Trong cái nắng cái gió của mùa khô Tây Nguyên, đường vào xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) phong quang sạch sẽ. Trước mỗi điểm dân cư đều có những bể thu gom rác bằng bê tông, được xây dựng cách điệu hình gốc cây, con thú…
Ông K’Trơi, người uy tín ở bon Ting Wel Đăng, xã Đắk Ha, cho biết, cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa, việc ý thức vệ sinh môi trường đã được người dân chú trọng từ khi xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là từ lúc xây dựng điểm dừng chân trong di sản Công viên địa chất Đắk Nông.
Trong đó, bon Ting Wel Đăng là điểm du lịch Làng nghề đan lát dân tộc Mnông. Bon có hơn 30 người thành thạo việc đan lát; số người biết dệt thổ cẩm cũng rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ khi có nhu cầu sử dụng hoặc có người đặt hàng thì các nghệ nhân mới đan, mới dệt.
Ông K’Trơi hy vọng, việc xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại Đắk Ha sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con: Với sự hỗ trợ của nhà nước thì bà con chúng tôi cũng kiên trì, cố gắng giữ gìn phát triển nghề truyền thống của mình. Từ đó tạo ra những sản phẩm hàng hóa đem lại nguồn thu nhập cho bon làng.

Làng nghề đan lát Đắk Ha.
Anh K’Thuốt, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Đắk Ha cho biết, xã có 4 điểm tham quan trong Công viên địa chất Đắk Nông: gồm làng nghề đan lát, làng nghề dệt thổ cẩm, mỏ cao lanh, mỏ bô-xít. Trong kế hoạch tới đây, tỉnh Đắk Nông sẽ tích hợp phát triển thành một điểm tham quan trải nghiệm du lịch cộng đồng tại làng nghề bon Kon Hao.
Theo anh K’Thuốt, tự hào với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, người Mnông ở Đắk Ha đã sẵn sàng tâm thế để có thể chuyển hướng làm du lịch: "Bà con mong muốn sau khi được công nhận Công viên địa chất toàn cầu, Nhà nước có chương trình, kế hoạch cụ thể để khai thác, phát huy giá trị, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương. Không chỉ những nghệ nhân, mà nhiều thanh niên địa phương cũng đã học hỏi nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để có thể tham gia vào các hoạt động du lịch, có thêm nguồn thu nhập cho gia đình".
Đắk Ha là một trong số 5 điểm nổi bật thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, được tỉnh chọn để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch trong thời gian tới. Cùng với làng nghề, Đắk Ha còn có các điểm: cầu Sêrêpốk (cũ) ở huyện Cư Jút; núi lửa Nâm Kar và cánh đồng lúa ven núi lửa thuộc huyện Krông Nô;Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại khu vực ngã tư Cầu 20, huyện Đắk Song.

Nhà trưng bày âm thanh tại Công viên địa chất Đắk Nông.
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, việc chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020 đã mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên, để xây dựng, vận hành một cách hiệu quả các tuyến du lịch theo đúng tiêu chí của UNESCO không phải là điều dễ dàng.
Các điểm đến, điểm di sản của Công viên địa chất Đắk Nông hiện chỉ ở mức độ sơ khai. Quá trình đầu tư vừa qua chỉ chủ yếu phục vụ cho việc thẩm định chính thức của UNESCO, nhằm chứng minh những tiềm năng địa chất mà địa phương đã và đang sở hữu. Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn địa chất, bảo tồn văn hóa cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi Đắk Nông là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhận thức, kinh nghiệm về du lịch còn hạn chế.
Từ khi đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến tìm hiểu, đặt vấn đề đầu tư vào Đắk Nông. Hiện tỉnh đã lập Đề án “Xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động của các điểm di sản Công viên địa chất”; trong đó chú trọng vào các hạng mục, dịch vụ vui chơi giải trí, đặc sản địa phương, sản phẩm du lịch…
