QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Người Dao đỏ làm du lịch
(Ngày đăng: 31/08/2013   Lượt xem: 469)
Phiên chợ bán các sản phẩm thổ cẩm và giới thiệu trang phục cưới, văn hóa của người Dao đỏ “họp” ngay tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, gây ngạc nhiên pha lẫn thích thú cho nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Phiên chợ Dao đỏ ở Hà Nội

Gần chục phụ nữ Dao đỏ đến từ Sapa, Lào Cai đã tham gia phiên chợ, mang theo các sản phẩm khá đa dạng, từ ví, túi, mũ trẻ em, khăn quàng cổ, thắt lưng, khăn trải bàn, chăn... cho đến trang sức bằng đồng, bạc. Thú vị nhất là trang phục cưới truyền thống của phụ nữ Dao như áo, quần, khăn trùm đầu, tất cả đều được thêu bằng tay. Không chỉ bán hàng chuyên nghiệp, những phụ nữ này còn giới thiệu về văn hóa Dao cũng như phong tục cưới xin bằng tiếng Kinh hay tiếng Anh một cách trôi chảy. Lý Mẩy Pham cho biết, từ 6 - 8 tuổi, các bé gái dân tộc Dao đỏ đã được dạy thêu như một “môn học” bắt buộc, vì nếu không biết thêu, con gái không lấy được chồng. Ngoài những lúc đi nương, làm rẫy, bất cứ thời gian nhàn rỗi nào phụ nữ Dao lại thêu quần áo cho mình và người thân, hoặc thêu để bán.


Nguồn: Sofitel Metropole
Lý Mẩy Pham còn giới thiệu, thiếu nữ Dao đến tuổi lấy chồng, đầu năm, nhà trai sang dạm ngõ mang theo lễ vật là vải, tơ. Cô gái dùng chỗ vải, tơ đó để thêu quần áo cưới cho mình. Trong một năm, họ không phải đi làm rẫy, chỉ ở nhà để thêu. Người Dao thường tổ chức đám cưới vào khoảng tháng 9, tháng 10. Trong đám cưới, cô dâu phải mặc tất cả số quần áo thêu được. Cô dâu khéo léo, chăm chỉ thêu được 7 bộ thì phải mặc cả 7, cô nào vụng hơn cũng thêu được 2 bộ. Quan khách hai họ và bà con trong làng, xã căn cứ vào số lượng quần áo cô dâu mặc mà đánh giá cô gái ấy có đảm đang, tháo vát hay không. Sau này nếu sinh con gái, 6 tuổi, phụ nữ Dao lại có nhiệm vụ dạy con gái thêu...

Các sản phẩm thổ cẩm giới thiệu tại Hà Nội đều do chị em trong xã Tả Phìn của Pham thêu. Vải nhuộm chàm, còn chỉ thêu làm bằng tơ tằm nấu lên, kéo sợi rồi nhuộm phẩm. Họa tiết thổ cẩm được truyền lại từ bao đời nay, mang ý nghĩa tượng trưng cho các sự vật, hiện tượng từ thiên nhiên như sấm, cây thông, bông hoa mọc trên đường đi, dấu chân mèo mà người xưa thường lần theo để tìm đường, hình người trẻ con, người lớn... Những sản phẩm nhỏ như túi đeo, ví..., thêu từ 1 ngày đến 2 tuần, bộ quần áo hay chăn có khi thêu mất vài tháng (chỉ thêu lúc nông nhàn). Giá của chúng cũng tùy loại sản phẩm, một chiếc vòng đeo tay có giá khoảng 20 ngàn đồng, túi xách khoảng 250 ngàn đồng, những sản phẩm thêu cầu kỳ như chăn, khăn cưới, quần áo... ít nhất 2 triệu đồng trở lên và khách mua chủ yếu là người nước ngoài.

Phát triển du lịch bền vững

Chương trình bán hàng kết hợp giới thiệu văn hóa Dao đỏ đã được tổ chức 2 lần tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội vào cuối năm 2012 và tháng 8 vừa qua. Sự kiện này nằm trong dự án phát triển du lịch cộng đồng do Trường Đại học Capilano (Canada) phối hợp với Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức. Dự án được Hiệp hội các trường Cao đẳng Cộng đồng Canada (ACCC) thông qua với mục đích phát triển dịch vụ du lịch bền vững cho hai xã Tả Phìn và Lao Chải (Sapa, Lào Cai) và được Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình dương (PATA) tài trợ. Bà Stephanie Wells, đại diện của CBT (Du lịch cộng đồng) tại Việt Nam cho hay, bà biết đến Việt Nam thông qua một người bạn - Ts Geoffrey Bird. Ông Bird sang Việt Nam và du lịch Sapa năm 1999. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của nơi này, về nước, ông đã kêu gọi tài trợ và trở lại Việt Nam lập kế hoạch kết hợp với Viện Đại học Mở Hà Nội vào năm 2002. Sau khi khảo sát, hai xã Tả Phìn và Lao Chải được chọn để đào tạo phát triển du lịch cộng đồng. Một số nhà nghỉ dưới dạng homestay được xây dựng, bà con dân tộc Dao tại Tả Phìn và Mông tại Lao Chải được dạy tiếng Anh và các kỹ năng làm du lịch bền vững.

Phiên chợ đầy màu sắc giữa không gian sang trọng của khách sạn 5 sao Sofitel Legend Metropole Hà Nội đã thu hút khá nhiều khách du lịch nước ngoài và cả người Việt Nam. Chị Holly, một khách du lịch chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ vì gặp Sapa giữa Hà Nội. Tôi mua được một vài món đồ để làm quà lưu niệm. Tôi cũng rất ngạc nhiên và thú vị khi được nghe câu chuyện về cách họ làm ra chúng”.

Theo bà Stephanie Wells, “mục đích bán hàng chỉ là một phần nhỏ, quan trọng hơn, chúng tôi muốn giới thiệu đến khách du lịch những nét văn hóa thú vị cũng như những sản phẩm thủ công đặc sắc của người dân tộc ở Sapa. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến các dịch vụ du lịch bền vững. Hy vọng rằng, từ phiên chợ này, Sapa ngày càng thu hút nhiều khách du lịch hơn”.

Sau khi triển khai từ năm 2010, dự án tiếp tục thực hiện thêm 2 năm nữa, từ tháng 8.2012, nhằm xây dựng và phát triển khả năng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là những cá thể kinh doanh nhỏ lẻ; tìm giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực mà du lịch có thể mang đến.

                                                                                                       Theo:daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.509.059
Tổng truy cập: