QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Phù sa hát
(Ngày đăng: 30/01/2013   Lượt xem: 807)

Đầm Thị Tường là một trong những đầm nước tự nhiên lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm cách TP Cà Mau khoảng 40 km, cách Quốc lộ 1 khoảng 7 km.

muu sinh
Mưu sinh trên đầm Thị Tường. . Ảnh: Ảnh: Hoàng Thêm

Đầm có diện tích mặt nước hơn 700 ha, dài hơn 10 km, rộng 2 km với: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Đầm trên và đầm dưới nước tương đối cạn, đầm giữa có chỗ sâu đến 10 m.

Về đầm Thị Tường theo hướng Quốc lộ 1, chúng tôi men theo cung đường nhựa, xe chạy êm rì rì đến xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân. Tới Phú Mỹ mà không ghé vào Khu căn cứ Xẻo Đước tham quan thì cũng rất tiếc.

Tại nơi đây, trong những năm đầu chống thực dân Pháp, các đồng chí ở Khu uỷ và Trung ương Cục miền Nam đã ẩn náu, dựa vào dân xây dựng phong trào cách mạng. Khu căn cứ Xẻo Đước được xây dựng bề thế, hướng ra đầm Thị Tường để lấy gió, lấy nắng.

Được anh Hữu, người trông nom Khu di tích căn cứ Xẻo Đước giới thiệu, đoàn chúng tôi ghé nhà bác Bảy Thân (Huỳnh Văn Thân). Chúng tôi có một cảm giác vừa gần gũi, vừa thân thiện như bà con thân thích trong nhà.

Được chủ nhà tiếp đãi hiếu khách, buổi cơm trưa với thức ăn toàn là đặc sản địa phương. Chúng tôi không ngớt lời khen ngợi: Nào là cá to quá, ghẹ rang me ngon quá…

Bác Bảy không ngớt lời: “Mấy món này mới bắt ở ngoài đầm, tươi roi rói, ở “ngoải” (TP Cà Mau) làm sao tươi như ở đầm. Chút nữa chú sẽ kêu mấy đứa chở mấy cháu ra đầm bắt cá, sò nướng ăn tiếp chập hai”.

Xuất phát lúc 2 giờ chiều, chiếc vỏ composite đưa chúng tôi ngang qua con kinh nhỏ trước Khu căn cứ Xẻo Đước, chui qua đám lá non rồi tiến thẳng ra đầm. Chú Sáu Chờ, bạn hữu của bác Bảy, vừa lái vỏ vừa nói: “Đi ra đây mà không sóng nước thì đâu đã đi đầm”.

Chiếc vỏ dần tiến xa bờ, những con sóng cứ chợp lấy chiếc vỏ tạo cho chúng tôi một cảm giác khó tả: đi giữa đầm Thị Tường cứ như đi trên mặt biển. Trước mặt tôi, đầm Thị Tường như thể một quả bóng phình to.

Những cây trụ chà cắm giăng giăng trên đầm. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ hiện ra dưới cái nắng chang chang, cuộc sống gắn bó giữa con người với thiên nhiên là đây, nó vừa dân dã, mộc mạc như người Cà Mau.

Sau hơn mười lăm phút chúng tôi tới một căn chòi, mà có thể gọi là căn nhà thì đúng hơn. Ngôi nhà đủ tiện nghi, có cái tủ thờ ông bà, từ cái ti-vi, bộ ván dầy tới vài phân lót bên hông nhà, có cả ảnh Bác Hồ treo trang nghiêm trên vách nhà... thậm chí có giếng nước khoan. Đây là gia đình anh Hùng, mà bác Bảy gọi vui “ông vua đầm”.

Anh Hùng cho biết, vợ chồng anh hơn mười bốn năm ra đầm sống. Mỗi ngày gia đình cũng được hơn trăm ngàn từ đặt lú, có hôm trúng đậm tới bốn đến năm trăm. Giờ này đầm còn vắng hoe, vậy chớ chiều chiều đông lắm. Có xuồng đi giăng câu, lưới, đặt lú… Hồi đó, mỗi cái lú là một cây đèn nhìn như sao trời, đẹp lắm, giờ vụ đèn đóm ít bớt rồi.

Bác Bảy kể lại hồi đó và bây giờ đất Phú Mỹ khác xa. Xưa nghèo khó, người dân lam lũ trên mảnh bom cày đạn xới nhưng cuối năm chỉ đủ ăn, đủ mặc. Nay cũng trên mảnh Phú Mỹ anh hùng, những ngôi nhà mái ngói khang trang mọc lên ngày càng nhiều.

Nhờ nước đầm Thị Tường, nhờ sự cần mẫn của người dân mà hôm nay Phú Mỹ thay da đổi thịt từng ngày. “Mấy tháng nữa chú xây nhà mới rồi nha!”, bác Bảy phấn khởi bảo khi được hỏi về kinh tế gia đình.

Bao quanh đầm là dừa nước, cây mắm, cây đước, cây vẹt… những loài cây có mặt, sinh sôi tự đời nào ở đất Cà Mau. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đầm đã che chở cho quân dân Cà Mau góp vào chiến thắng vĩ đại cho dân tộc. Có thể ví đầm Thị Tường như một biển hồ thu nhỏ, làm đẹp thêm tình đất Cà Mau.

Nước ở Thị Tường mặn lờ lợ, chảy chậm, nước lớn dâng lên nhưng không có dòng chảy mạnh như sông. Về đầm Thị Tường, chúng ta có thể ngắm những căn chòi be bé bằng vật liệu sẵn có từ địa phương được người dân dựng lên trên đầm trên và đầm dưới để trú ngụ mà “mần ăn”.

Buổi sớm trên đầm Thị Tường với khung cảnh nhộn nhịp, nên thơ, chúng ta sẽ được đắm trong không khí thu hoạch tôm, cá, cua từ những phương tiện nò, lú, lưới mà cư dân nơi đây giăng bắt từ chiều tối hôm trước.

Nhưng đêm ở Thị Tường vẫn huyền diệu, lung linh hơn bởi những ánh đèn “dụ tôm cá vào rọ” trên mặt đầm như những vì sao trên bầu trời toả sáng.

Đó là những đêm không trăng, còn vào những đêm trời sáng, những cơn gió miên man, thêm vài xị đế nhâm nhi với thức nhắm hải sản của đầm, cùng vài chiến hữu thì tuyệt vời nào hơn. Thiên nhiên của vùng đất chan chứa tình người phóng khoáng, ân tình sâu nặng.

Đầm Thị Tường có hệ sinh thái đa dạng, phong phú mang đặc thù riêng của vùng đất ngập nước ở tỉnh Cà Mau. Đầm Thị Tường được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch - dịch vụ, đây cũng là nơi cư trú, sinh sản và phát triển của nhiều giống loài thuỷ sản nước lợ có giá trị kinh tế cao.

Những con người chúng tôi gặp ở đây ai cũng vậy, cũng chí thú làm ăn; thật thà, chân chất gắn bó với mảnh đất của ông cha. Họ yêu mến thiên nhiên. Họ buồn rười rượi khi người ta khai thác nguồn thuỷ sản ở đầm một cách vô tội vạ.

“Bây giờ ít rồi”, giọng bác Bảy buồn thiu khi kể cho chúng tôi nghe sự giàu có nguồn thuỷ sản một thời của đầm Thị Tường.

Từ những lợi thế trên, ngành thuỷ sản Cà Mau và các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng các dự án, mô hình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản như Dự án xây dựng Khu bảo tồn thuỷ sản đầm Thị Tường thuộc Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Cà Mau. Mô hình đồng quản lý nguồn lợi thuỷ sản đầm Thị Tường - do Chương trình hỗ trợ ngành thuỷ sản Cà Mau (FSPS-II) thực hiện với sự hỗ trợ vốn của Hợp phần SCAFI.

Từ những dự án này, hy vọng đầm Thị Tường sẽ được nhiều người biết đến trong chương trình du lịch tham quan gắn với thiên nhiên Cà Mau, nguồn lợi thuỷ sản sẽ dần được hồi sinh để những người dân yêu đầm như bác Bảy, chú Sáu, anh Hùng không còn đau đáu nhớ đầm ngày xưa.

Hoàng hôn đã buông mình xuống đầm. Chia tay những người dân hiếu khách của đầm Thị Tường, chúng tôi ra về mà lòng luyến lưu mãi./.

Nguồn: Báo Cà Mau

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.494.227
Tổng truy cập: