QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Du lịch tâm linh tìm đường hút khách
(Ngày đăng: 22/11/2013   Lượt xem: 528)

Trong 6,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2012, chỉ có khoảng 12% khách đến các điểm du lịch tâm linh- con số quá nhỏ so với tiềm năng.

Du lịch tâm linh ngày càng tăng trưởng mạnh

Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng và sự đa dạng, phong phú của các thắng tích tôn giáo cũng như số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Hoat động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh ngày càng mạnh, thể hiện ở quy mô, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Ngày càng nhiều các điểm du lịch tâm linh ra đời và phát triển tại các địa phương, vùng miền trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); Phát Diệm (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh Thất Cao Đài (Tây Ninh); Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Miếu Bà Chúa (An Giang); Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương)…

 

Du lịch tâm linh của Việt Nam chưa thu hút được nhiều khách quốc tế. Trong ảnh là vị khách quốc tế hiếm hoi tới thăm chùa Bái Đính, Ninh Bình. (Ảnh: Ngọc Thành)

Đặc biệt, du lịch tâm linh gần đây cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch. Theo thống kê, năm 2012, du lịch gặt hái thành quả ấn tượng với 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. Trong số 32,5 triệu lượt khách nội địa, có khoảng 13,5 triệu lượt khách đến với các điểm du lịch tâm linh, tương đương 41,5%. Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), Chùa Hương (1,5 triệu lượt); Chùa Bái Đính (2,1 triệu lượt)…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: “Số lượng khách du lịch ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tính tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoat tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận người dân”.

Đặc biệt, sự phát triển của du lịch tâm linh trong thời gian gần đây còn tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từ nông nghiệp sang kết hợp dịch vụ, góp phần cải thiện đời sống người dân thông qua việc tạo ra công ăn việc làm và thu nhập trực tiếp từ các dịch vụ phục vụ du lịch. Ví dụ điển hình tại Ninh Bình, ông Trần Hữu Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cách đây 10 năm, khu vực Bái Đính là một vùng đất nghèo nàn, đường đi vào rất khó khăn, người dân sống lam lũ, thu nhập bấp bênh, không có việc làm.  Nhưng từ khi xây dựng dự án Chùa Bái Đính, du lịch tâm linh phát triển khiến cho diện mạo cuộc sống của cả khu vực thay đổi. Cuộc sống của người dân được cải thiện. Hàng chục ngàn người dân đã có việc làm, thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng một tháng.

Khách quốc tế ít, chi tiêu thấp

Sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, song thực tế là các điểm du lịch tâm linh của Việt Nam mới chỉ thu hút khách nội địa chứ chưa hấp dẫn được du khách quốc tế. Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 6,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2012, ước tính chỉ có khoảng 12% khách du lịch đến các điểm du lịch tâm linh.

Bên cạnh đó, thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tại các điểm du lịch tâm linh còn ngắn, thậm chí khách chỉ lưu lại vài giờ trong ngày. Theo báo cáo của các Sở VHTTDL, một số điểm đến nổi tiếng hấp dẫn về du lịch tâm linh của Việt Nam cũng không níu giữ được du khách ở lại lâu dài, như Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam có số ngày lưu trú trung bình của khách là 1,3 ngày; Chùa Bái Đính 1 ngày; Yên Tử 0,84 ngày…. Một số điểm như Đền Trần- Phủ Dầy hay Mỹ Sơn thì số ngày lưu trú trung bình của du khách còn là số 0 tròn trĩnh.

Thời gian đi du lịch tâm linh của du khách cũng không đều đặn mà tập trung vào dịp cuối năm, đầu năm âm lịch và các  thời điểm diễn lễ hội dân gian trong năm. Theo một doanh nghiệp lữ hành trong nước cho biết, hiện tại du lịch tâm linh của Việt Nam mang tính mùa vụ rất cao do đặc thù phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa tâm linh của đất nước là các lễ hội, thói quen đi đền chùa của người dân chủ yếu tập trung vào những tháng đầu hoặc cuối năm âm lịch. Những thời điểm khác trong năm hiện cũng có khách tham quan, vãn cảnh, song số lượng không đông và không đều đặn.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của các Sở VHTTDL, chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm du lịch tâm linh thường rất khiêm tốn, chủ yếu chi cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái…, ít phát sinh chi phí khác. Một số điểm tâm linh thu phí tham quan, còn lại hầu hết các điểm du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng không thu phí mà chỉ để hòm công đức để khách tự nguyện đóng góp. Những chi phí cơ bản cho các hoạt động ăn uống, giải khát, lưu trú qua đêm, lưu niệm, sản vật địa phương… chiếm một tỷ trọng đáng kể nhưng không lớn do du khách hầu hết viếng thăm trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm.

Điều đáng chú ý là sự phát triển du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng cũng là những nhân tố gây tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên tại các di tích lịch sử, di sản văn hóa…

Theo đánh giá của bà Dương Bích Hạnh- Trưởng Ban Văn hóa – Văn Phòng UNESCO Hà Nội, sự gia tăng nhanh chóng số lượng du khách gây nên những áp lực nghiêm trọng lên các di tích, di sản văn hóa và thiên nhiên. Những di sản, trong đó bao gồm cả văn hóa và thiên nhiên chưa được chuẩn bị để phát huy toàn bộ tiềm năng vốn có, dẫn đến kết quả là sản phẩm không có nhiều khác biệt, chất lượng thấp, trải nghiệm tích cực của khách bị hạn chế, thời gian lưu trú bị rút ngắn. Đặc biệt, các cộng đồng địa phương sống trong và xung quanh các khu vực di sản, di tích nhiều nơi vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ phát triển du lịch.

Trước thực trạng như vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, du lịch tâm lịch ở Việt Nam cần được định hướng phát triển theo theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, cần coi việc phát triển du lịch tâm linh là giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững thông qua việc tạo công văn việc làm, tăng thu nhập cho cư dân địa phương, tăng cường hiểu biết, giao lưu văn hóa, tìm hiểu thế giới và tạo động lực bảo tồn giá trị truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc./.

                                                                                                Theo: toquoc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.492.495
Tổng truy cập: