QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Du lịch Nam Bộ: Nhiều dấu ấn trong năm 2023 và động lực cho năm mới
(Ngày đăng: 02/01/2024   Lượt xem: 99)

Năm 2023, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ (gồm Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh) đón hơn 65,3 triệu lượt du khách, tăng trên 18% so với năm 2022.


Khách du lịch đón bình minh trên hồ Trị An, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Với lượng khách và doanh thu tăng rõ rệt, năm 2023 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch ở nhiều địa phương thuộc Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long - các vùng du lịch trọng điểm cả nước.

Từ kết quả đạt được, ngành du lịch các địa phương đề ra giải pháp cho năm mới 2024, tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến với những sản phẩm hấp dẫn, dịch vụ chuyên nghiệp.

Nhiều dấu ấn

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương chủ trì sơ kết năm 2023 việc thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, năm 2023, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ (gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh) đón hơn 65,3 triệu lượt du khách, tăng trên 18% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của toàn vùng đạt 180.566 tỷ đồng, tăng trên 22%.

Du khách xuống tàu để tham quan Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Năm 2023, các địa phương vùng Đông Nam Bộ liên tục có các hoạt động du lịch ấn tượng với các sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch, khẳng định hình ảnh du lịch địa phương, toàn vùng và quốc gia.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện nhiều chuỗi sản phẩm du lịch mới theo hướng đặc trưng, khác biệt. Đồng thời, thành phố tổ chức nhiều hoạt động quy mô như Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Ẩm thực, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Lễ hội Sông nước..., mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị về đô thị du lịch sống động.

Các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu với thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển, trải nghiệm văn hóa, làng nghề hay du lịch Tây Ninh với thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, nơi có núi Bà Đen được mệnh danh là "nóc nhà Nam Bộ," đều có sự tăng trưởng rõ nét cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch-dịch vụ trong năm 2023.

Tương tự, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận lượng du khách và doanh thu từ du lịch, dịch vụ tăng rõ rệt. Thành phố Cần Thơ - trung tâm vùng thu hút gần 5,9 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch là 5.420 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2022.

Tỉnh An Giang, vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long với các điểm đến, sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, trải nghiệm sinh thái, đón 8,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch; tăng trên 10,6%.

Kiên Giang với nhiều điểm đến nổi bật như Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá... thu hút hơn 8,5 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 17.479 tỷ đồng, tăng hơn 65%.

Tỉnh Bạc Liêu đón gần 4,3 triệu lượt du khách với doanh thu từ dịch vụ du lịch là 3.750 tỷ đồng, tăng 6,8%.

Nỗ lực đạt mục tiêu mới

Trong Năm mới 2024, phát huy những kết quả đạt được, ngành du lịch các địa phương Nam Bộ xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục chú trọng thực hiện các hoạt động liên kết, phát triển sản phẩm du lịch với các địa phương cùng trong vùng Đông Nam Bộ, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, Thủ đô Hà Nội, Đông Bắc, Tây Bắc đất nước.

Thành phố cũng tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch y tế, du lịch đường thủy, du lịch golf, du lịch cộng đồng; mở rộng quy mô các sự kiện du lịch, các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch trong phạm vi cả nước và quốc tế tại các thị trường tiềm năng và trọng điểm, gia tăng giá trị cho điểm đến thành phố.

Cùng ở Đông Nam Bộ, năm 2024, một trong những nội dung được Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh nhằm thúc đẩy du lịch phát triển là thực hiện Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm theo hướng đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, góp phần khẳng định thương hiệu, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2024, tỉnh phấn đấu tại các huyện Xuyên Mộc, Côn Đảo, các thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa hình thành tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm gắn với các sản phẩm, dịch vụ, điều kiện đặc trưng của các địa phương.

Đến năm 2030, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; đồng thời, hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại huyện Xuyên Mộc, thành phố Vũng Tàu, hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của tỉnh, góp phần phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững.

Thắng cảnh núi Tô Châu bên đầm Đông Hồ của thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái, tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 đón 9.200.000 lượt du khách đến tham quan, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 20.000 tỷ đồng. Kiên Giang sẽ tập trung phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng sinh thái và khu vui chơi giải trí, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Tỉnh tiếp tục triển khai các đề án phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, tăng cường khai thác các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm nghề truyền thống gắn với phát triển và phục vụ du lịch, nhằm đa dạng hóa, tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch ở Kiên Giang.

Với tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu đón khoảng 4,9 triệu lượt du khách. Bạc Liêu sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng tại một số khu, điểm du lịch; thu hút đầu tư vào các dự án du lịch như điểm du lịch-dịch vụ Tắc Sậy, điểm du lịch vườn chim Lập Điền và một số khu, điểm, dịch vụ du lịch khác.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương chia sẻ để tăng nét đặc sắc cho sản phẩm du lịch, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả công tác bảo tồn vườn nhãn cổ ở thành phố Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch thông qua xây dựng mô hình hợp tác xã, liên kết các hộ dân trong khu vực vườn nhãn phát triển kinh tế, cung cấp các dịch vụ sản phẩm phục vụ du khách; hướng dẫn, phát động người dân phát triển mạnh các dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm phù hợp.

Tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ các làng nghề như: làng chài, lưới, đánh bắt cá, làm khô, trồng rau sạch trên vùng nước mặn, sản xuất muối, trồng cây ăn trái… góp phần phát huy lợi thế các sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động làng nghề, sản xuất nông nghiệp, tạo nên sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách./.

                                             Theo:  vietnamplus.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.475.012
Tổng truy cập: