QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Hội An: Bài học "Du lịch có trách nhiệm"
(Ngày đăng: 14/02/2014   Lượt xem: 442)

Có chủ đầu tư từng xin chủ trương lãnh đạo Hội An cho tổ chức các hoạt động vui chơi có thưởng (casino) trong khách sạn và resort. Nhưng câu trả lời của địa phương trước sau như một: Không!

Hội An không lạc đường phát triển du lịch

Cuối năm, ông Bí thư Thành ủy Hội An bỏ xe máy, đi xe đạp điện từ nhà đến công sở. Hình ảnh ông Bí thư Nguyễn Sự chở nhà văn Nguyên Ngọc trên xe đạp vào sáng mùng Một đi chúc Tết rất thú vị khi một thành phố đã thực tế hóa sống động khái niệm "Du lịch có trách nhiệm" mà cả thế giới mong muốn hướng đến.

Khái niệm "Du lịch có trách nhiệm" với chủ thể chính là những người thực hiện các chính sách phát triển du lịch và triển khai các loại hình dịch vụ đón khách, chứ không phải trách nhiệm của người khách đến bỏ tiền hưởng một kỳ nghỉ. Đêm 31/12/2013, Hội An chào đón người khách quốc tế thứ 1,6 triệu đến du lịch trong năm.

Lượng khách nội địa có thể nhiều gấp 5 lần con số khách quốc tế. Những con số đó là nhiều hay ít với một di sản văn hóa thế giới có diện tích vỏn vẹn vài chục km vuông, hay với vài trăm triệu đô la đã thực đổ vào đầu tư?

Nhiều hay ít với vài ngàn số phận dân cư đã thay đổi mãnh liệt kể từ ngày phố cổ Hội An nhận được sự công nhận của UNESCO, đưa vào diện di sản văn hóa kiến trúc được bảo vệ đặc biệt?

Có lẽ đó là con số khá ổn thỏa, bởi bất cứ ngày nào trong năm, công suất phòng khách sạn lớn nhỏ tại Hội An cũng đạt từ 60 - 90%, một con số làm yên lòng các nhà đầu tư. Khách đến đông, phố cổ vẫn không thành phiên chợ vỡ, di sản không biến chất. Người phố cổ làm ăn dễ dàng, thậm chí còn giàu có. Đó là thành công của người Hội An.

Trở lại với tâm sự của doanh nhân muốn gia tăng sự giải trí cho khách du lịch bằng các trò chơi có thưởng và đã bị lãnh đạo địa phương từ chối, mới thấy quan điểm làm du lịch không mâu thuẫn, không bất nhất và không đi ngược lại quá khứ truyền thống sẽ đem lại một thương hiệu du lịch văn hóa hoàn hảo.

Nó chính là du lịch bền vững, xương sống của khái niệm "Du lịch có trách nhiệm". Những người kinh doanh, và khách du lịch chỉ đem lại cái lợi ích toàn diện cho di sản văn hóa, địa phương và người bản địa song song lợi ích của nhà đầu tư và khách hưởng thụ.

Làm du lịch thế nào để người dân địa phương trở nên giàu có, và di sản văn hóa được bảo vệ là điều mà những người lãnh đạo đô thị cổ Hội An này đặt ra ở các hội thảo quốc tế, hoặc các hội nghị bàn về chính sách phát triển, các đơn đặt hàng tư vấn về đầu tư.

Trong câu chuyện với nhiều nhà đầu tư có thâm niên ở Hội An, chúng tôi phát hiện một điều, ở địa điểm du lịch nổi tiếng này, người Hội An có mặt ở khắp các điểm kinh doanh sôi động nhất. Những khách sạn 4-5 sao, mô hình câu lạc bộ biển đêm, nhà hàng đặc sản đầu tiên ở biển đều do người Hội An hoặc Quảng Nam đầu tư.

Những công ty dịch vụ may thời trang nổi tiếng thế giới đều là thương hiệu của người phố Hội như Yaly, Á Đông Silk, Thu Thủy xây dựng thành công. Những sản phẩm chợ đêm, phố không có tiếng động cơ, trồng giàn hoa trước cửa, treo đèn lồng đêm Trăng Rằm đều được bàn từ tổ dân phố để các hộ dân Hội An và có trách nhiệm thực hiện đến nơi đến chốn.

Đó chính là một hướng đi đúng mà khái niệm "Du lịch có trách nhiệm" đề cao. Những chính sách đúng từ chính quyền địa phương đã cổ vũ người Hội An mạnh dạn tìm kiếm những mô hình dịch vụ phù hợp với tập quán , sự sáng tạo và văn hóa bản địa tạo ra một mô hình du lịch hấp dẫn.

Có hai câu chuyện về doanh nhân Hội An thế này. "Hoa hồng" trong dây chuyền du lịch và lữ hành là một khoản làm tăng chi phí của du khách. Ông chủ thương hiệu Thời trang Á Đông Silk Trần Thái Do quyết định chọn phân khúc hàng cao cấp và không chi "hoa hồng" cho môi giới.

Sản phẩm may mặc của Á Đông Silk không chịu thêm "hoa hồng", sẽ giảm được chi phí cho khách và tăng chất lượng sản phẩm. Đó là một cách tạo uy tín cho du lịch Hội An theo phong cách của thương nhân phố cổ. Câu chuyện thứ hai là một doanh nhân 35 tuổi, giám đốc nhà hàng Phố Trăng Nguyễn Văn Thanh.

Khi đã khá thành công trong chuyện làm ăn, anh Thanh đã lập một công ty xã hội, chuyên vận động tài trợ để tổ chức các lớp đào tạo miễn phí nghề phục vụ nhà hàng, khách sạn cho thanh niên Hội An.

Tâm niệm của doanh nhân trẻ này muốn tạo điều kiện cho người nghèo Hội An có thêm cơ hội tìm việc làm tốt, đồng thời nâng cao tay nghề của người để Hội An đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

Làm du lịch có trách nhiệm của người Hội An thể hiện rất rõ qua hành động của hai doanh nhân này, trong một đồng vốn lợi nhuận, cách này hay cách khác, người kinh doanh phải chia sẻ lợi nhuận để bù đắp, xây dựng cái nôi đã nuôi dưỡng sự nghiệp của mình.

Vẫn còn thời gian phát triển du lịch có trách nhiệm

Dù năm nay đón 7,6 triệu khách quốc tế và 23 triệu khách nội địa, nhưng bản chất ngành du lịch Việt Nam còn sơ khai trong khái niệm và hạ tầng. Khái niệm "Du lịch bền vững" ra đời từ năm 1992, nhưng đối tượng và phương pháp thực hiện như thế nào vẫn là vấn đề luôn được đặt ra.

Đó là tại điểm đến phải hạn chế tối đa tác động tiêu cực về môi trường và xã hội, tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch.

Mặt khác, phải khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa nhằm duy trì một thế giới đa dạng.

Bên cạnh đó, phải cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách thông qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương, tạo hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương; tạo cơ hội cho những người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn.

Quan trọng hơn cả là phải tôn trọng văn hóa địa phương, khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa khách du lịch và người dân địa phương; tạo dựng niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho cộng đồng...

Du lịch Việt thường nhìn vào du lịch Thái và coi đó là một tấm gương, đồng thời là đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu soi chiếu với những khái niệm về "Du lịch có trách nhiệm", chúng ta có thể tìm kiếm con đường phát triển khác, mà không phải noi theo (vì quá khó), và không phải cạnh tranh với Thái Lan.

Những tour du lịch Thái có đặc điểm ít kết nối với cuộc sống thực tế của người địa phương, và sản phẩm công nghệ quá hoàn hảo. Ở Hội An chẳng hạn, không có những buổi tối giải trí đầy khiêu khích giác quan kiểu Pattaya, không quán bar, vũ trường, sòng bài, không có gái mại dâm, nhưng du khách vẫn thích đến, nơi họ có thể ngắm nhìn, giao tiếp thoải mái với cuộc sống của một di sản văn hóa được bảo vệ chặt chẽ.

Cuộc sống của người địa phương tự nhiên không gò bó, tạo được sản phẩm đặc thù để đón vào ngôi nhà nhỏ bé mỗi năm vài triệu lượt người.

Đây đó, nhiều tỉnh, thành sở hữu những di sản thiên nhiên và văn hóa vào bậc nhất vẫn còn lúng túng trong các quyết sách đầu tư. Nhiều địa phương đã thu hút thành công hàng trăm triệu đô la cho một dự án du lịch quy mô lớn, nhưng công trình đó không có bất cứ sự kết nối nào với địa phương, không giải quyết nhiều việc làm, không tiêu thụ sản phẩm, cũng không tạo được những dịch vụ liên hoàn cho người địa phương có cơ hội tham gia.

Ở những vùng ấy, người địa phương có cảm giác như bị phản bội, không hợp tác trong các dự án du lịch mới, cản trở quá trình thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng xây dựng. Đó đây nhiều điểm nóng đất đai xảy ra là từ những quyết sách kêu gọi đầu tư đã không tuân thủ khái niệm "trách nhiệm".

                                                                                           Theo: doanhnhansaigon

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.416
Tổng truy cập: