QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Chè Thái Nguyên - Những giá trị văn hóa và du lịch
(Ngày đăng: 28/08/2015   Lượt xem: 584)
Nói đến chè Việt người ta nghĩ ngay đến chè Thái Nguyên. Cây chè đã gắn bó với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, nó chẳng những mang lại giá trị kinh tế to lớn mà còn mang những nét văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.

 

Chè Thái Nguyên và những giá trị về văn hóa

 

Người xưa thường có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện", nhưng có lẽ đối với mỗi người dân xứ trà Thái Nguyên thì ấm trà mới là đầu câu chuyện. Uống trà đã trở thành một thói quen, một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người dân xứ Thái nói riêng và người dân đất Việt nói chung. Và đó cũng là nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc của vùng đất “Đệ nhất danh trà”.

Trà Thái Nguyên không những là thức uống bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn mang đậm nét văn hóa giao tiếp của người Việt. Khi khách đến chơi nhà, gia chủ dù bận đến đâu cũng phải rót một chén trà nóng mời khách để thể hiện sự trân trọng, lòng mến khách. Đây cũng là phép lịch sự tối thiểu trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Chén trà trong những lúc thư nhàn để hàn huyên tâm sự cũng làm con người hiểu nhau hơn, gắn bó và chia sẻ với nhau hơn. Mỗi câu chuyện, mỗi chén trà Thái Nguyên ấm nóng đã làm cho con người xích lại gần nhau, góp phần vào việc thúc đẩy và xây dựng văn hóa giao tiếp lành mạnh trong đời sống xã hội.

 

Trà Thái Nguyên cũng có mặt trong mọi sự kiện quan trọng của gia đình, làng xóm, công sở: Từ việc ma chay, cưới xin, giỗ chạp cho đến ngày hội làng, hội đình; từ việc đưa đón khách thập phương đến thăm quê nhà cho đến hội nghị, hội họp...Trà còn được sử dụng như một phương tiện giao tiếp trong biếu xén, quà tặng, lễ tết, thờ cúng. Khách đến thăm nhà, tặng nhau một túi trà thơm để thể hiện sự mến khách. Ngày lễ Tết, con cái biếu cha mẹ một túi quà, trong đó có hộp trà đặc sản Thái Nguyên để bày tỏ lòng hiếu thảo với công lao dưỡng dục của cha mẹ...Bên cạnh đó, trong ngày giỗ tết, sau khi dâng cúng ông bà tổ tiên mâm cỗ, người ta dâng lên ấm trà nhỏ vừa pha nóng hổi. Bởi người ta quan niệm trà là thứ nước thanh tao, thể hiện được sự tôn kính với những người đã khuất. “Hương, hoa, đăng , trà, quả thực” cũng chính là như vậy!

 

Uống trà là một thú vui tao nhã, pha trà là cả một nghệ thuật, còn mời trà cũng là một nét văn hóa thể hiện sự lễ độ, trân trọng của người mời với khách. Cũng chính những điều đó đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc của trà Thái Nguyên nói riêng và trà Việt Nam nói chung.

 

Những giá trị về du lịch của chè Thái Nguyên

 

Thái Nguyên có nhiều vùng chè đặc sản có tiềm năng phát triển du lịch, tiêu biểu như: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ), Điềm Mặc (Định Hóa), Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (Phú Lương)...Chính những điều kiện tự nhiên trên là tiềm năng quý để tỉnh khai thác và phát triển trở thành sản phẩm du lịch cùng với các loại hình du lịch khác. Từ sau Festival Trà Quốc tế năm 2011, tỉnh đã quan tâm tới việc phát triển du lịch làng nghề chè như: Chỉ đạo các địa phương chỉnh trang, chăm sóc vườn chè theo tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường dẫn vào vùng chè; tổ chức tập huấn du lịch cộng đồng; đẩy mạnh việc tuyên truyền ý nghĩa nguồn lợi do du lịch làng nghề đem lại. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng Dự án làng du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương. Mô hình được triển khai từ cuối năm 2012 tại 4 xã thuộc Vùng chè đặc sản Tân Cương, trọng tâm là các xóm: Hồng Thái 2, xã Tân Cương; Khuôn 1 và Khuôn 2, xã Phúc Trìu và xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng. Tham gia vào dự án, các hộ dân được tập huấn về kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng marketing du lịch, kỹ năng áp dụng dịch vụ lưu trú tại gia như: Cách đón tiếp khách, cách sắp xếp chỗ ở, lên thực đơn, sơ chế bữa ăn...Tuy nhiên, hiện nay loại hình du lịch mới này chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lượng khách du lịch đến với vùng chè còn khá khiêm tốn so với các điểm du lịch khác.

 

Nhằm lưu giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa chè, năm 2011, Không gian văn hóa chè đã được khánh thành và đưa vào sử dụng tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Tại đây, trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật giới thiệu về lịch sử và sự phát triển của cây chè, những giá trị văn hóa của chè Thái Nguyên, các tài liệu hiện vật về trồng, chăm sóc, chế biến chè, các hiện vật ấm trà cổ...Đặc biệt nơi đây có bộ ấm trà dán gốm sứ đã được công nhận là kỷ lục Việt Nam. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm Không gian văn hóa chè đón hàng ngàn lượt khách, trong đó năm 2014, Không gian văn hóa chè đón trên 15.000 lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu về chè và văn hóa chè.

Để phát huy những giá trị văn hóa và du lịch của chè Thái Nguyên trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí Vũ Hồng Cương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Trong giai đoạn tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức quảng bá, giới thiệu tiềm năng vùng chè Thái Nguyên tới đông đảo nhân dân trong và ngoài nước thông qua các hình thức như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch, văn hóa của chè Thái Nguyên; tổ chức tập huấn các lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho người trồng chè, các làng nghề chè để hình thành đội ngũ du lịch tại chỗ và huy động cộng đồng dân cư tại các làng nghề chè tham gia vào hoạt động du lịch. Sở cũng tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công các kỳ Festival Trà Thái Nguyên, thông qua đây góp phần quảng bá sản phẩm trà của địa phương; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, trong đó tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các vùng chè truyền thống gắn với phương thức cổ truyền; hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh đến với Festival Trà, các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề chè./.


                                                                                                                 Theo: dulichvn.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.473.483
Tổng truy cập: