QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Di sản vô giá cho đời sau…
(Ngày đăng: 24/03/2013   Lượt xem: 1185)
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Vạn Phúc vẫn giữ được cụm di tích đình – chùa – miếu cổ rất đáng ngưỡng mộ. Nói đến Vạn Phúc người ta không thể không nhắc đến ngôi nhà lịch sử, nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào năm 1946…
Bà A Lã Đê Nương, SN 825, là vợ của An Nam Quốc vương Cao Biền. Sau khi dẹp xong giặc, bà cùng chồng đi chu du thiên hạ… Đến đất Vạn Bảo (nay thuộc phường Vạn Phúc) thấy sông núi hữu tình, rồng chầu, hổ phục, có một ngôi chùa và hai cái giếng nước trong xanh nên xin chồng ở lại. Và cũng từ đó, đất Vạn Bảo xuất hiện một kiệt nữ chiêu dân, lập ấp, dạy nghề dệt… Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Vạn Phúc vẫn giữ được cụm di tích đình – chùa – miếu cổ rất đáng ngưỡng mộ. Nói đến Vạn Phúc người ta không thể không nhắc đến ngôi nhà lịch sử, nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào năm 1946…


Cổng làng Vạn Phúc với kiến trúc độc đáo

Từ thần phả…

Sau khi Cao Biền phải về triều, bà A Lã Đê Nương ở lại Vạn Bảo.  Tuy là phận nữ nhi nhưng bà biết nhìn xa trông rộng, luôn mong muốn “quốc thái dân an” nên không ngừng dạy người dân, “nam phải học cấy cày, nữ phải giỏi nghề dệt”. Bà cũng khuyên người dân phải bỏ điều ác, theo điều thiện, sống hòa thuận, “tối lửa tắt đèn” có nhau… Không chỉ chăm lo cho người dân Vạn Bảo, đến bất cứ vùng đất nào dù chỉ một vài ngày, bà cũng tranh thủ dạy dân kỹ thuật canh tác và nghề dệt. Tình thương của bà dành cho người dân là không thể đo đếm nên mỗi nơi bà đi qua đều để lại sự kính trọng vô ngầu… Tiếc rằng bà về trời quá sớm, chỉ thọ 44 tuổi. Người dân Vạn Bảo và nhiều nơi khác tiếc thương lập đền thờ để ghi nhớ công lao trời biển của bà…

Sau khi bà mất, Tiết độ sứ Cao Tầm lấy Vạn Bảo làm nơi thờ tự bà. Thần hiệu của bà là “Đương cảnh thành hoàng, Quốc vương thiên tử, A Lã Đê Nương, Nga hoàng đại vương” và được gia phong thêm 2 mỹ từ “trinh thục từ hòa”. Theo thần phả, nơi bà ở là đình Vạn Phúc, nơi bà mất là miếu Cố, Vạn Phúc ngày nay… Tương truyền bà rất linh thiêng, thường hiển linh phù trợ, giúp nước cứu dân nên được các đời vua Đinh, Lý, Trần, Lê… ban lệnh cho dân thờ phụng và ban sắc phong. Tổng cộng bà được ban thưởng 11 sắc phong từ thời vua Lê Hiển Tông đến tận đời vua Khải Định (hiện còn được lưu giữ). Bà là thành hoàng làng Vạn Phúc ngày nay.

Sắc phong của vua Lê Hiển Tông (1783) có ghi: “Đương cảnh thành hoàng, Quốc vương thiên tử, A Lã Đê Nương”, thần đã được tặng khen là: Linh ứng trừ tai, giúp dân yên lành, công minh gìn giữ, uy đức thẳng ngay… Nga hoàng đại vương, đức hợp lòng trời, đạo thể khôn trinh, dịu hiền, giáng vẻ nghiêm trang, một phương được nhờ ơn đức, tài giỏi, âm phù xã tắc, muôn đời nhớ ơn gìn giữ cơ đồ, gia phong cho thần là thượng đẳng thần”.


Đình, miếu, cây đa, giếng nước ở Vạn Phúc gắn với nhiều truyền thuyết.

Đến những di tích ngàn năm…

Năm 1889, Vạn Bảo đổi tên thành Vạn Phúc, nay thuộc làng Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Mặc cho thời gian và chiến tranh tàn phá, hiện Vạn Phúc vẫn bảo tồn được cụm di tích đình - chùa - miếu và nhiều cây di sản ngàn năm tuổi không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh đối với dân làng Vạn Phúc và trong cả nước.

Đình Vạn Phúc bắt đầu xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 9, rộng khoảng 2 mẫu. Gồm có phương đình, hậu cung, sân đình, ao đình… là nơi bà A Lã Đê Nương ở. Sau khi bà mất, đình Vạn Phúc là nơi tế thờ thành hoàng, chỗ họp việc làng, hội đình đám. Các đồ thờ ở đình rất quý hiếm, đó là quạt ngà voi, kiệu bát cống, chóe, lọng gấm… Chùa Vạn Phúc bao nhiêu tuổi là một ẩn số vì trong thần phả có ghi, khi bà A Lã Đê Nương cùng chồng đến đây lập nghiệp thì đã có ngôi chùa này và hai cái giếng. Chỉ tính từ thời điểm bà A Lã Đê Nương đến Vạn Bảo thì đã có ngôi chùa này. Chùa Vạn Phúc được vẽ và xây lại từ đời Lê và đời Tây Sơn, là một tập hợp kiến trúc gồm công trình xây dựng, tượng phật, pho tượng quan âm, chuông cổ bằng đồng với những nét hoa văn độc đáo, hai giếng cổ… Đặc biệt, miếu Vạn Phúc cũng không rõ thời gian xây dựng. Theo truyền khẩu qua nhiều đời, đây là nơi bà A Lã Đê Nương mất nên dân làng lập miếu thờ để ghi nhận công đức của bà – Thành hoàng làng Vạn Phúc. Miếu Vạn Phúc rất linh thiêng và có kiến trúc độc đáo, không có mái mà chỉ có bệ thờ, bên cạnh là một nhà quan cư nhỏ. Đặc biệt, miếu cổ Vạn Phúc nằm giữa quần thể cây xanh, gồm nhiều cây có trên 1.000 năm tuổi, mới đây đã được Hội cây di sản Việt Nam gắn biển công nhận quần thể cây di sản năm 2012. Trong số đó phải kể đến cây đa đại thụ ngay sát nhà quan cư. Theo các cụ bô lão Vạn Phúc, cây đa không chỉ tượng trưng cho ý chí bất khuất của người Vạn Phúc mà còn là linh khí của người dân trong khu vực… Với nghề dệt lụa được bà A Lã Đê Nương truyền dạy, lụa Vạn Phúc nổi tiếng trong nước và thế giới, được nhiều đời vua chúa phong kiến dùng để may Long bào và lễ phục.


Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc

Để gìn giữ cụm di sản nổi tiếng nói trên cho đời sau, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân làng Vạn Phúc đã tâm huyết huy động sức người, sức của để tôn tạo, trùng tu toàn bộ hệ thống di tích đình – chùa – miếu và khu tổ nghề dệt lụa Vạn Phúc. Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho hay: “Nếu không kịp thời trùng tu, tôn tạo thì cụm di tích lịch sử này sẽ mai một, xuống cấp theo thời gian. Chính vì nhận thức được điều ấy, người dân Vạn Phúc đầy tâm huyết, đã huy động xã hội hóa đầu tư trên hàng chục tỷ đồng, cùng rất nhiều công sức của nhân dân để đình – chùa – miếu và khu thờ tổ nghề dệt được đồng bộ về kiến trúc như hiện nay. Đây là những di sản quý báu không chỉ của người dân Vạn Phúc mà còn là di sản quốc gia. Chúng tôi tự hào về những thành quả của mình…”. Theo lãnh đạo địa phương, cụm di tích Vạn Phúc được trùng tu từ năm 2010 nhân dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long, đến nay cơ bản hoàn chỉnh đồng bộ trên cơ sở giữ nguyên được kiến trúc cổ xưa.


                    Sắc phong đầu tiên của bà A Lã Đê Nương.

Theo cụ Đỗ Quang Vĩnh, 76 tuổi, người sinh ra và lớn lên ở làng Vạn Phúc: “Nói đến Vạn Phúc mà không nói đến lịch sử hào hùng của người dân nơi đây trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thì là một thiếu sót lớn. Cụm di tích đình – chùa – miếu Vạn Phúc từng là nơi xuất phát của nhiều phong trào đấu tranh chống quân xâm lược. Khu vực này cũng là nơi người dân Vạn Phúc che giấu cán bộ cách mạng, tập hợp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến… Năm 1946, Bác đã về sống và làm việc 16 ngày đêm tại một ngôi nhà ở làng Vạn Phúc, nay thuộc hệ thống di tích bảo tàng nhà lưu niệm Bác Hồ. Chính tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Di tích này đang được chính quyền và người dân làng Vạn Phúc đề nghị quy hoạch, mở rộng và trùng tu, tôn tạo trong thời gian tới nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng ban tổ chức lễ hội phường Vạn Phúc cho biết: “Với lợi thế nhà lưu niệm Bác Hồ, cụm di tích đình – chùa –miếu và làng nghề dệt lụa cổ, mỗi năm Vạn Phúc đón trên 10.000 lượt khách nước ngoài và 80.000 lượt khách trong nước đến tham quan, dự lễ hội và mua sắm trao đổi sản phẩm làng nghề. Đây là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm của người dân làng Vạn Phúc. Chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ, xây dựng một Vạn Phúc vừa cổ kính, hiện đại, vừa văn minh, thanh lịch trong mắt du khách trong và ngoài nước. Hãy đến với Vạn Phúc để tham quan và cảm nhận…”.  
                                                                                         Theo: PL & XH
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.507.910
Tổng truy cập: