QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Du lịch làng nghề khó phát triển
(Ngày đăng: 14/10/2013   Lượt xem: 701)
Các làng nghề truyền thống của Hà Nội được ví như "kho báu" để phát triển du lịch, nhưng tiếc là chưa có sự kết nối, quảng bá để du lịch "bước chân" vào làng nghề.
Sớm đào tạo nhân lực
 
Tại buổi tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013" mới đây, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng cho biết: Du lịch làng nghề đã có những bước phát triển, tuy nhiên chưa xứng với tiềm năng. Tỷ lệ khách đến các làng nghề so với khách du lịch của TP vẫn thấp, doanh thu chủ yếu là bán các sản phẩm thủ công.
 
Nguyên nhân bởi các làng nghề chủ yếu chỉ là nơi sản xuất sản phẩm nổi tiếng được biết đến trên thị trường, chưa khai thác ở khía cạnh không gian văn hóa; Sản phẩm phục vụ du lịch chưa đặc sắc; Công tác quảng bá xúc tiến chưa được đầu tư, mạnh ai nấy làm; Đặc biệt, chưa quan tâm đến các hoạt động giúp du khách trải nghiệm. Vì thế, các chuyên gia khẳng định gỡ nút thắt để phát triển làng nghề gắn với du lịch chính là đào tạo nguồn nhân lực.
Du khách tham quan làng gốm Bát Tràng.          Ảnh: Tú Chi
Du khách tham quan làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Tú Chi
 
"TP Hà Nội đang có kế hoạch thiết kế các mẫu sản phẩm thủ công truyền thống mang đặc trưng của Hà Nội để đặt hàng các làng nghề. Sau khi đặt hàng, sản phẩm được đăng ký bản quyền và được bảo hộ về chất lượng. Tới đây, Hội Nghệ nhân thợ giỏi TP Hà Nội sẽ hưởng ứng chủ trương này và sẽ kết hợp với các làng nghề để triển khai sản xuất những sản phẩm đặc biệt mang dấu ấn làng nghề".
 
Ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội
Từ trước đến nay, hầu như các làng nghề không có chiến lược đào tạo, chỉ khi nào khách cần hướng dẫn viên địa phương mới có người "đóng thế". Ông Nguyễn Văn Lưu - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Du lịch cho rằng, phải giải quyết cho được các vấn đề liên quan đến con người trong phát triển du lịch làng nghề, hình thành được đội ngũ nhân lực cho du lịch làng nghề ở Thủ đô. Cần trả lời được 5 câu hỏi: Nhiệm vụ gì cần giải quyết liên quan đến con người? Ai được đào tạo bồi dưỡng để làm du lịch làng nghề? Đào tạo, bồi dưỡng những gì? Phấn đấu đạt mục tiêu, chuẩn mực nào? Đào tạo bồi dưỡng bằng cách nào? Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia còn khẳng định, đối với người làm nghề, rất cần được đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ của nghề, đặc biệt là giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tay nghề. Người làm nghề phải giỏi tin học, biết sử dụng ngoại ngữ; mang cốt cách, truyền thống, bản sắc văn hóa, sự hiếu khách của địa phương.
 
Phối hợp đồng bộ
 
Mô hình "Mỗi làng - một nghề" đang được nhiều địa phương thực hiện  như làng gốm Đông Triều, làng tạc tượng Bảo Hà, làng mộc Đồng Kỵ rất đáng để các làng nghề truyền thống Hà Nội xem xét. "Mỗi làng - một nghề" không chỉ giới thiệu được bản sắc văn hóa trong từng sản phẩm, mà còn đảm bảo cho cộng đồng gắn bó và phát triển nghề bền vững. Trước băn khoăn làng nghề sản xuất sản phẩm gì phù hợp với thị hiếu của khách mà vẫn mang được dấu ấn văn hóa làng nghề, ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội đề xuất: "Hơn ai hết các nhà quản lý, nhà khoa học, những người làm du lịch đặt hàng làng nghề sản xuất sản phẩm gì, kiểu dáng và chất lượng ra sao. Các nghệ nhân, với đôi bàn tay khéo léo sẽ thể hiện hết tài năng của mình trong sản phẩm". Nghĩa là nhà thiết kế phải cùng vào cuộc với nghệ nhân.
 
Nhiều chuyên gia tán thành quan điểm lựa chọn một số làng nghề có thế mạnh về du lịch và nghề đặc trưng để đầu tư phát triển. Phải nói rằng, không gian văn hóa trong các làng nghề rất quan trọng để thu hút và níu chân du khách. Bởi thế, những làng nghề cổ rất cần bảo tồn các nhà truyền thống, nhà thờ tổ nghề, giữ nguyên không gian kiến trúc có giá trị của làng nghề. Bên cạnh đó, cần cải tạo sắp xếp lại sản xuất của các hộ trong làng nghề; xây dựng và cải tạo các tuyến đường giao thông; tu bổ và tôn tạo các công trình di tích kiến trúc lịch sử văn hóa.

Một điều mừng là tại một số làng nghề Hà Nội, lớp trẻ vẫn muốn giữ nghề. Như làng mây tre đan Phú Vinh, làng gốm Bát Tràng gần như 100% thanh niên làng tham gia làm nghề. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch làng nghề phát triển tương xứng với tiềm năng, nâng tầm thành du lịch trọng điểm thu hút khách, các làng nghề cần có sự chung tay của cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư.
                                                                                      Theo: KTĐT
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.499.742
Tổng truy cập: