QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
NÂNG TẦM VÀ MỞ RỘNG DỊCH VỤ DU LỊCH LÀNG NGHỀ, PHỐ NGHỀ HÀ NỘI
(Ngày đăng: 21/09/2013   Lượt xem: 1069)

ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam

Langnghevietnam.vn – LNVN.VN - Thực tiễn phát triển du lịch ở các nước trên thế giới ngày càng cho thấy nhu cầu du lịch ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu. Bây giờ người ta không chỉ dừng lại ở chỗ thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên mà còn đòi hỏi tìm hiểu cuộc sống của con người cùng với sinh hoạt văn hóa ở vùng đất mà mình đặt chân đến. Chính vì vậy, hoạt động của làng nghề là nội dung được rất nhiều du khách quan tâm đến. Làng nghề tập hợp những thợ thủ công tài hoa sáng tạo ra những sản phẩm tinh hoa, độc đáo với hàm lượng văn hóa cao. Trong cuộc sống hiện đại, các sản phẩm hàng hóa do công nghệ máy móc sản xuất cũng không thể thay thế được hàng thủ công vì mỗi sản phẩm thủ công đã in đậm nét tâm hồn sáng tạo của nghệ nhân. Đến với làng nghề, du khách được chứng kiến tận mắt những công đoạn tạo ra một sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân dân gian, thấy được sinh hoạt văn hóa của con người ở vùng đất khác nhau. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đúng đắn và phù hợp được nhiều quốc gia lựa chọn trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc đồng thời cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng miền địa phương thông qua hoạt động du lịch.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch làng nghề. Nước ta có hệ thống làng nghề đa dạng và phong phú, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc độc đáo phù hợp cho các loại hình du lịch. Hiện nay, cả nước có gần 4.000 làng nghề và làng có nghề trong đó hơn 2.000 làng nghề được công nhận, hơn 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề, ước tính có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó còn nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như tơ lụa Vạn Phúc, the La Khê, đồng Ngũ Xã, gỗ Sơn Đồng, thêu Quất Động có hàng nghìn năm lịch sử, làng đúc Phước Kiều, làng Đệm Bàng, Phò Trạch, mây tre đan Phú Vinh, gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Bầu Trúc, kim hoàn Định Công, Đồng Xâm, Châu Khê, khảm Chuôn Ngọ, mộc Kim Bồng, thổ cẩm Mai Châu, dừa Bến Tre, đồ chơi dân gian và nhạc cụ dân tộc đều là những sản phẩm độc đáo, có giá trị. Làng nghề truyền thống Việt Nam tồn tại và phát triển cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, mang đến dấu ấn của người Việt và từng dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc anh em hợp thành. Làng nghề truyền thống Việt Nam là nơi chứa đựng những kho tàng kinh nghiệm kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp từ việc sử dụng nguyên liệu, kỹ thuật chế tác, đến chủ đề sáng tạo. Trong việc tạo ra một sản phẩm văn hóa phi vật thể. Nhiều làng nghề truyền thống còn là làng Khoa bảng, làng Việt cổ, làng Cách mạng. Ngoài ra, làng nghề truyền thống còn có giá trị văn hóa vật thể như đình, chùa, các di tích liên quan đến làng nghề, các sản phẩm thủ công truyền thống. Tất cả những điều đó là cơ sở thuận lợi để phát triển làng nghề và dịch vụ du lịch làng nghề.

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là nơi có làng nghề, phố nghề dày đặc sau khi Hà Nội mở rộng đã ôm trọn mảnh đất trăm nghề Hà Tây cũ. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1350 làng nghề, trong đó có 224 làng nghề truyền thống với hơn 47 nhóm nghề (trong khi cả nước có 53 nhóm) Hà Nội thật sự là nơi hội tụ, giao lưu, đua tranh, kết tinh và lan tỏa, những tinh hoa của làng nghề ra mọi miền đất nước. Di chỉ kinh thành Thăng Long cách đây 1000 năm đã chứng minh điều đó. Qua việc phân tích trên chúng ta thấy rõ nước ta nhất là Thủ đô Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề rất lớn. Vấn đề đặt ra là đánh thức tiềm năng ấy như thế nào. Không phải có nhiều làng nghề là có du lịch làng nghề, nếu không có đầu tư khai thác tốt thì tiềm năng vẫn luôn luôn là tiềm năng mà thôi. Có thể nói, du lịch làng nghề ở nước ta chưa phát triển. Ước tính hiện nay cả nước có khoảng 20 chuyến du lịch từ Bắc vào Nam trong đó 35% là du lịch làng nghề hoặc du lịch gắn với làng nghề theo tuyến đã định của ngành du lịch. Các tour du lịch làng nghề Hà Nội hiện nay chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức mới chỉ dừng ở hình thức tham quan và tới xem một số ít làng nghề Việt cổ. Khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề như một tour thực sự vì những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng của nó. Dịch vụ du lịch đi kèm ở hầu hết các làng nghề truyền thống chung quanh ngoại thành Hà Nội chưa thực sự xứng tầm với lịch sử phát triển hàng trăm năm. Ngay cả hai làng nghề nổi tiếng như: Lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng cũng chưa thật sự có đầy đủ cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần có như hướng dẫn viên du lịch của làng, cảnh quan môi trường, hệ thống vệ sinh “Xanh - Sạch - Đẹp”, vai trò của các nghệ nhân, các gia đình được chọn giao lưu với khách và cùng với du khách trải nghiệm làng nghề, bảo đảm điều kiện để làm dịch vụ du lịch.

Để phát triển du lịch làng nghề phải có chiến lược đầu tư cho nó. Không phải cứ làng nghề nào cũng trở thành điểm đến của du khách, nếu chỉ nghĩ đơn giản là đến tham quan mặc dù làng nghề có truyền thống trăm năm, nghìn năm mà không được đầu tư, khôi phục, không có những sản phẩm nổi tiếng trong nước và quốc tế, không có những nghệ nhân gạo cội, tài hoa chỉ sản xuất “hàng chợ” xoàng xĩnh thì lập tức sẽ gây phản tác dụng trong con mắt du khách. Cần có các dự án nâng cấp, xây dựng các tuyến du lịch làng nghề như: Bát Tràng, ạn Phúc, Phù Lãng, Thổ Hà, Chu Đậu, Đại Bái, Quất Động, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên Tràng Sơn, Sơn Đồng, Vạn Điểm,… Ưu tiên phát triển hạ tầng, xử lý môi trường, xúc tiến thương mại, mở rộng chính sách đối ngoại nhân dân, các làng nghề được quan tâm vay vốn ưu đãi, có chính sách khuyến khích sáng tạo mẫu mã, sản phẩm áp dụng công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại làm cho sản phẩm tinh hoa, đa dạng và phong phú, nhằm xây dựng và mở rộng dịch vụ du lịch làng nghề. Điều quan trọng nhất là gắn phát triển du lịch với việc khôi phục và bảo vệ các làng nghề truyền thống. Các điểm đến trong tuyến du lịch phải là các làng nghề tiêu biểu, có sản phẩm nổi tiếng trong nước và xuất khẩu, có đội ngũ nghệ nhân điêu luyện giàu sức sáng tạo. Chúng ta phải xây dựng cho được thương hiệu các làng nghề truyền thống, thường xuyên tôn vinh các nghệ nhân tài hoa, bình chọn những sản phẩm tinh hoa, báu vật gia truyền. Phải tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc của làng nghề. Công việc khôi phục và bảo vệ các làng nghề truyền thống không phải là công việc riêng của từng cá nhân, từng làng nghề mà là công việc chung của các cấp, các ngành có liên quan vì thực trạng làng nghề Việt Nam nói chung đang gặp nhiều khó khăn cần có sự quan tâm giúp đỡ giữ gìn, phát huy các giá trị trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Mỗi người dân chúng ta nên nhận thức phát triển du lịch làng nghề sẽ giúp cho ngành du lịch có thêm một nội dung mới, hình thức mới nếu biết khai thác chắc chắn có hiệu quả lớn đồng thời phát triển du lịch cũng tạo ra cơ hội cho các làng nghề phấn đấu vươn lên, xây dựng thương hiệu, tạo ra nhiều sản phẩm tinh hoa tăng khả năng xuất khẩu tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Đây cũng là hướng tích cực để khôi phục bảo vệ làng nghề truyền thống. Sự quan tâm của các chính quyến địa phương có ý nghĩa rất quan trọng  trong công việc này. Mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 14/QĐ-NBND ngày 2/1/2013 về việc phê duyệt quy hoạch nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030. Với mục tiêu chính phát triển làng nghề nhằm bảo vệ các giá trị truyền thống, đồng thời phát triển làng nghề mới. Rà soát phân loại các nghề, các làng nghề cần duy trì, bảo tồn hoặc chuyển nghề khác. Phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội…Hy vọng với sự quan tâm của UBND thành phố, du lịch làng nghề Hà Nội sẽ có bước đột phá, mở rộng và nâng tầm của nó.

Nhân đây, chúng tôi kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội và tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung:

Một là: Qua tham khảo và trực tiếp đến một số nước trong khu vước như: Nhật Bản, Thái Lan, cụ thể là tỉnh OiTa- Nhật Bản,…chúng tôi thấy cách làm của họ có chính sách trợ giá hoặc đầu tư lớn cho việc duy trì nghề truyền thống, quan tâm chăm sóc phát huy tài năng của nghệ nhân, họ phát triển khu công nghiệp nhưng cũng xây dựng các khu thủ công mỹ nghệ hoặc mỗi làng nghề có phòng truyền thống, Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nên quan tâm đến vấn đề này.

Hai là: Chương trình liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng nên tiến hành định kỳ hàng năm, tạo sân chơi cho các làng nghề nghệ nhân, các nhà quản lý, các nhà đầu tư,… nhằm liên doanh, liên kết góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc như: chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giải quyết đầu ra, đặc biệt là về xử lý chất thải của môi trường làng nghề. Nhân dịp 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) đề xuát Hà Nội nên có một số hoạt động về xử lý môi trường làng nghề, hỗ trợ cho các làng nghề phát triển bền vững với phương thức xã hội hóa Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Ba là: Hà Nội có nhiều lợi thế về các công trình văn hóa thể thao, Bảo tàng, các Trung tâm hội chợ, triển làm, trong đó có Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Ba Vì) với diện tích 1450ha nơi “sơn thủy hữu tình” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý. Đề nghị Bộ cùng với thành phố Hà Nội cho phéo tạo dựng một khu du lịch làng nghề “Một thoáng Việt Nam” và cũng là xây dựng Bảo tàng thủ công mỹ nghệ làng nghề tại đây trên cơ sở góp sản phẩm tinh hoa của các làng nghề., nghệ nhân cả nước hội tụ về với Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Lưu Duy Dần

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.476.037
Tổng truy cập: