QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Về làng cổ Đường Lâm...
(Ngày đăng: 19/02/2013   Lượt xem: 1629)

Cơn mưa xuân “trái mùa” kèm sương mù giữa đông khiến con đường vào làng cổ Đường Lâm trở lên quạnh quẽ, rét mướt. Đúng như tên gọi “làng Việt cổ duy nhất còn lại”, Đường Lâm hiện dần lên với hình ảnh cây đa, cổng làng, sân đình, giếng nước, ao sen, đặc biệt là những ngôi nhà cổ… tất cả đã cuốn hút du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cổng làng Mông Phụ, tọa lạc dưới bóng một cây đa khổng lồ đã 300 tuổi - một biểu trưng truyền thống đặc sắc của ngôi làng Việt cổ truyền, là cổng làng duy nhất còn lại ở Đường Lâm. Cổng được thiết kế theo kiểu “Thượng gia hạ môn” - trên là nhà, dưới là cổng. Theo người dân ở đây, cổng được xây dựng năm 1833 và nguyên liệu chính để xây cổng là gỗ, đá ong, và ngói ri. Dù đã trải qua nhiều biến cố, dù từng thành tố đơn để có thể bị thay đổi, nhưng cổng làng Mông Phụ vẫn bề thế, vững chắc.

Duong-lam-1.jpg

Cổng làng

Đi sâu vào trong làng, theo hương lộ là tới trung tâm của làng. Một khung cảnh làng quê, với ngõ xóm, đường làng, giếng nước, sân đình, ao sen và những ngôi nhà cổ xưa - một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông và dấu ấn của một nền văn minh lúa nước hiện ra, khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng. Quả thực không sai, khi người xưa có câu sấm truyền “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Đình ở xứ Đoài rất nổi tiếng, ngoài Mông Phụ còn có Tây Đằng, Chu Quyến, Thuỵ Phiêu (Ba Vì), Tường Phiêu (Phúc Thọ).

Đình làng Mông Phụ tọa lạc trên vị trí cao, giữa trung tâm của làng. Đình thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, một vị thần được xếp vào hàng đệ nhất phúc đẳng thần trong tứ bất tử của người Việt. Đình có lối kiến trúc độc đáo, rất đặc trưng của các ngôi đình cổ còn tồn tại ở Việt Nam như các bức chạm nghệ thuật, hướng đình, sập gỗ lim, hai giếng nước.Đáng quan tâm nhất là kiến trúc của tòa Đại Đình được dựng theo kiểu “ba gian hai chái”, sáu hàng chân cột đặt trên một nền đất thấp, xung quanh chỉ có lan can gỗ kiểu chấn song nên rất thông thoáng. Mái đình to, bè, hơi võng nhẹ, bờ nóc hơi cong; trên các góc mái được trang trí bởi các con vật thuộc hàng “tứ linh” như rồng, lân, phượng và hổ, với những vân xoắn lớn. Những họa tiết trang trí khiến cho mái đình, thân đình và dưới đất hợp thành một quần thể. Và điều đặc biệt là sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh như một dụng ý để khi mưa xuống nước từ ba phía ào ạt đổ vào, như ẩn ý một mong ước "nước chảy chỗ trũng", đời sống ấm no sung túc.

Duong-lam-2.jpg

 Đình làng

Trước đình làng là 6 con đường toả đi 6 hướng để đến 9 làng khác nhau. Đường Lâm được hình thành bởi 9 làng, trong đó 5 làng là: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, còn hai làng tách biệt là Phụ Khang và Văn Miếu. Các làng này gắn kết với nhau với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Sự kỳ diệu về địa thế và kiến trúc đó khiến cho người làng có thể từ đình đi đến bất cứ xóm nào trong làng mà không ai trực tiếp quay lưng lại với hướng đình. Tất cả cho thấy sự tinh tế, khéo léo, công phu của các cụ xưa khi chọn địa thế để xây dựng đình.

Dạo quanh trên từng con ngõ nhỏ của làng Mông Phụ,chúng tôi nghe anh Nguyễn Văn Hùng - chủ nhân của ngôi nhà cổ nhất (xây dựng năm 1649) ở xóm Sui (Mông Phụ) kể lại, trần nhà thường được các cụ gác cái thước “lỗ ban”, trên thường khắc niên đại năm làm nhà; các bức thùng, vòm cửa là nơi được khắc nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ. Gian giữa, chiếm nhiều diện tích, là nơi bố trí ban thờ tổ tiên. Gắn liền với đó là các bộ hoành phi, câu đối, tranh ảnh cổ, các bộ đồ thờ, những kỷ vật của các bậc tiền nhân, phía dưới đặt bộ phản để ngồi. Ngoài ra, còn có thêm bộ trường kỷ. Trên bàn hầu như nhà nào cũng có chiếc ấm tích ủ nước chè xanh mời khách hoặc đôi khi là chiếc điếu bát để hút thuốc lào.

Duong-lam-3.jpg

Nhà cổ

Các chi tiết làm nên" linh hồn" của nhà cổ gồm có tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và gian thờ tổ tiên” - anh Hùng cho hay. Các ngôi nhà trong làng đều có kiểu nội tự - ngoại khách, sân nhà thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân (tụ thủy sinh tài) rồi mới chảy thoát ra đường cống. Người làng Mông Phụ kể rằng: "Từ thời cụ tổ đã có đá ong, loại đá này phải đào từ dưới lòng đất lên, rồi cắt ra thành từng viên, mỗi viên thường to khoảng 15-40 cm". Năm tháng càng khiến cho đá săn chắc, cứng cáp cũng như giúp con người Đường Lâm càng thêm tin yêu vào nơi mình đang trải qua cuộc sống bình dị.

Sau khi được thăm thú ngôi nhà cổ nhất, được thưởng thức món Chè Lam đặc sản, chúng tôi tiếp tục khám phá vùng đất linh thiêng này.

Nói đến văn hóa tín ngưỡng xứ Đoài, không thể không nhắc đến chùa Mía - Đây là ngôi chùa cổ rất thuần Việtnổi tiếng từ bao đời nay với kiến trúc “nội công ngoại quốc”, với những pho tượng quý còn giữ được từ bao trăm năm nay. Hiện trong chùa còn bảo lưu một hệ thống tượng Phật rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá, bao gồm 287 pho và nhiều di vật quý, trong đó đáng chú ý là 8 pho tượng kim cương đứng theo các thế võ và tứ diện Bồ Tát ngồi kiết già tay cầm bông sen, tay bắt quyết được chạm sinh động. Các pho tượng khác được mô phỏng theo tích nhà Phật trong hang động cũng tinh xảo, sống động.

Duong-lam-4.jpg

Chùa Mía

Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đường Lâm đã tập trung vào các lĩnh vực: Bảo tồn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn không gian làng cổ; bảo tồn không gian nhà cổ; bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn bó mật thiết với di sản văn hóa vật thể đặc biệt là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng; bảo tồn văn hóa ẩm thực và phong tục tập quán... Tuy nhiên, theo tục lệ xưa của làng, con gái đi lấy chồng xa phải nộp 1.000 gạch để xây đường làng và những con đường ấy đã góp phần tạo nên hồn cốt của làng. Nhưng qua thời gian, lệ xưa không còn, con đường chính của làng dần xuống cấp, đang bị thay thế bởi lớp bê tông không phù hợp.

Người dân Đường Lâm rất ý thức về giá trị văn hóa của làng mình để gìn giữ. Họ biết rõ vẻ đẹp trầm mặc cổ kính của những ngôi nhà cổ đang thu hút khách thập phương tìm về để nôn nao cùng... quá khứ!

Nguồn:VEN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.507.286
Tổng truy cập: