QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Chợ nón Gò Găng
(Ngày đăng: 05/01/2013   Lượt xem: 779)

Chụp xong hoàng hôn ở Bình Tân thì cũng là lúc nhận được điện thoại của anh Long báo vừa đến nơi. Chạy ra bến xe rước anh xong đi thẳng về khách sạn lấy đồ rồi 2 anh em đi thẳng ra Bình Định luôn. Tối nay dự kiến là sẽ lái thâu đêm ra thẳng Bình Định, ở đó theo lời anh bạn là có một khu chợ rất độc đáo mà có lẽ không nơi nào ở Việt Nam như vậy. Chợ họp lúc 2h sáng và kẻ bán người mua mỗi người cầm một cái đèn dầu leo loét để trao đổi với nhau một mặt hàng duy nhất là nón, những chiếc nón lá được làm trong ngày để đến tối mang ra chợ bán.

Chạy xe đêm tất cả các tín hiệu đều dùng đèn, hầu như rất ít khi phải dùng còi, còi chỉ dùng trong một số trường hợp với xe 2 bánh mà thôi. Do đó đòi hỏi một số kỹ năng nhất định, điều đầu tiên là phải biết sử dụng đèn và các quy tắc dùng đèn khi chạy xe. Những quy tắc xin đường, đá đèn xin vượt… Đặc biệt có một số thủ thuật rất quan trọng mà nếu không quen sẽ rất nguy hiểm, một trong những điều đó là thói quen nhìn vào đèn xe ngược chiều, đây là một thói quen rất nguy hiểm mà những người mới chạy xe hay mắc phải, theo tính toán thì khi nhìn thẳng vào đèn pha ta sẽ mất khoảng 3 đến 5 giây ở trong trạng thái loá mắt và ai sẽ biết được trong những giây ngắn ngủi ấy điều gì sẽ xảy ra. Do đó điều quan trọng là phải tập đừng nhìn vào đèn xe, khi thấy xe đi ngược chiều không chịu hạ cod, thì cách dễ nhất là nhìn vào vạch kẻ đường bên phải.

Một thủ thuật nho nhỏ nữa là canh đường, rất nhiều người thường canh đường ban đêm giống như kiểu canh đường ban ngày, nghĩa là nhìn vào cảnh vật xung quanh để canh đường. Cách này rất nguy hiểm vì chạy đêm tốt nhất là canh đường theo vạch kẻ đường bên dưới. Trường hợp không có vạch kẻ đường thì canh theo lề cỏ nhưng tốt nhất là nên chạy chậm lại.
Đường đi miền Trung ban đêm tối đen như mực, chỉ có xe tải và xe khách đường dài chạy, đèn pha sáng trưng. Chạy xe ban đêm nếu đúng ý thức thì khi gặp xe ngược chiều phải hạ xuống đèn cod để không chói mắt và gây nguy hiểm cho cả hai. Thế nhưng những bác tài khu vực miền trung, hoặc các bác tài chạy đường dài Bắc Nam hầu như không biết, hoặc có biết nhưng thiếu ý thức nên 9/10 xe đều cứ để pha sáng trưng bất kể có xe ngược chiều.

Đêm hôm đó một đoạn mưa như trút nước, nhất là sau khi qua đèo Cả, mưa tối đất tối trời, tất cả xe trên đường đèo bò. Mà cái đèn xe Escape cũng không phải là thuộc dạng sáng nữa, trước đi cái Mitsu mình gắn bi-xenon sáng trưng 1 góc trời, đi quen giờ qua cái Escape này không quen cứ phải căng mắt ra mà canh đường, sau đợt này về sẽ nâng cấp bộ đèn lên xenon và projector luôn.

Chạy mãi đến khoảng 1h thì đến Gò Găng – là điểm họp chợ, chỉ còn vài tiếng nữa là chợ bắt đầu họp nên anh em quyết định nằm ngủ trên xe luôn đợi người ta họp chợ. Lúc này trời vẫn cứ mưa lắc rắc mỗi lúc một lớn nên mình bắt đầu lo là trời mưa người ta sẽ không họp chợ nữa, nếu mà vậy thì công cốc mấy anh em chạy thâu đêm để canh họp chợ.

Đợi đến khoảng 2h15 thì bắt đầu thấy lác đác bên kia đường có một vài bóng người phụ nữ cầm đèn. Vậy là vì mưa nên người ta không họp chợ trong con hẻm như thường lệ mà chuyển sang một mái hiên bên đường. Vội đánh xe sang đường và xuống bắt đầu chuẩn bị máy ảnh và tripod.

Có đến đây, nhìn tận mắt mới tin được là ở nước ta còn một ngôi chợ kỳ lạ như thế này. Nếu mặt hàng là thịt cá thì còn có thể lý giải được là không bán sớm thì sẽ bị hư. Đằng này mặt hàng trao đổi chỉ là nón. Ban đầu suy nghĩ mãi có lẽ là người ta tranh thủ đi bán nón sớm để lấy tiền buổi sáng ra chợ mua thức ăn về cho cả nhà. Nhưng hỏi ra thì cũng chẳng phải, người ta thu mua nón về rồi cũng để ở nhà thôi chứ cũng chẳng làm gì.

Mình hỏi vậy thì các cô đêm hôm khuya khoắt thế này thức dậy họp chợ làm gì cho sớm để rồi cuối cùng cũng mang về để ở nhà. Và câu trả lời thật bất ngờ, các cô cũng không biết làm gì, chỉ biết đây là tục lệ từ xa xưa lâu lắm rồi, rồi mọi người cứ thế theo thói quen mà làm mãi thôi.

non 1.jpg
Phiên chợ bắt đầu trong cơn mưa khuya

Nói là chợ chứ thật ra người bán và người mua rất ít, những người đi thu mua thì chỉ khoảng 3-4 người. Cứ thế họ ngồi đó chong đèn và chờ những người ra bán để thu mua – những người mà cả ngày cặm cụi đan những chiếc nón, để đến tối thành sản phẩm chỉ chừng mười hai mươi cái. Rồi mang ra chợ bán đổi lấy tiền.

non 2.jpg

Tuy người bán người mua rất ít, và có lẽ là đều biết nhau cả, vì mỗi ngày chợ đều họp – đúng giờ này, đúng nơi này. Tuy thế nhưng mà tất cả những hoạt động thường có của một cái chợ đều có đầy đủ, cũng có mặc cả, cũng có dỗi hờn chị này mua thấp quá, em sang bán cho chị khác. Tuy rằng 2 chị này và chị khác ngồi kế bên nhau.

non 3.jpg

Rồi cũng có săm soi hàng hoá, chê bai để hạ giá xuống, nói chung là tất cả những gì mà một cái chợ bình thường có thì ngôi chợ này đều có. Chỉ khác chăng là quy mô nhỏ xuống đến mức giống như ta đang xem một trò chơi bán nhà chòi của trẻ em.

non 4.jpg
Đây là bức ảnh mà mình rất ưng ý, nó diễn tả được lặng lẽ và độc đáo của phiên chợ nơi đây.

Chính vì những cái độc đáo này mà nó làm mình mê mẩn đứng nhìn, rồi chụp. Vì đây có lẽ là ngôi chợ cuối cùng trên đất nước như thế này, một mai không còn nữa thì có lẽ là không còn ở đâu nữa. Mà xã hội thì ngày càng phát triển, cái truyền thống bao đời nay theo lời các chị nói chắc có lẽ cũng không còn giữ được lâu nữa. Mình vui vì đã đến đây vào lúc này, và kịp lưu lại những khoảng khắc quý giá này.

non 5.jpg
Trời mưa nên chẳng còn cách nào phải lấy đại cái khăn lau xe che máy ảnh lại

Nguồn: Xuyên việt
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.521.274
Tổng truy cập: