thậm chí là cả các cá nhân lấn chiếm, làm hàng quán, nhà nghỉ, lấy đất công làm của riêng mình. Ðã có những trường hợp như Khu Vườn quốc gia Tam Ðảo, thậm chí cả Ðập quốc gia hồ Xạ Hương - là đập giữ nước cho cả huyện Tam Ðảo và các vùng lân cận để gieo cấy, còn bị các doanh nghiệp dùng mìn phá đá khai thác tài nguyên hoặc có những vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến kết cấu chân đập. Nhiều  khu di tích lịch sử văn hóa cũng bị các doanh nghiệp "xẻ thịt" làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường... Tình trạng chồng chéo trong quản lý, khai thác du lịch còn ảnh hưởng đến phát triển du lịch của tỉnh. Những số liệu tăng trưởng về lượng khách và thu nhập từ du lịch đã cho thấy sự bất cập đó bởi chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của du lịch tỉnh, chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt cho du khách, để từ đó có thể hình thành một cách rõ nét các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao so với những địa phương khác trong cả nước.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tầm nhìn phát triển du lịch của Vĩnh Phúc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng cho biết: Ðể du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch tổng thể từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, tỉnh tập trung vào một số mục tiêu chính: đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Ðảo, Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm thành một quần thể khu du lịch sinh thái và tâm linh quốc gia với hình ảnh điểm đến rõ nét, có sức cạnh tranh trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ðặc biệt là đầu tư quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, hình thành và đưa vào khai thác các tua du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, làng nghề, gắn việc quản lý, khai thác du lịch với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự để phát triển ngành du lịch Vĩnh Phúc một cách bền vững.

                                                                                                Theo: Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.472
Tổng truy cập: