QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Gỡ khó cho du lịch cộng đồng
(Ngày đăng: 08/08/2013   Lượt xem: 516)
Du lịch cộng đồng (DLCĐ)-homestay là loại hình du lịch dành cho những người thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Du khách sẽ cùng ăn, ngủ tại nhà dân, trong không gian vườn tược đơn giản, vui vẻ và thân thiện. Đây là mô hình du lịch đã được thực hiện thí điểm ở khu vực Chày Lập-do một dự án phi chính phủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mô hình này đã bộc lộ nhiều điểm yếu bởi còn quá nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai...

Quá nhiều vướng mắc

Để tìm hiểu kỹ hơn về mô hình DLCĐ, chúng tôi đã có chuyến đi thực tế tới thôn Chày Lập (xã Phúc Trạch, Bố Trạch), một trong những nơi được chọn làm điểm về DLCĐ. Khu vực này vẫn thơ mộng với non xanh nước biếc, ruộng đồng xanh tươi.

Tuy nhiên, lượng khách đến thì rất thưa thớt. Những khu miệt vườn để phục vụ du khách cùng ăn cùng ở với dân vì thế càng trở nên vắng vẻ. Hợp tác xã DLCĐ Chày Lập khi mới thành lập có gần 20 hộ đăng ký tham gia, nhưng mới chỉ có một nhà được đầu tư cơ sở vật chất, phòng nghỉ để phục vụ du khách lưu trú. Cổng khu vườn dành cho khách nghỉ cũng đóng im lìm, phải đợi 30 phút sau chúng tôi mới gặp được chủ nhà, vì bây giờ đang trong thời gian làm đồng.

Ông Phạm Khai, chủ nhà cho biết: “Từ khi bước vào thực hiện mô hình cho đến nay lượng khách nhìn chung ở mức thấp và ít biến động. Tính trung bình 1 tháng chỉ có 2-3 lượt khách và chủ yếu mỗi lượt như vậy chỉ khoảng 3-4 người. Phần lớn, du khách thường ngủ lại chỉ một đêm. Rất hiếm trường hợp ở lại qua đêm thứ hai. Đây là điều ông Khai cảm thấy tiếc nuối nhất bởi tiềm năng du lịch trong vùng khá lớn, hoàn toàn có đủ khả năng để giữ khách lâu hơn. Vướng mắc đầu tiên mà gia đình ông Khai cũng như những gia đình trong HTX đang mắc phải chính là vấn đề thu nhập. Họ đều rơi vào cảnh "dùng dằng" giữa hai yếu tố làm du lịch và bảo đảm cuộc sống. Hai yếu tố này hiện không tỉ lệ thuận cùng nhau.

Ông Khai cho biết thu nhập của gia đình từ khi làm DLCĐ rất bấp bênh. Với lượng khách như hiện tại thì mỗi tháng gia đình ông chỉ thu được hơn 1 triệu đồng. "Dù mỗi khách khi vào lưu trú tại đây phải trả chi phí 220 nghìn đồng mỗi đêm. Nhưng số tiền này phải chia nhỏ. Trong đó, hồi lại cho dự án 50 nghìn đồng tiền chi phí đầu tư, nộp thuế 18%, nộp cho Qũy DLCĐ 15 nghìn đồng. Còn lại gia đình hưởng 100 nghìn đồng. Con số này không đủ để bảo đảm cuộc sống cho 4 miệng ăn trong gia đình", ông nói. Vậy nên, gia đình không thể chỉ tập trung làm du lịch mà phải chia thời gian cho việc làm ruộng. Hiện tại, gia đình ông Khai phải làm hơn một mẫu lạc và ngô để tăng thêm thu nhập, nếu chỉ trông chờ vào làm du lịch thì không đủ để lo cho con cái và trang trải cuộc sống.

 Ông Khai, chủ hộ gia đình tham gia dự án DLCĐ tại Chày Lập lau chùi khu nhà phục vụ du khách homestay. Đã lâu căn phòng này không có khách đến.

Vướng mắc mà ông Khai và những gia đình trong HTX đang mắc phải như trên được ông Võ Xuân Thái, Chủ nhiệm HTX DLCĐ giải thích là do họ hoàn toàn không chủ động được nguồn khách đến, mà chủ yếu là từ phía dự án giới thiệu về. Trước đó là dự án phi chính phủ của Mỹ, hiện tại là Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông phụ trách việc này.

Vướng mắc lớn thứ hai mà những người tham gia dự án DLCĐ đang gặp phải là vấn đề ngoại ngữ. Du khách nước ngoài rất thích mô hình DLCĐ, họ muốn được ra đồng làm cỏ, thích được gặt lúa, thích trải nghiệm tất cả những hoạt động diễn ra hằng ngày của người nông dân, với họ mọi thứ đều lạ lẫm nhưng để đáp ứng được những điều đó là một vấn đề khá khó khăn. Bởi sự khác biệt ngôn ngữ là một rào cản lớn, trong khi những người trong HTX đều là nông dân.

“Chúng tôi không hiểu du khách nói gì và ngược lại, nhiều lúc trong đoàn có người phiên dịch thì còn đỡ, những đoàn  không có thì tôi phải dùng cử chỉ để “cố” giãi bày cho khách hiểu. Chính vì không giao tiếp được nên khả năng làm vừa lòng khách rất khó và việc tự môi giới khách là không thể", ông Khai chia sẻ.

Du khách nước ngoài đến Chày Lập
                                                 Du khách nước ngoài đến Chày Lập

Ông Thái cho biết thêm, người dân địa phương cũng thiếu năng lực làm du lịch, từ người quản lý cho đến nhân viên đều chưa có kinh nghiệm nên còn gặp nhiều thiếu sót. Trong khi đó khả năng tự quảng bá du lịch để thu hút khách còn rất hạn chế. Một vấn đề nữa đặt ra là hiện tại khu nghỉ dưỡng dành cho khách chỉ có hai phòng, nhiều lúc 2 vị khách nước ngoài đến thuê một phòng, còn thừa lại một phòng nhưng khi có đoàn khác đến với số lượng nhiều hơn lại không sắp xếp được chỗ nghỉ. Bởi một đoàn đi chung với nhau, phải chia ra để ngủ chung với đoàn khác thì khách không chịu nên thường đi thuê phòng ở chỗ khác, tình trạng bị mất khách như vậy thường xuyên xảy ra.

Ông Thái nói: “Nếu như không tháo gỡ được những vướng mắc này thì DLCĐ khó có thể phát triển được”.

Homestay tư nhân có phải là giải pháp?

Trong tình hình DLCĐ đang gặp phải nhiều vướng mắc và chưa phát huy được hiệu quả như hiện nay thì mô hình DLCĐ của chị Trần Thị Diện (xã Hưng Trạch) có thể coi là một hướng đi mới. Mô hình DLCĐ của chị Diện là tự phát, mang tính cá nhân, được thành lập cách đây 3 tháng nhưng lại có lượng khách lưu trú khá đông, trung bình 50 khách/1 tháng, thời gian lưu trú cũng khá dài, có khách ở lại qua đêm đến 10 ngày và hầu như ngày nào cũng có khách.



Mô hình homestay tự phát của chị Diện lại đón khách thường xuyên.

Chị Diện mồ côi cả cha lẫn mẹ từ gần chục năm trước. Ngôi nhà bố mẹ để lại cho mấy chị em chỉ là ngôi nhà gỗ đơn sơ. Học xong cấp III, chị Diện phải tạm dừng việc học và vào Hội An (Quảng Nam) làm thuê tại một quầy bar ở đây. Tận dụng môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài, chị "học lỏm" ngoại ngữ từ họ.

Sau 2 năm làm quầy ba, vốn tiếng Anh đã kha khá, chị về quê tại xã Hưng Trạch và quyết định mở dịch vụ Homstay ngay tại ngôi nhà của bố mẹ để lại. Chị vay mượn một số vốn ban đầu để đầu tư mười chiếc giường, cùng 6 chiếc xe đạp để cho khách du lịch thích cảm giác sống ở đồng quê đến ở và giới thiệu khách đạp xe vãn cảnh làng quê. Tận dụng vốn ngoại ngữ, chị nhờ những người khách đã đến ở nhà chị giới thiệu cho những người bạn khác.

"Khách thích homstay và chọn homstay là họ cần sự thân thiện và trải nghiệm cuộc sống của dân quê. Mình phải có vốn ngoại ngữ để nói chuyện trao đổi với họ thì mới làm cho chuyến du lịch của họ trở nên thú vị và có ý nghĩa. Từ đó họ mới giới thiệu cho bạn bè của họ đến", chị Diện chia sẻ.

Hiện tại lượng khách đến với mô hình DLCĐ của chị Diện được đánh giá là nhiều hơn rất nhiều so với lượng khách tham gia lưu trú tại các hộ gia đình được Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông đầu tư. “Khách nước ngoài sống rất tình cảm, họ thích được nói chuyện và tìm hiểu các hoạt động hằng ngày của mình, thích được đi cắt lúa hái dưa. Hiểu được điều đó, tôi thường tổ chức cho khách đi làm đồng cùng với gia đình, tổ chức các trò chơi, giới thiệu các địa điểm du lịch hấp dẫn cho họ, du khách đến với mô hình của chúng tôi đều rất thích thú. Phải biết chiều khách để họ còn “dắt mối” cho mình, rất nhiều du khách tìm đến chỗ chúng tôi theo sự hướng dẫn của những người đã từng nghỉ tại đây. Dù mới thành lập hơn 3 tháng nhưng đã có nhiều khách quay lại đây để lưu trú”, chị Diện kể.

Ông Lê Thế Lực, Giám đốc Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông tỉnh Quảng Bình cho biết, để phát triển DLCĐ một cách bền vững, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, cần phải có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới. Hiện dự án đang xây dựng thêm những khu lưu trú mới ở Chày Lập để phục vụ du khách tốt hơn.

Ngoài ra, phía dự án cũng đã lập đề án để phát triển hình thức du lịch này. Trong đó chú trọng đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm nằm trên tuyến du lịch chính của tỉnh phù hợp với tâm sinh lý của du khách. Nâng cao công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ tại các làng DLCĐ. “Nếu cứ duy trì hoạt động của HTX DLCĐ như hiện nay thì khó có thể phát huy được hiệu quả.

Chính vì vậy, chúng tôi đã đề ra hai phương án để có thể lựa chọn vận dụng trong thời gian tới nhằm phát triển DLCĐ. Thứ nhất là kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành cùng hợp tác với HXT DLCĐ và thứ hai là để cho doanh nghiệp lữ hành đứng ra đấu thầu, sau đó thuê HTX DLCĐ làm dịch vụ thay cho họ. Tuy vậy hiện phía dự án vẫn chưa quyết định sẽ chọn phương án nào bởi phải cân đối phương án tối ưu nhất để vừa phát triển DLCĐ vừa bảo đảm yếu tố trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ cơ sở vật chất cho DLCĐ", ông Lực nói.

                                                                                                                  Theo:thethaovietnam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.507.874
Tổng truy cập: