QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
(88)- Tham luận của ông Vũ Quốc Tuấn CGCC Chủ tịch HĐ tư vấn -(Bài 02)- VỀ TẠO MẪU SẢN PHẨM THỦ CÔNG MỸ NGHỆ LÀNG NGHỀ
(Ngày đăng: 01/08/2023   Lượt xem: 126)
Langnghevietnam.vn - Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các làng nghề Việt Nam, có giá trị to lớn cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tạo mẫu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đang là một yêu cầu hàng đầu dể nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của mỗi làng nghề nước ta.


   CGCC. Vũ Quốc Tuấn,Chủ tịch Hội đồng Tư vấn   (Ảnh chụp từ internet)
Tạo mẫu cho sản phẩm làng nghề
Trong điều kiện phát triển và hội nhập của nền kinh tế nước ta ngày nay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề cũng như các loại hàng hóa khác của nước ta đang đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt - cạnh tranh ngay trên thị trường nước ta và nhất là trên thị trường các nước khác trong WTO. Trong cuộc cạnh tranh này, sản phẩm nước ta buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh về nhiều mặt, bên cạnh những yêu cầu về giá cả, mẫu mã, đã có thêm những yêu cầu rất khắt khe về môi trường, về an toàn lao động trong doanh nghiệp sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng. Tuy vậy, cần khẳng định rằng mẫu mã vẫn là một yếu tố rất quan trọng trong những yếu tố cấu thành sức cạnh tranh của sản phẩm: về văn hóa, đó là sự thể hiện yếu tố văn hóa trong sản phẩm; và về kinh tế, đó là sự đóng góp vầo giá trị gia tăng của sản phẩm. 
1. Công tác tạo mẫu cho sản phẩm làng nghề đang đứng trước những triển vọng mới rất to lớn. Đó là vì:
Một là, qua những năm đổi mới, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã thể hiện rõ rệt vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước ta ngày nay. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân trong nuớc, vừa là loại hàng hóa có giá trị, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Từ nhiều năm nay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã là một loại hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá nhanh: năm 2001 mới là 236,8 triệu USD; năm 2006 đã đạt 630 triệu USD; riêng sản phẩm gỗ năm 2001 mới là 1 tỷ USD, năm 2006 đã đạt gần 2 tỷ USD. Thực hiện chủ trương “Phát triển bền vững các làng nghề” mà Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, các làng nghề nước ta đang trên đà phát triển, tuy còn gặp không ít khó khăn, nhưng triển vọng là rất to lớn; do đó, công tác tạo mẫu và vai trò của các nhà design càng quan trọng.
Hai là, sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang trong mình những yếu tố kinh tế và văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhưng nổi bật nhất là các yếu tố văn hóa, vì đó là những sản phẩm được làm ra bằng tài năng sáng tạo của các nghệ nhân với nhiều loại sản phẩm tinh xảo, độc đáo, đậm nét bản sắc dân tộc và trong khá nhiều trường hợp, mang phong cách chế tác của từng nghệ nhân, đôi khi còn mang nét đặc trưng của từng làng nghề. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đã góp phần làm phong phú kho tàng tinh hoa văn hóa thế giới, vì nói đến cùng, hội nhập kinh tế thực chất cũng là hội nhập văn hóa, là những giá trị văn hóa trong từng sản phẩm, nhất là sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trong phương thức kinh doanh. Chính yếu tố văn hóa trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đang mở ra những triển vọng mới cho các nhà thiết kế trong hoạt động sáng tạo của mình.
2. Chính vì thế, công tác tạo mẫu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đang đứng trước những yêu cầu mới.
Theo nhà nghiên cứu chuyên ngành M.Kelm, “tạo dáng công nghiệp” - cũng còn gọi là tạo mẫu được định nghĩa: “Tạo dáng... nằm trong quá trình chuẩn bị và phát triển của sản phẩm và hệ thống sản phẩm mà trong đó yếu tố thẩm mỹ là một thành phần thống nhất gắn bó hữu cơ với các thành phần khác như khoa học, công nghệ, thiết kế... nhằm tối ưu hóa về giá trị sử dụng, nhằm thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa - thẩm mỹ của chế độ xã hội thích hợp với những điều kiện của nền công nghiệp phát triển”[1].
Trong điều kiện mới của đất nước tiếp tục đổi mới và hội nhập, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề cũng phải đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng; cũng tức là các mẫu mã phải được liên tục đổi mới, cải tiến.
Một là, mẫu mã phải tiếp tục phát huy văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu văn hóa thế giới trong từng loại sản phẩm, từng sản phẩm, đó là “kết hợp truyền thống với hiện đại”, hoặc cũng gọi là “hiện đại hóa truyền thống”. Chúng ta có những mẫu mã truyền thống của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hàng trăm năm nay; nhưng trước yêu cầu mới, những mẫu mã truyền thống ấy có cần “hiện đại hóa” hoặc “làm mới” hay không; đồng thời, cùng với những mẫu mã truyền thống, cẩn sáng tạo thêm những mẫu mã mới nào khác. Đây là một vấn đề rất quan trọng, cần được làm rõ cả về lý luận và thực tiến.
Hai là, mẫu mã phải đáp ứng thật tốt yêu cầu của thị trường, kể cả thị trường trong nước và thị trường thế giới, hơn nữa, lại phải tìm cách đi vào từng thị trường cụ thể trên thế giới. Chúng ta không thể “bán cái ta có” như trước đây, mà phải “bán cái mà thị trường cần”. Trong thị trường toàn cầu hóa ngày nay, không thể không đặt mặt hàng thủ công mỹ nghệ nước ta trong thế cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại trên thế giới; cạnh tranh về mẫu mã và cả về giá cả và chất lượng (nguyên vật liệu thân thiện với môi trường). Điều cần quan tâm là có những nước cạnh ta cũng đang có những sản phẩm cùng dạng như sản phẩm của ta, hơn nữa, họ đã và đang có những cải tiến mẫu mã nhanh hơn ta; do vậy, cuộc cạnh tranh là hết sức gay gắt, không thể xem nhẹ. Nếu không, việc thua ngay trên sân nhà là điều chắc chắn.
Một số giải pháp chủ yếu
Trước tình hình đó, xin kiến nghị một số giải pháp chủ yếu như sau.
Một là, tổ chức nghiên cứu sâu sắc hơn nữa những vấn đề về lý luận và phương pháp luận cũng như về vai trò, vị trí của  mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay. Có một số vấn đề cần suy nghĩ: (i) Khi nước ta đang trong quá trình đổi mới và phát triển và nay đã là thành viên của WTO, hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn, thì công tác tạo mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta đang ở đâu, có vị trí và vai trò như thế nào, có thể đóng góp gì cho công cuộc phát triển đất nước; (ii) chúng ta đang đứng trước tình hình như thế nào; công tác tạo mẫu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ có những những thuận lợi gì mới đồng thời có những khó khăn gì mới và phương hướng phát triển là gì; (iii) riêng đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, quan niệm như thế nào là “hiện đại hóa truyền thống” và “truyền thống hóa hiện đại”? Phải chăng truyền thống và hiện đại luôn luôn gắn bó với nhau; công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không tách rời với truyền thống, và chính truyền thống lại là nền tảng cho chúng ta tiếp thu cái hiện đại, làm phong phú thêm truyền thống, v.v... 
Hai là, công tác tạo mẫu, tạo dáng là một loại hoạt động gắn bó chặt chẽ kinh tế với kỹ thuật, kỹ thuật với mỹ thuật; cũng tức là kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố kinh tế - kỹ thuật; văn hóa - thẩm mỹ với yếu tố khoa học - công nghệ, v.v... Hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống là một sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, nhưng không giống như một hàng tiêu dùng thông thường, mà mang trong nó những giá trị chân, thiện, mỹ của một nền văn hóa dân tộc, truyền cho người dùng những xúc cảm mới, sự khoái cảm thẩm mỹ mới, nhất là qua đó, chúng ta thêm tự hào về truyền thống văn hóa nước nhà, bàn tay khéo léo của nghệ nhân; đó chính là “giá trị biểu trưng” của sản phẩm. Giá trị ấy mang bản sắc văn hóa, chuyển biến theo từng thời kỳ của sự phát triển đất nước, trường tồn cùng đất nước. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các họa sỹ, các nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, các nghệ nhân, thợ cả, nhà khoa học-công nghệ, các doanh nhân, và tập thể người lao động, v.v... trong quá trình sáng tạo là hết sức quan trọng, bảo đảm cho giá trị vĩnh hằng của những sản phẩm như thế. Việc sáng tạo mẫu mã mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất có ý nghĩa, khắc phục tình trạng lâu nay thường chỉ nhái mẫu cổ hoặc làm theo mẫu có sẵn của khách đặt hàng. Cần quan tâm hơn nữa đối với bao bì sản phẩm thủ công mỹ nghệ là lĩnh vực lâu nay thường coi nhẹ, song trong thực tế, bao bì không chí là vật dụng để chứa đựng sản phẩm, tránh cho sản phẩm bị hư hỏng, va đập, mà còn tôn  thêm vẻ đẹp của sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Ba là, trước yêu cầu của tình hình mới, nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm công tác tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tức là các hội, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ. Trong kinh tế thị trường, các hội, hiệp hội doanh nghiệp là tổ chức tự nguyện, tự quản lý, tự trang trải của các doanh nghiệp nhằm thực hiện các chức năng: (i) hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh (về các mặt thông tin, tư vấn, và đào tạo); bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và (iii) làm cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước, tham gia ý kiến hoạch định cơ chế, chính sách liên quan đến ngành nghề mà hội, hiệp hội là đại diện. Sự hợp tác liên kết giữa các nhà tạo mẫu với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp này trong các lĩnh vực, nhất là đào tạo, tư vấn, biểu dương, tổ chức các hội thi, khen thưởng, v.v... là rất quan trọng để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các nhà tạo mẫu cũng như các hội, hiệp hội trong việc bảo tồn mẫu mã hiện có và sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới. (Xin nói thêm: Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã thành lập Trung tâm Tạo mẫu hỗ trợ làng nghề Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với các nhà tạo mẫu để trợ giúp các làng nghề nước ta). Phải chăng cũng đã đến lúc cần phát triển nhiều hơn nữa các hội nghề nghiệp của các nhà tạo mẫu, thiết kế sản phẩm công nghiệp nói chung và hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng ?
Bốn là, cần quan tâm hơn nữa đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo những nhà thiết kế, tạo mẫu. Không chỉ quan tâm đào tạo họa sĩ tạo hình và thợ kỹ thuật bậc thấp mà cần quan tâm việc đào tạo thật sự bài bản, ở trình độ cao về tạo mẫu hàng thủ công mỹ nghệ. Khuyến khích các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh nghiên cứu, giảng dạy về tạo mẫu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ; khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng quảng bá rộng rãi những thành tựu mới, sáng tạo mới về mẫu mã, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực này. Cần quan tâm các nghệ nhân, thợ cả, những người thường chế tác, sản xuất theo kiểu riêng và theo cách truyền nghề, nay cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận các thông tin mới về thị trường, mẫu mã mới trên thế giới, giúp cho họ những điều kiện để phát triển tài năng, đồng thời giúp cho những nghệ nhân cao tuổi thêm điều kiện sáng tác và khắc phục những khó khăn trong đời sống.
Năm là, những vấn đề về thể chế, chính sách quản lý, đó là những vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết mà các cơ quan nhà nước cần quan tâm thực hiện nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ nước ta phát triển bền vững, góp phần vào việc phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, công tác nghiên cứu, tạo mẫu cho sản phẩn thủ công mỹ nghệ làng nghề đang cần những thể chế, chính sách để phát triển mạnh hơn nữa. Đó là những trợ giúp về vật chất, trang thiết bị, về địa điểm cho các trung tâm, các cơ sở dạy nghề, truyền nghề cũng với các chính sách khuyến khích phát triển các công tác liên quan đến tạo mẫu và ứng dụng trong thực tiễn ở các cơ sở kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề; những chính sách về khen thưởng, tôn vinh ý tưởng sáng tạo, về bản quyền tác giả, v.v... Những công việc trên đây, có phần do cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện, song cũng có nhiều công việc mà cơ quan nhà nước có thể ủy nhiệm cho các tổ chức hội, hiệp hội ngành nghề thực hiện. Thực tế cho thấy, có nhiều việc do các hội, hiệp hội thực hiện thường đạt hiệu quả cao hơn nhà nước thực hiện, do thu hút được sự tham gia của đông đảo những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, do đó có sự giám sát chặt chẽ, tránh được tham nhũng, lãng phí, thất thoát.
                                                                        CGCC. Vũ Quốc Tuấn,
                                                                       Chủ tịch Hội đồng Tư vấn
                                                                    Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
 
                                     Bài và hình : Ban TT- QHQT 
Xem thêm: 

>> (88)- Hội thảo nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm Thủ công mỹ nghệ tại Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
>
(Bài 01)- Tham luận của ông Lưu Duy Dần -Tại hội thảo nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm Thủ công mỹ nghệ tại Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.492.081
Tổng truy cập: