QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
(11)- Đưa di sản Công viên địa chất lên tầm cao mới
(Ngày đăng: 17/03/2024   Lượt xem: 35)

Tích cực triển khai các khuyến nghị của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO, bước vào xuân mới 2024, di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng mở ra cơ hội mới, kết nối sâu rộng hơn với bạn bè quốc tế về du lịch, văn hóa, hợp tác, đối ngoại.

Từ thực hiện khuyến nghị UNESCO nâng tầm di sản…

Năm 2018, tổ chức UNESCO công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu, đến nay, hàng trăm di sản CVĐC được nâng lên tầm cao mới bởi Cao Bằng thực hiện tốt các khuyến nghị của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản CVĐC. 

Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết: Để thực hiện tốt các khuyến nghị của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và nâng cao nhận thức cho người dân và các cấp, ngành cùng tham gia bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC, Ban thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quảng bá CVĐC Non nước Cao Bằng với nhiều hình thức phù hợp. Trong đó, chú trọng giáo dục cộng đồng về di sản địa chất và danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO gắn với phát triển du lịch bền vững cho bà con dân tộc thiểu số và các tầng lớp xã hội khác. Mở lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về CVĐC cho cộng đồng dân cư, các đối tác CVĐC; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên phụ trách Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC”; trưng bày “Góc thông tin về CVĐC Non nước Cao Bằng” tại trường học; hướng dẫn các trường học tổ chức hoạt động quản lý, bảo vệ và tạo cảnh quan các điểm di sản gần khu vực trường học, ra quân nhặt rác, hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”…
Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và lãnh đạo Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng khảo sát làng nghề làm ngói máng thủ công Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa).
Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và lãnh đạo Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng khảo sát làng nghề làm ngói máng thủ công Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa).

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) cho biết: Trước đây tôi chỉ dệt mặt địu trẻ em, chăn đắp. Từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý cho tôi đi tham quan học hỏi các làng nghề dệt thổ cẩm Tây Bắc, Hà Giang, tham gia các sự kiện du lịch nên có điều kiện học hỏi, phát huy nghề dệt thổ cẩm, làm được nhiều mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu khách hàng nên sản phẩm bán khá tốt. Hiện nay, tôi tạo việc làm cho 6 chị em trong xóm. 

Để tăng thêm sức hấp dẫn cho du khách trải nghiệm thắng cảnh đẹp di sản địa chất, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các điểm check in độc đáo, hấp dẫn giới thiệu các điểm di sản san hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình), hóa thạch cúc đá Lũng Luông, Lũng Nặm (Hà Quảng), bazan cầu gối - đèo Mã Phục (Quảng Hòa), Mắt Thần núi (Trùng Khánh). Mở rộng CVĐC tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” Thành phố Cao Bằng - Quảng Hòa - Thạch An. Phối hợp với chuyên gia UNESCO và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang khảo sát lựa chọn các điểm di sản, đối tác để xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm kết nối CVĐC Non nước Cao Bằng với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Đến nay, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có trên 100 đối tác, hộ làm dịch vụ DLCĐ làng nghề rèn, làm hương, làm giấy, homestay tại các điểm di sản CVĐC vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới từ văn hóa bản địa đặc sắc, thúc đẩy phát triển du lịch CVĐC theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa trong vùng CVĐC. Do đó những năm qua, du lịch CVĐC thu hút ngày càng nhiều du khách, góp phần quan trọng đưa du lịch Cao Bằng phục hồi sau đại dịch Covid-19. 

Tại kỳ tái thẩm định CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng lần thứ 8 năm 2013, Chuyên gia cao cấp Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, ông Guy Martini nhận định: Cao Bằng thúc đẩy thực hiện tốt các khuyến nghị Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO là cách nhanh nhất tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt, phát triển du lịch bền vững kết nối với CVĐC các nước trên thế giới, tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng.

… kết nối gần hơn với du lịch công viên địa chất quốc tế 

Từ thực hiện tốt các khuyến nghị của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã mở ra cơ hội mới CVĐC Non nước Cao Bằng kết nối gần hơn với CVĐC các nước thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Thời gian qua, Cao Bằng tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO để thúc đẩy hợp tác về các mặt kinh tế - xã hội giữa Cao Bằng với các địa phương của các quốc gia trên thế giới. Tích cực tham gia các cuộc họp, hội thảo quốc tế của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tổ chức thường niên. Trong đó tham luận các hoạt động giáo dục, bảo vệ di sản CVĐC, phát triển du lịch bền vững, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Điểm “check in” độc đáo, hấp dẫn giới thiệu các điểm di sản địa chất bazan cầu gối - đèo Mã Phục (Quảng Hòa) thu hút du khách đến trải nghiệm.
Điểm “check in” độc đáo, hấp dẫn giới thiệu các điểm di sản địa chất bazan cầu gối - đèo Mã Phục (Quảng Hòa) thu hút du khách đến trải nghiệm.

Song hành với tham gia hoạt động Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Ban Quản lý tăng cường truyền thông nhiều hoạt động CVĐC trên Bản tin CVĐC Non nước Cao Bằng, Website caobanggeopark.com, fanpage CVĐC Non nước Cao Bằng và Instagram caobanggeopark. In tài liệu tờ rơi, bản tin quảng bá 4 tuyến CVĐC Non nước Cao Bằng cho Sở Giáo dục và Đào tạo, các đối tác CVĐC, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm DLCĐ homestay, các trung tâm thông tin CVĐC; phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền quảng bá CVĐC nhân dịp các sự kiện Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng tại Hà Nội”, “Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội”, các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế… Qua đó, các nước thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tiếp cận, biết đến nhiều di sản nổi tiếng của CVĐC Non nước Cao Bằng và mong muốn tăng cường kết nối, hợp tác phát triển du lịch CVĐC. Trong đợt tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương tại tỉnh Satun, Thái Lan năm 2023, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tiến hành Hội thảo với CVĐC toàn cầu UNESCO Khorat, Thái Lan trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa 2 CVĐC. Hai bên thống nhất sẽ nghiên cứu, trao đổi, đề xuất các nội dung cùng quan tâm và có tiềm năng để ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới.

Đặc biệt, với uy tín đợt tái thẩm định lần 2, CVĐC Non nước Cao Bằng được các chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đánh giá cao về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản CVĐC Non nước Cao Bằng, đồng tình ủng hộ, bình chọn Cao Bằng bảo vệ thành công hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng. 

Lan tỏa sự kiện Cao Bằng tổ chức Hội nghị quốc tế về Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, anh Quang Minh, du khách tỉnh Bình Phước đến trải nghiệm du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng phấn khởi chia sẻ: Đến điểm nào của CVĐC Non nước Cao Bằng tôi cũng bị choáng ngợp bởi “Cao Bằng - vẻ đẹp xứ sở thần tiên” nên tôi quay clip cảnh đẹp Mắt Thần núi (Trùng Khánh), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) làm Tiktok trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt người… Cao Bằng giữ được vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ, di sản CVĐC sẽ ngày càng nhiều du khách đến trải nghiệm.
Bước sang thềm xuân mới 2024, giá trị di sản CVĐC Non nước Cao Bằng có thêm cơ hội mới kết nối với cộng đồng quốc tế khi sự kiện Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Cao Bằng đang đến rất gần.        

                                 Theo: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.474.370
Tổng truy cập: