QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Tôn vinh nghệ nhân, chờ đến bao giờ?
(Ngày đăng: 13/03/2013   Lượt xem: 588)
Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) đang hoàn thiện dự thảo thông tư phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú  (NNND, NNƯT) với các tiêu chí để phong tặng, cũng như chế độ chính sách đãi ngộ đối với hai danh hiệu này. Thông tin ấy không làm cho người nghe thấy mừng, vì việc soạn thảo thông tư đã được tiến hành từ chục năm nay nhưng vẫn chưa được ban hành, trong khi các nghệ nhân lần lượt qua đời.



Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc (trái)

Theo tinh thần dự thảo thông tư phong tặng danh hiệu nghệ nhân, người được xét công nhận phải có thời gian thực hành 25 năm trở lên với danh hiệu NNND và 20 năm trở lên với NNƯT, phải có tài năng xuất sắc, có đạo đức tốt, được đồng nghiệp yêu mến, được cộng đồng thừa nhận... Người được phong tặng sẽ được nhận huy hiệu, bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, sẽ có tiền thưởng bằng 12 lần mức lương tối thiểu chung đối với NNND và 8 lần mức lương tối thiểu chung đối với NNƯT. Đối với những nghệ nhân đủ tiêu chuẩn được xét tặng NNND hay NNƯT, nếu qua đời trong thời gian giữa 2 kỳ xét tặng thì được lập hồ sơ đề nghị xét truy tặng.

Nhiều nhà nghiên cứu đặt vấn đề đã là nghệ nhân dân gian, liệu có cần phải đặt ra hai mức danh hiệu nhân dân và ưu tú? Và nếu có NNƯT thì tiêu chuẩn thế nào mới được "nâng hạng” lên hàng NNND, vì đặc thù của nghệ nhân dân gian khác hẳn nghệ sĩ được đào tạo bài bản trường lớp.

GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Có một thực tế là hiện phía nhà quản lý chưa hiểu hết được thân phận của các nghệ nhân. Là người đã 20 năm nay đề xuất với nhà nước quy chế phong danh nghệ nhân nhưng chưa thành, ông Thanh trăn trở: Hiện các nghệ nhân cũng đã ngoài 80 tuổi cả rồi. Các cụ mà chưa kịp truyền dạy thì tất cả các vốn liếng ấy sẽ đi theo các cụ, chúng ta có lỗi với cổ nhân. Tôi cũng từng đề nghị với Ban Thi đua – Khen thưởng Nhà nước, trình Quốc hội thông qua 2 danh hiệu NNND và NNƯT, ngang với danh hiệu cao quý của ngành y tế, giáo dục. Nhưng đến nay việc này chưa thực hiện được, vì Bộ VHTT&DL trong 3 năm nay thống nhất được tiêu chí. Họ đưa ra tiêu chí phải có 3 huy chương vàng mới được phong nghệ nhân, nhưng ca trù diễn xướng chủ yếu ở làng, ở quê thì lấy đâu ra huy chương vàng? Hội Văn nghệ dân gian đang tạm thời "vá chỗ thủng” đó bằng cách phong tặng chức danh nghệ nhân dân gian. Từ năm 2000 đến nay, Hội Văn nghệ dân gian đã phong danh hiệu nói trên cho  300 nghệ nhân cả nước.

Về cơ chế phong danh nghệ nhân, bà Nguyễn Kim Dung - Trưởng Phòng Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản Văn hóa cho biết: Bộ VHTT&DL đã tiến hành soạn thảo một thông tư về việc tôn vinh, phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân nhưng 10 năm qua vẫn chưa thể ban hành. Thời gian 10 năm là tính từ khi Luật Di sản văn hóa (2001) và Luật Thi đua - Khen thưởng (năm 2003) được ban hành. Sự ra đời của những luật này cho thấy một bước chuyển biến quan trọng về nhận thức trong xã hội về di sản văn hóa. Chỉ sau khi Điều 65 Luật Thi đua - Khen thưởng được sửa đổi, làm căn cứ trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, việc xây dựng văn bản dưới luật về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân thuộc các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể mới có cơ sở pháp lý để triển khai. 

Vẫn theo bà Dung, dự thảo nghị định sẽ được hoàn tất để trình Chính phủ ban hành trong năm nay. Ngay trong tháng 3 này, sau khi Ban soạn thảo họp chốt lại, sẽ đăng tải dự thảo trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của công chúng; đồng thời gửi xin ý kiến các bộ, ngành và các nhà khoa học. Sau khi nghị định được Chính phủ ban hành và có hiệu lực, việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT sẽ được tiến hành theo 3 cấp: địa phương, cấp bộ, cấp nhà nước.

Sau sự ra đi của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu vừa qua, GS. Tô Ngọc Thanh đặt câu hỏi: Không biết việc ban hành một chính sách đãi độ cho các nghệ nhân dân gian thì khó ở chỗ nào, vướng ở khâu nào mà khó khăn đến thế? Các nghệ nhân đều ở tuổi gần đất xa trời, trong danh sách 297 nghệ nhân, có gần 70 cụ đã nhắm mắt xuôi tay mà chưa một lần được biết khoản tiền đãi ngộ. Trong khi, các địa phương đua nhau dốc tiền tỷ cho các dự án bảo tồn văn hóa cổ truyền nhằm được UNESCO công nhận. Đáng buồn, những nghệ nhân - chủ nhân đích thực của các di sản quý giá ấy lại bị thờ ơ.

Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.229
Tổng truy cập: