QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Phát triển du lịch gắn với làng nghề
(Ngày đăng: 23/04/2014   Lượt xem: 699)
Được bầu chọn là một trong các bãi tắm lý tưởng nhất Việt Nam, du khách đến Cửa Lò không chỉ bị thu hút bởi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn bị cuốn hút bởi những đặc sản mang đậm hương vị của biển cả. Ngoài nước nắm, Cửa lò còn có sản phẩm tôm nõn, cá nướng, góp phần làm hấp dẫn thêm du lịch biển Cửa Lò...

Được sự giới thiệu của ông Trần Minh Thức - Khối trưởng khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò), chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất nước mắm Võ Kim. Đây là một trong những cơ sở có quy mô lớn của làng nghề nước mắm Hải Giang 1. Từng là nhân viên Xí nghiệp Thủy sản Cửa Hội, đến năm 1995, chị Kim quyết định mở xưởng sản xuất nước mắm tại gia đình. Năm 2003, cơ sở của chị mở rộng quy mô, công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký nhãn mác để khẳng định thương hiệu nước mắm Võ Kim. Mỗi năm cơ sở của chị thu mua từ 100 - 150 tấn cá các loại để chế biến. Hiện sản phẩm của Võ Kim bán buôn và bán lẻ tại nhà cho các khách hàng quen trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Với 6 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, tổng thu 1 năm của Võ Kim đạt trên 1 tỷ đồng.

Chế biến tôm nõn ở phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò)
Chế biến tôm nõn ở phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò).

Ngoài cơ sở Võ Kim, làng nghề nước mắm khối Hải Giang 1 đang có 75 hộ sản xuất; hàng năm chế biến và tiêu thụ khoảng 450.000 lít nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Mới được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ năm 2010, nhưng đến tháng 3/2014, sản phẩm nước mắm cổ truyền của người dân khối Hải Giang 1 đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và cấp Giấy Chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể trong toàn quốc. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của bà con trong việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm của làng nghề... Theo các hộ làm nghề, việc Nhà nước quan tâm cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho nước mắm truyền thống Hải Giang là điều mà người dân địa phương mong mỏi từ lâu. Đây là cơ hội thuận lợi để nước mắm Hải Giang 1 nâng cao giá trị canh tranh, giúp sản phẩm tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại.

Từ nhiều năm nay, các gia đình ngư dân ở khối Hải Giang 2 (phường Nghi Hải) còn mở thêm nghề nướng cá thu. Lúc đầu chỉ một vài hộ tham gia, nhưng đến nay trên địa bàn phường đã có trên 50 hộ làm nghề. Nhiều gia đình ở phường Nghi Hải cho biết, lúc đầu chỉ những nhà ở gần Cảng cá Cửa Hội và gần chợ Mai Trang, có điều kiện mua bán nhiều loại cá, trong đó có cá thu nên họ thường mua cá về nướng với mục đích để giữ cá được tươi ngon, sử dụng lâu dài cho gia đình. Sau này, đối với du khách khi đến Cửa Lò, thực đơn yêu thích là cá thu nướng sốt cà chua hoặc món đầu, đuôi cá thu nướng trên than hồng. Nhiều du khách coi đây là món ẩm thực độc đáo ở vùng biển xứ Nghệ. Bà Nguyễn Thị Thu - một hộ làm nghề nướng cá thu ở khối Hải Giang 2 cho biết thêm: "Cái quan trọng của nghề là phải giữ được chữ tín, trong đó quan trọng nhất là chất lượng cá trước lúc đưa vào nướng phải tươi, khi nướng lên nhìn phải bắt mắt, ăn phải thơm ngọt. Để có được cá tươi ưng ý, ngay từ sáng sớm các hộ làm nghề đã phải đến các bến cá, chờ tàu khai thác thủy sản về để lựa hàng. Nghề nướng cá cũng có những "bí quyết" riêng để cá không quá cháy, thịt cá chín đều và vẫn giữ được mùi vị thơm.

Không riêng gì cá thu nướng, ở làng chài Nghi Thủy còn có món cá thửng tươi được chế biến qua nhiều công đoạn để tạo thành đĩa cá thửng nướng cuộn tròn, hong vàng. Cá nướng Cửa Lò hoàn toàn theo phương pháp thủ công, cá không tẩm ướp gia vị, nướng đủ nhiệt cá không bị ẩm nên du khách hoàn toàn an tâm khi mua. Hiện ở Thị xã Cửa Lò có khoảng trên 200 hộ làm nghề nướng cá với mức thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/hộ/tháng, và các hộ làm nghề đã trở nên "chuyên nghiệp" hơn trong cách nướng cũng như cách phục vụ du khách. Các nhà hàng, khách sạn khi có nhu cầu chỉ cần điện thoại đặt trước là các hộ làm nghề đem đến tận nơi để phục vụ du khách. Khi đặt mua cá nướng về làm quà, du khách hoàn toàn yên tâm không lo mua phải loại cá kém chất lượng hoặc không đạt số kg đặt mua. Tùy theo số lượng và nhu cầu đặt mua của du khách, sau khi nướng xong cá, người chủ hàng sẽ gói ghém, bỏ vào thùng xốp cẩn thận cho du khách, bảo đảm khi vận chuyển cách xa hàng trăm km trong một vài ngày cá vẫn tươi nguyên, không bốc mùi, khi ăn vẫn thấy cá thơm ngon, giữ được mùi vị như khi ăn tại biển...

Ở Thị xã Cửa Lò, nghề làm tôm nõn cũng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân và trở thành làng nghề thu hút khách du lịch đến tham quan. Nghề chế biến tôm nõn đã có từ hàng chục năm nay, gắn với cuộc sống đi biển của nhiều ngư dân trên địa bàn. Nghề được làm quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, tuy nhiên, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 4 sang năm được xem là "chính vụ", khi bà con ngư dân chuẩn bị cung ứng đặc sản quê hương phục vụ cho mùa du lịch. Hiện trên địa bàn thị xã có 10 cơ sở chế biến tôm nõn, tập trung chủ yếu tại phường Nghi Thuỷ; mỗi cơ sở tạo việc làm cho khoảng 15 - 30 lao động, thu nhập bình quân từ 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng... Tôm nõn, một sản phẩm làm từ nguồn nguyên liệu tươi sống, được sấy trên bếp than nhưng vẫn giữ được vị thơm ngọt của tôm, thịt săn, hơi dai, có màu đỏ tự nhiên, không chất bảo quản. Và khi những con tôm được sấy khô, đóng gói kỹ càng đã trở thành món quà hấp dẫn để du khách dành tặng cho bạn bè, người thân mỗi khi đến Cửa Lò tham quan, nghỉ dưỡng...

Theo anh Nguyễn Văn Trung, Phó phòng Kinh tế - Thị xã Cửa Lò: Từ năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định về việc công nhận 4 làng nghề, gồm làng nghề chế biến nước mắm khối Hải Giang 1- Nghi Hải, làng nghề chế biến hải sản khối 7- Nghi Thủy, làng nghề bún bánh Đông Khánh - Nghi Thu và làng nghề bảo quản và chế biến hải sản khối 6 - Nghi Tân. Nhìn chung sau 3 năm được tỉnh công nhận, các làng nghề đã duy trì sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh, từng bước phát triển về quy mô, chất lượng và tăng giá trị sản xuất qua các năm. Thu nhập từ nghề chiếm khoảng 60 - 70% trong tổng thu nhập của làng; giải quyết cho gần 800 lao động có thu nhập ổn định bình quân 30 - 40 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt đã thành lập được các hội phát triển thương hiệu làng nghề. Và để góp phần bảo vệ môi trường chung và môi trường đô thị du lịch Cửa Lò luôn xanh - sạch - đẹp, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, hàng năm UBND Thị xã Cửa Lò đều tổ chức tập huấn "Bảo vệ môi trường làng có nghề và làng nghề" cho các phường xã, khối trưởng và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất trong làng có nghề và làng nghề nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và có giải pháp hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường du lịch.

Năm 2014, hướng tới xây dựng đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại, TX. Cửa Lò đang kỳ vọng đón 2,25 triệu lượt khách du lịch. Nhiều nghề và làng nghề đang vào mùa sản xuất và hy vọng có nhiều cơ hội trong kinh doanh.

 (Nguồn: Báo Nghệ An)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.473.915
Tổng truy cập: