QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
(36) - Thanh Hoá: Một vùng thắng tích Biện Sơn
(Ngày đăng: 15/08/2019   Lượt xem: 267)

Trước sự phát triển của Biện Sơn (xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) hôm nay, thật khó để mường tượng nơi đây từng được gọi tên cù lao Biện: một đảo nổi nằm giữa mênh mang sóng nước, cách biệt đất liền. Vậy nhưng, tạo hóa vốn hữu ý. Và con người tự thuở xa xưa vẫn thường nương theo đó mà sinh tồn, phát triển. Trở về vùng đất cổ Biện Sơn hôm nay, vẫn còn đó những “dấu chân” tiền nhân để lại ở hệ thống di tích danh thắng nơi đảo nhỏ. Gắn liền với đó là lịch sử, đời sống, tín ngưỡng... của người dân đất cổ Biện Sơn.


Nếu bạn lần đầu đặt chân đến vùng đất cổ Biện Sơn, đó chắc chắn là sự ngỡ ngàng. Hòn đảo nổi nằm giữa trùng khơi ngày nào giờ đã có đường nối vào đất liền. Xã đảo Nghi Sơn đang chuyển mình với sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các nhà máy, khu công nghiệp trọng điểm được đầu tư hiện đại cùng chiến lược phát triển dài hơi. Dẫu vậy, giữa bộn bề hối hả của không gian đô thị công nghiệp, cảm giác cuộc sống của cư dân núi Ngọc dường như vẫn diễn ra theo một nhịp khác: chẳng hề vội vã. Với tổng diện tích tự nhiên chỉ hơn 320 ha, trong đó đất ở chiếm chưa đầy 20 ha, nên dễ nhận ra, trên con đường nhỏ chạy theo triền núi là những ngõ siêu nhỏ với san sát nhà cửa, mật độ dân số cao - hình ảnh đã từng gặp ở nhiều xã biển. Tranh thủ thời tiết ngày nắng, các bà, các mẹ đang thoăn thoắt đôi tay cho những mẻ cá, moi, mực... phơi khô được nắng. Mùi hải sản tươi sống quện lẫn trong nắng, gió tạo nên không gian đặc trưng của xã biển. Nghi Sơn không có cánh đồng cò bay thẳng cánh. Ngược lại, những rặng phi lao, thông reo và bạch đàn... vẫn hát bản tình ca ngàn năm cùng đá núi và gió biển. Bởi vậy, mưu sinh dựa vào biển cả đến hôm nay vẫn là nghề sinh tồn của 85% người dân Nghi Sơn.

Chật chội, chen chúc đến ngột ngạt là vậy. Nhưng thật kì lạ, trên hòn đảo nhỏ lại chứa đựng hệ thống di sản vô cùng giá trị, gắn liền cùng những câu chuyện, truyền thuyết đầy màu sắc huyền thoại.

Đó là chuyện tình bi thương của nàng Mị Châu - con gái An Dương Vương. Vì tình yêu với chồng mình là Trọng Thủy, Mị Châu không chỉ vô tình đẩy cha đến chỗ chết, nàng còn trở thành kẻ tội đồ của dân tộc. Để rồi, trước lúc được thần Kim Quy mở đường thì chủ nhân của Cổ Loa thành đã phải rút gươm kết liễu người con gái muôn vàn yêu quý vì biết được sự thật đầy nghiệt ngã. Mị Châu chết dù không oan song mấy ai không xót xa cho nàng. Kết thúc truyền thuyết, nàng Mị Châu trước khi bị giết bên bờ biển đã có lời nguyện: “thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người ta lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù”. Máu nàng sau đó chảy xuống biển bị trai ăn phải hóa thành ngọc. Người dân nếu bắt được ngọc trai, đem về rửa ở giếng - nơi Trọng Thủy tự vẫn thì ngọc sáng lạ kì.

Vùng đất cổ Biện Sơn hôm nay, cách bờ biển không xa có một phế tích (đang bị xuống cấp trầm trọng) mà dân gian vẫn gọi đó là giếng Ngọc. Đồng thời tin rằng, giếng Ngọc chính là di tích còn lại của câu chuyện Mị Châu - Trọng Thủy thuở xa xưa.

Cách giếng Ngọc chỉ khoảng 200m, theo dốc sườn núi đi về phía Bãi Đông, ta bắt gặp ngôi chùa cổ Biện Sơn đang được tôn tạo trên nền móng cũ. Ông Nguyễn Ngọc Thương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn cho biết: “Nghi Sơn là xã đảo có lịch sử hình thành và phát triển hơn 1000 năm về trước. Tại đây có ngôi chùa cổ Biện Sơn đã được các nhà nghiên cứu xác định có nguồn gốc từ thời Lý, trong quá trình khai quật khảo cổ di tích, một số hiện vật có niên đại thời Lý (bình vôi, gốm, gạch...) đã được tìm thấy. Đó không chỉ là bằng chứng cho lịch sử di tích mà còn gián tiếp khẳng định sự phát triển của đảo Biện Sơn trong chiều dài lịch sử của dân tộc”.

Vị trí chiến lược về mặt quân sự của vùng đất cổ Biện Sơn được khẳng định rõ nhất vào cuối thời Lê và nhà Tây Sơn. Với địa thế hiểm yếu, nằm giữa biển khơi, có núi bao bọc, kín gió, từ trên cao dễ bề quan sát kẻ thù. Bởi vậy, nơi đây được vua Quang Trung xác định là phòng tuyến quân sự quan trọng. Theo đó, Tam Điệp - Biện Sơn đã được xây dựng trở thành phòng tuyến giữ vai trò chiến lược trong cuộc chiến chống 29 vạn quân Thanh xâm lược: “Quân thủy chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển, đến vùng Biện Sơn mà đóng. Quân bộ thì sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường, lui về giữ núi Tam Điệp. Hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau giữ lấy chỗ hiểm yếu trên đường tiến quân ra Bắc Hà để tiêu diệt quân Thanh”. Sau thắng lợi của anh em nhà Tây Sơn, vua Quang Trung khi lên ngôi đã không quên những ân điển dành cho vùng đất cổ Biện Sơn. Ngày nay, tại di tích đền thờ vua Quang Trung hiện vẫn còn lưu giữ bia đá và đôi voi đá cổ được xác định có từ lúc khởi dựng đền thờ cách đây hơn 200 năm. Ngay dưới đền Quang Trung là vụng nước Nghi Sơn, nơi dừng chân neo đậu của hàng trăm phương tiện tàu thuyền ngư dân sau những ngày vươn khơi bám biển.

Voi đá tại đền thờ Quang Trung xã Nghi Sơn.

Nói đến vai trò vị trí quân sự chiến lược của vùng đất cổ Biện Sơn, có lẽ không thể bỏ qua dấu tích còn hiện hữu của pháo đài Tĩnh Hải trên đỉnh núi Ngọc. Trên cơ sở phòng tuyến Biện Sơn đã được quân Tây Sơn lập ra trước đó, đến thời Nguyễn, các căn cứ tiếp tục được sửa chữa, thay đổi song công năng về mặt quân sự thì gần như không đổi. Trong đó, pháo đài Tĩnh Hải (thành Hươu) đến nay vẫn còn dấu vết khá rõ. Tọa lạc trên đỉnh núi Ngọc, pháo đài Tĩnh Hải không quá cao song ở thời điểm hiện tại, cây rừng mọc chằng chịt khiến cho đường lên di tích thêm bội phần gian nan. Tuy nhiên, cảm giác được đứng trên “đài quan sát” trong lịch sử khiến cho những mệt mỏi trước đó như tan biến. Tại di tích vẫn còn tường thành gạch đá xây dựng bao quanh như thuở xưa vẫn vậy. Đứng trên pháo đài, hướng tầm mắt về phía biển, cả một vùng không gian mênh mông rộng lớn thu vào tầm mắt. Dễ hiểu vì sao, nơi đây được chọn làm vị trí canh gác quân sự của phòng tuyến trên biển. Bỗng có cảm giác vừa gần gũi, thân thương nhưng cũng đầy linh thiêng. Ta lắng lòng để nghe tiếng đồng vọng từ quá khứ hào hùng của lịch sử cha ông trong những thời điểm, khoảnh khắc. Để hiểu, lịch sử dù hào hùng hay đau thương thì với hậu thế, một thái độ nhìn nhận trân trọng là điều cần thiết.

Sự kì thú của vùng đất cổ Biện Sơn đâu chỉ có vậy. Trong khi, số lượng giếng cổ trong cả nước, ở các làng quê đang dần biến mất thì tại hòn đảo nhỏ này, hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn ba chiếc giếng cổ với tuổi đời hàng trăm năm. Điều đặc biệt của hệ thống giếng cổ ở đây chính là dấu ấn văn hóa Chăm: “từ kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm đến cấu trúc và kỹ thuật tạo dựng giếng”. Sự quần cư trên xã đảo Nghi Sơn có lịch sử từ nhiều thế kỷ, đó là những cư dân từ phía nam ra và Thái Bình, Hải Phòng vào... trên hành trình mưu sinh đã dừng chân ở cù lao Biện. Tuy vậy, sự xuất hiện của yếu tố văn hóa Chăm ở nơi đây lại được lý giải từ giả thuyết: khi anh em nhà Tây Sơn trên đường dẫn quân ra Bắc, dừng chân tại đây xây dựng phòng tuyến Biện Sơn. Trong đoàn quân có người Chăm cư ngụ ở các tỉnh miền Trung. Chính họ là những người thợ đã tạo nên hệ thống giếng cổ trên đảo Biện Sơn với mục đích khai thác nước ngọt cho quân sĩ sử dụng... Đến nay, các giếng cổ ở Biện Sơn hầu hết đều nằm trong khu dân cư và được người dân giữ gìn.

Giếng đá cổ tại xã đảo Nghi Sơn được cho là mang dấu ấn văn hóa Chăm.

Cũng như hầu khắp người dân vùng biển xứ Thanh, người dân Biện Sơn xưa và Nghi Sơn hôm nay trong quá trình hình thành, phát triển cuộc sống, thế hệ cha ông đi trước còn để lại cho hậu thế hôm nay hệ thống di sản: di tích, tín ngưỡng, lễ hội... tâm linh gắn liền với đời sống người dân biển. Theo chân anh Lê Văn Cường, cán bộ Văn hóa xã Nghi Sơn, tôi nhận ra thật nhiều điều thú vị. Người xưa là vô tình hay hữu ý khi khởi dựng các di tích đều hướng nhìn ra phía biển: đền Quang Trung và Tứ vị Thánh nương; đền Quan Sát hải Đại vương; đền vua bà Trần Quý Phi (đền Rắn).

Len lỏi qua khu dân cư, tôi cũng ra được đền Quan Sát hải Đại vương nằm ngay bên bờ biển rộng lớn. Chưa kịp đặt chân vào trong đền, sự choáng ngợp trong tôi đã dường như đã dừng lại ở tiếp nối những đảo lớn, nhỏ phía ngoài xa. Thì ra, đó chính là “thập bát mã tam xã” - 18 đảo: hòn Đóc; hòn Miệng; hòn Bung; hòn Sở; hòn Sập... và chính diện từ đền nhìn ra là đảo hòn Mê, khoảng cách chỉ hơn 10km với chưa đến 1 giờ tàu chạy. Ngoài đó, những người lính đảo vẫn đang ngày đêm canh giữ tấc đất của tiên tổ. Quay trở vào đền, chắp tay trước ngực như một lẽ tất nhiên thể hiện sự kính ngưỡng với đấng thần linh. Đền là nơi thờ vị danh tướng thời Trần có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên vào thế kỷ XIII. Tương truyền ông vốn giỏi nghề sông nước, được người dân vùng biển vô cùng kính phục. Bởi vậy, sau khi mất, ông đã được nhân dân lập dựng đền thờ, cầu mong sự phù trợ, giúp đỡ. Hàng năm, vào ngày 16/4 (âm lịch), cư dân xã biển Nghi Sơn và vùng lân cận lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư ngay tại di tích, bên bờ biển Đông, giữa mây trời và sóng biển ầm ào, để cầu mong những điều tốt lành cho một  mùa vươn khơi may mắn, no đủ, bình an.

Bên cạnh đền thờ Quan Sát hải Đại vương, đền thờ Trần Quý Phi (đền Rắn) cũng được xem là địa điểm tâm linh đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân biển. Di tích gắn liền với câu chuyện đầy huyền ảo. Tương truyền, bà vốn là vợ Long Vương. Vì cảm mến sự ngưỡng vọng của người dân biển nên thường xuyên hiển linh giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng dữ, hoạn nạn, mang về lộc biển đầy khoang mỗi chuyến vươn khơi. Dân gian vẫn kể chuyện, vua Quang Trung trước khi tiến quân ra Bắc đã dừng chân tại đền khẩn nguyện sự giúp đỡ, thắng trận trở về, người anh hùng áo vải không quên dừng chân tạ ơn thần. Sau này, dưới thời nhà Nguyễn đã sắc phong Thượng đẳng thần tối linh... mỗi năm, vào ngày 22/4 (âm lịch) hàng năm, nhân dân địa phương cùng nhau tổ chức lễ hội tại đền thờ để tưởng nhớ công ơn thần. Đó cũng là cách để người dân gửi gắm niềm tin, vươn khơi bám biển...

Tạm biệt cù lao Biện, tôi không quên mang về cho mình những niềm xúc cảm đặc biệt. Và cả những liên tưởng: hệ thống di tích, danh thắng, tín ngưỡng, lễ hội còn hiện hữu ở xã đảo Nghi Sơn là tài sản vô giá, để cùng với kinh tế biển truyền thống thì đây chắc chắn là tài nguyên cho sự chuyển mình kết nối, phát triển của du lịch Nghi Sơn hiện tại và tương lai.

                                                         Theo: vanhoadoisong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.470.009
Tổng truy cập: