QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
(29-33)- Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất 'địa linh nhân kiệt', kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam
(Ngày đăng: 24/07/2023   Lượt xem: 65)

'Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh, trời đất Hà Tây tay em dệt lụa…'. Những lời ca ngọt ngào ấy khiến ai nghe cũng cảm thấy bồi hồi, xao xuyến nhớ về Hà Tây quê lụa - mảnh đất xứ Đoài một thời là cửa ngõ Thủ đô. Sau 15 năm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, những tinh hóa văn hóa xứ Đoài vẫn được giữ gìn, ngày càng phát triển, có sự giao thoa, hòa quyện với văn hóa Thăng Long - Tràng An để tạo nên sự phong phú, đặc trưng cho văn hóa Thủ đô.

Có một Hà Nội giàu bản sắc được kết tinh bởi văn hóa Tràng An - xứ Đoài

Một sự kiện văn hóa tại Đường Lâm. Ảnh: Khánh Huy

Dày đặc những di sản văn hóa

Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng xứ Đoài là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng biệt, không thấy ở bất cứ nơi đâu. Đây chính là một kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Phượng Anh (Học viện An Ninh), xứ Đoài nằm ở phía Tây của Hà Nội, sớm được coi là nơi “địa linh nhân kiệt”, đất “bản bộ” của người Việt. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, vùng đất này đã được chọn để trở thành một trong bốn phiên trấn bảo vệ Kinh đô. Từ đó, mọi mặt về chính trị, kinh tế và văn hóa đều có quan hệ mật thiết với Thăng Long - Hà Nội.

“Từng tấc đất mảnh làng nơi đây đều dày đặc những di sản văn hóa. Xứ Đoài vừa tương đồng vừa khác biệt với Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông và Thăng Long Kẻ Chợ - những tiểu vùng văn hóa cùng thuộc châu thổ Bắc Bộ, cùng được phù sa của sông Hồng ngàn đời bồi đắp. Trong đó, Sơn Tây được coi là trung tâm tiếp nhận và lan tỏa văn hóa xứ Đoài”, TS Nguyễn Phượng Anh cho biết.

Hiện nay, Xứ Đoài còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa về vật chất và tinh thần. Nói đến văn hóa xứ Đoài là nói đến các lễ hội, phong tục tập quán cổ, như: Hội chùa Hương, hội chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Bối Khê, chùa Đậu, đền Hát Môn, đình Tây Đằng, hội làng nón Chuông, lễ hội chùa Trăm Gian, lễ hội đền Và,…

Xứ Đoài còn có núi Tản, sông Đà với thần Tản Viên - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của người dân Việt, gắn liền với huyền tích Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra người Việt.

Xứ Đoài cũng là mảnh đất thiêng trăm nghề với những địa danh nổi tiếng như: lụa Vạn Phúc, the lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, nề mộc làng Chàng…

Ngoài ra, xứ Đoài còn là quê hương của nhiều làn điệu dân ca độc đáo như hát dô ở Quốc Oai, trống quân ở Thường Tín, hát Chèo Tàu ở Đan Phượng, phường rối Tế Tiêu, rối nước Chàng Sơn, rối nước Bình Phú,…

Không chỉ có Đường Lâm - một trong những làng cổ được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, xứ Đoài còn có hai làng cổ đậm chất xứ Đoài là làng Cựu (huyện Phú Xuyên) và làng Cự Đà (huyện Thanh Oai) tạo ra bộ 3 làng cổ đậm dấu ấn văn hóa của người Việt xưa.

Bên cạnh đó, xứ Đoài còn là quê hương của nhiều vị anh hùng Việt Nam tài năng nức tiếng như Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Văn Minh, Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Chú, hay những tên tuổi văn chương nổi tiếng như Tản Đà, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài,…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thị xã Sơn Tây đã triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để phát huy tiềm năng lợi thế văn hóa, lịch sử, quyết tâm xây dựng Sơn Tây thành một trung tâm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Hà Nội.

Đặc biệt, xứ Đoài có thành cổ Sơn Tây - tòa thành đá ong duy nhất của Việt Nam. Không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây vào cuối tuần là hoạt động mới. Các tuyến phố đi bộ quanh thành cổ có tổng chiều dài gần 1.000 mét, bên cạnh những gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực xứ Đoài còn có nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật, đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi,...

 

Nhiều khách du lịch đến với xứ Đoài để tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng nơi đây. Ảnh: Khánh Huy

Quy hoạch xứ Đoài thành một vùng “không gian xanh”

Sau Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, về mặt hành chính, phần lớn đất Xứ Đoài đã thuộc về Hà Nội. Ngày 26/7/2011, Hà Nội công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Căn cứ theo quy hoạch này, Xứ Đoài sẽ gồm một đô thị vệ tinh Sơn Tây và những cụm du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng tại Ba Vì - Suối Hai; du lịch văn hóa tâm linh tại không gian văn hóa chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian…; khu du lịch thể thao Đồng Mô - Ngải Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Hai, vườn Quốc gia Ba Vì…

Các giá trị di sản văn hóa xứ Đoài từng bước được khai thác phát triển du lịch. TS Nguyễn Phượng Anh cho rằng chiến lược quy hoạch xứ Đoài thành một vùng “không gian xanh” là để cân bằng với những áp lực mà cư dân đô thị đang phải chịu. Đối lập với một Hà Nội ồn ào, hối hả là một xứ Đoài non nước hữu tình, thanh bình, yên tĩnh, phù hợp với nghỉ dưỡng và thư giãn.

Kết quả là hàng loạt khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng bắt đầu được xây dựng trong 10 năm trở lại đây biến xứ Đoài thành một “điểm đến” (Travel venue). Cảnh quan đã trở thành một loại hàng hóa mới trong hoạt động thương mại, trong ngành công nghiệp văn hóa ở xứ Đoài. Đô thị hóa và du lịch hóa với tốc độ cao đã và đang từng bước làm thay đổi diện mạo cảnh quan làng xã xứ Đoài truyền thống.

TS Lê Sỹ Doanh, Viện trưởng Viện sinh thái rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội nêu quan điểm, xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại không chỉ là xây dựng hạ tầng mà còn bắt đầu từ việc trồng cây xanh, tạo mảng xanh đô thị, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các khoảng xanh đô thị.

Mặt khác, do quá trình đô thị hóa dần phát triển, tính chất xã hội hóa cao hơn, nhu cầu sinh hoạt công cộng phát triển, vì vậy, cây xanh đô thị được xem như là lá phổi xanh và là bộ phận hữu cơ trong cấu trúc đô thị. Điều này càng quan trọng với thị xã Sơn Tây khi đây là Thị xã duy nhất của thủ đô Hà Nội, là một đô thị cổ của vùng đất xứ Đoài ngàn năm văn hiến, có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây gắn liền với địa danh Thành cổ Sơn Tây – di tích đã được Nhà nước công nhận.

(Còn nữa...)

                                 Theo: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.476.156
Tổng truy cập: