QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Khi chạm vào tâm thế quê làng
(Ngày đăng: 25/04/2013   Lượt xem: 433)

Trần Gia Thái xuất hiện không sớm trong thơ, so với những người cùng thế hệ. Trước đó, tôi chưa được đọc ông, kể cả văn xuôi. Tôi biết ông với tư cách một người làm báo, người đồng nghiệp trong nghề báo trước đây. Nhưng khi thấy ông in thơ, tôi khá ngạc nhiên.

Với hai tập thơ trong hai năm: Lời nguyện cầu trước lửa (NXB Hội Nhà văn, 2011) và Mưa không mùa (NXB Hội Nhà văn, 2012), lại in ở nhà xuất bản của mình, đã làm tôi chú ý. Hai tập thơ ra đời, nhận được sự khen, chê khác nhau là chuyện bình thường. Nghệ thuật không cùng, các bậc thi bá cũng không ai toàn bích, thậm chí có những câu thơ “dở hơi”. Có điều, khen thế nào, chê thế nào cho phải lẽ, cho tác giả có những nỗ lực mới trên cánh đồng thơ được nhiều người, nhiều thế hệ cày ải. Có người dùng cuốc, có người dùng cày chìa vôi, có người dùng máy, thậm chí máy tự động thời hiện đại hóa, lại có người nấp sau luống cày để phá luống, lèn đất…Có sao đâu, cuộc sống cứ vận hành, chẳng chiều theo ý ai, chẳng ai cản phá được. Cuộc sống lướt qua mọi số phận. Bởi vậy, cũng yên tâm rằng, người khen, chê vì tiêu chí văn chương, thiên hạ biết; người vì mục đích ngoài văn chương, ngụy biện, bẻ bai vô lối…thiên hạ cũng biết!

Tôi đọc Mưa không mùa của Trần Gia Thái trên tinh thần như vậy. Ngay bài thơ đầu tập, bài Mưa không mùa, là bài thơ Trần Gia Thái chọn làm tên cho tập, có thể suy ra một tâm sự thế này: mưa theo mùa là chuyện đương nhiên, là quy luật của trời đất, nhưng “mưa không mùa” là soi vào cái không bình thường, trong những biến thiên của đời sống mà Trần Gia Thái muốn bày tỏ sự quan tâm thường trực của mình, không phụ thuộc mùa nào, về sự thế chăng?

Ngay sau bài Mưa không mùa, có một bài nữa về mưa: “Sông Hương rưng rức xanh…/ Nhưng mưa vẫn Huế/ mưa đằng đẵng thế/ Mưa băm nát nẻo về/ mưa như hãm ta vào ngột ngạt/ Tệ hơn rêu mưa nhàu cũ mặt người/ để anh cách em/ để ta cách bạn/ để muôn câu thơ rũ trong buồn lặng…” (Huế mưa). Tôi bỗng nhớ cái mưa dầm dề (thường là vào tháng 10, 11 hàng năm) của mùa mưa xứ Huế rất đặc trưng, buồn nẫu ra trong một bài thơ rất hay của thi sĩ Nguyễn Bính: “Trời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày/…Thuốc lào hút mãi người ra khói/ Thơ đọc suông tình hết cả hay” (Trời mưa ở Huế). Đã có rất nhiều thi sĩ viết về Huế, đặc biệt về mưa. Huế mưa của Trần Gia Thái có cấu trúc ý đơn giản, không đa tầng, đa lớp ngữ nghĩa. Nếu Huế không mưa thì thế này… nhưng Huế mưa thì thế này… Mà mưa đến đằng đẵng, ngột ngạt, băm nát nẻo về, nhàu cũ mặt người, xa cách nhau… thì là một góc nhìn riêng, cũng khá ấn tượng của Trần Gia Thái, góp vào cái mưa lạ lùng, khía vào tâm trạng những ai từng sống ở đất Thần kinh này. Cùng tiếp mạch những suy tư, thấm tháp trải nghiệm: “Đồng hồ nấc, nấc cùng giấy trắng/ trắng đêm rồi cay đắng chẳng buông tha…/ Thôi chào nhé hỡi triền miên đêm trắng/ Tóc ai giờ đã trắng sương mai/ Thảng thốt quá cả bàn tay cũng trắng/ Ai gọi ai chấm trắng phía chân trời” (Trắng).

Có thể nói, ở tập này, thơ Trần Gia Thái tâm trạng hơn, và cũng điềm tĩnh hơn. Đã thấy nhiều nỗi người, nỗi đau từng trải, đâu đó có tiếng than trong quan hệ người, trong những tráo trở đổi thay, trong hư vô cõi thế… Cảm xúc ấy chân thành, có những câu thơ rung động, thi sĩ, chứ không chỉ là những kể, tả thuần túy về ngữ cảnh và qua các thi ảnh đèm đẹp. Ngay cả ở những bài với giọng thơ quen vần, quen điệu, chưa thực sự gây chú ý, vẫn có những câu thơ “trạng huống” lắm: “Hòn Chồng khuất xa mắt người chẳng chớp/ Mùa đi rồi… thất lạc giữa thân quen” (Nha Trang còn nhớ). Hay ở một khoảng vắng, gần với tâm sự ở bài Trắng, ta lại gặp Trần Gia Thái với những câu thơ thế sự, mà thân phận: “Bóng chim về cuối nẻo/ Tăm cá cầy đục bầu trời/ Chênh vênh kiếp núi/ Mỏng manh sợi người” (Khoảng vắng). “Tăm cá cầy đục bầu trời” là câu thơ tượng hình ấn tượng. Rõ ràng, thơ ông đã có nhiều “khoảng vắng”, nhiều khoảnh khắc “rót vào chơi vơi” hơn. Chơi vơi đến bảng lảng, ngẫu cảm, không chú trọng về kết cấu trình tự ý tưởng và lô gic bố cục.

Em có về không là bài thơ bám vần điệu, không chịu “li thân” truyền thống, không xu thời, tự tin ở mình để diễn tả, rằng người ta, dù thời cuộc có thay đổi, vẫn còn đó nơi chốn nương tựa, rất sâu truyền thống là quê hương, là làng xã, là điệu chèo, một trong những quan tâm chủ đạo trong tập thơ này: “Quê ta dù có làng lên phố/ Đất vẫn là nơi đón tuổi về”. Từ cái gốc quê làng ấy, gợi lên thảng thốt nhân sinh này: “Thoáng thôi bưởi rám cành cong/ Thoáng thôi mắt đục mắt trong tỏ mờ/ Thoáng thôi hun hút ngày xưa/ Bao nhiêu hờn giận cũng vừa thoảng qua…/ Bận khác bận, vui khác vui/ Rồi thì một thoáng kiếp người nhẹ tênh” (Rồi thì một thoáng).

Mưa không mùa là tập thơ gồm 42 bài, chưa tổ chức cho một ý tưởng tập trung, nhưng vẫn quy tụ khá rõ những cảm khái, bâng khuâng về nỗi người, đôi khi mong manh, đa cảm mềm lòng vốn có của thi sĩ, dù ở chân mây góc biển, dù chỉ là một cơn mưa, một mùa đi, một đêm trắng, một góc tản mạn, một nơi chốn cũ, một bóng làng, một con đường cũ…nhưng đều “phát lộ” những quan tâm của Trần Gia Thái về sự đổi thay, đặc biệt là những thay đổi bên trong của đời sống nội tâm. Đó là những lo lắng, mất mát về những giá trị văn hóa quê làng, về tình cảm con người. Nếu “Con đường ta vẫn đi qua/ Bước lạ chân ai lấp lối/ Cây xưa có người khác đợi/ Em giờ khác em hôm qua?” (Nơi cũ) là những câu thơ gợi cái gì đó sâu lắng của niềm xưa cũ, buồn đẹp, nhưng nó là thay đổi tất yếu của thời gian. Những thay đổi khác mới đáng quan ngại: “Con đường ta đây đắp bằng trắc trở/ Một bàn tay bồi hai bàn tay lở/ Em còn có nhớ giọt nào bên sông/ Giọt nào mát đồng giọt nào xanh bãi…/ Nghĩa tình không ảnh nghĩa tình không tên/ Phù vân chóng quên gừng già cay nhớ” (Nếu mà…). Khi chạm vào những nỗi niềm như thế, thơ Trần Gia Thái bỗng trở nên lay cảm, gợi thức hơn. Và điều ấy lại cần sự rung động thực, sự mách bảo của con tim… Nó khác những bài thơ chỉ dừng ở trình diễn, kể dẫn, miêu tả cái vẻ bên ngoài. Rõ ràng, dù có bài còn dễ ý, dễ câu, nhưng Trần Gia Thái đã tìm được nguồn cảm, cách cảm của mình. Có những câu thơ níu được người đọc trong những sẻ chia tâm thế.

Bài thơ Bóng làng là một trong số bài thơ làm tôi xúc động, bởi Trần Gia Thái dường như đã nói hộ mình cái cảm giác trở về làng quê, nơi có bao người thân, nơi bao bạn bè tuổi thơ gần gũi trên từng ngõ xóm, trên cánh đồng, mùa gặt…, giờ về làng cứ thấy thưa dần những gương mặt thân quen, thưa những lão nông từng cùng bố mẹ mình mời nhau bát nước chè xanh, chia điếu thuốc lào, chung vui chuyện làng chuyện xóm. Những thế hệ làng ấy cứ vơi đi, vĩnh viễn không còn gặp lại, xiết bao đắng đót ngậm ngùi. Vẫn biết đời người là vậy mà sao buồn thương, mà sao cay đắng: “Bao người già lần lượt ngủ yên/ Lũ bạn cũ mỗi phương mỗi ngả/ Giỗ tết gặp nhau nhoáng nhoàng bươn bả/ Thưa câu vồn vã/ Nhạt lời viếng thăm”. Không chỉ vơi dần những gương mặt thân quen, hơn một lần Trần Gia Thái quan tâm riết róng cái sự “thưa câu vồn vã, nhạt lời viếng thăm”, nó mới đáng sợ khi con người dường ngày càng ghẻ lạnh với nhau hơn. Và tiếng kêu than này cất lên, liệu có thức tỉnh được mỗi hồn làng: “Người cũ ơi người cũ trốn hết rồi/ Trốn ra khỏi cuộc đời lam lũ/ Lại thêm nữa những người sắp cũ/ Nhận phần mình trên bãi tha ma” (Bóng làng).

Với tôi, ở Mưa không mùa, có thể gọi thơ Trần Gia Thái là thơ của “Bóng làng”. Ông viết về làng, về những người thân yêu nơi nguồn cội của mình với một nỗi niềm đau đáu, không giấu giếm gốc gác, dù đã nhiều năm sống với Hà Nội, quản lý một cơ quan thông tấn, báo chí lớn của Hà Nội. Bỏ qua việc những hạn chế đôi chỗ còn vân vi vần điệu, triển khai ý và tứ thơ chưa có những đột biến, bất ngờ để găm người đọc vào điều mình muốn nói. Nhưng thơ ông nhiều gửi gắm tâm sự, không ồn ào câu chữ, đa dạng về thể loại, có giọng điệu đồng dao, có lục bát, có thơ bốn câu, thơ tự do… Đó là những cái “thành” nhất của thơ ông. Nỗi quê làng thân thương ấy, ngấm trong từng hạt đất, từng sương khuya, từng mưa gió đi về thật xúc động trong bài Cha và đất: “Đất nâng bàn chân cha vỡ vạc luống cày đầu/ Đất theo cha từ nhà ra sân từ sân ra ngõ từ ngõ ra đồng từ đồng về nhà/ Ai bảo đấy là cái vòng luẩn quẩn thì hãy hỏi xem người ấy có quê không?/ Cả đời cha chỉ gắn với làng xóm với ruộng đồng với một việc cỏn con là làm ra hạt thóc…/ Già nửa đời người rong ruổi, con vẫn thương vẫn nhớ quê nghèo, giấc ngủ mang hơi bùn gốc rạ/ Bùn đất hương đồng thấm vào mỗi mạch máu con”. Những câu thơ như không kìm nén được cảm xúc, muốn trải ra, muốn bung ra. Những câu thơ ấy có thể coi là tuyên ngôn của hồn thơ quê làng, cá cược đời sống tâm hồn như nhân duyên tiền định của ông với đất làng, với thơ của ông vậy.

Trần Gia Thái đang nỗ lực, đau đáu với tâm thế thơ như thế. Quan trọng đối với ông ở đây là việc tìm ra mình, xác lập chân tín nội hàm cảm xúc và giọng điệu mình. Trong bài viết về Lời nguyện cầu trước lửa, nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận định: “Thơ với anh như việc của tay trái. Nhưng với ngưỡng thơ này, tôi nghĩ căn cước nghệ thuật của Trần Gia Thái sẽ là thơ. Có điều, anh chín muộn”. Tôi cũng đồng cảm quan với Vũ Quần Phương. Người vùng cao ở Cao Bằng có câu “Khắc đi khắc đến”. Vâng, mỗi chân thi rồi khắc đến trên nẻo đường của riêng mình. Tôi hy vọng, ngoài việc xác lập được “căn cước” nghệ thuật, Trần Gia Thái xác lập được nội lực mới của thơ ông trong căn cước ấy.

                                                                                                     Theo: CAND.com

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.491.520
Tổng truy cập: