QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Đặc sắc du lịch văn hóa Hòa Bình
(Ngày đăng: 11/07/2013   Lượt xem: 587)
Là cái nôi của người Mường cổ, mảnh đất Hòa Bình được biết đến với nhiều nét văn hóa đặc sắc, nơi quy tụ gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Cùng với đó là trên 50 bản, làng du lịch – văn hoá, đều là những nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Đây là lợi thế cho du lịch văn hóa Hòa Bình hấp dẫn du khách thập phương – Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL chia sẻ về tiềm năng của ngành du lịch Hòa Bình hiện có.

Đến với Hòa Bình, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về nếp sinh hoạt, tính thân thiện và cuộc sống mộc mạc của người dân bản địa. Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi nét nguyên sơ của nếp nhà sàn đức tính giản dị và hiền hòa của con người nơi đây. Cùng với người Mường, người Thái, Tày, Dao, Mông… sống xen kẽ, hòa hợp với nhau đã tạo nên sự phong phú và đặc sắc của các giá trị văn hóa. Đó là nét riêng của ngành du lịch Hòa Bình đang hướng đến khai thác, đầu tư cũng là định hướng xác đáng đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007 – 2010, định hướng đến năm 2015: cần gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương.

 

Giá trị văn hóa được ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lế hội. Các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc như: lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội chùa Hang (Yên Thuỷ), lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao... được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, hướng về nguồn cội đã làm thỏa mãn những du khách đam mê khám phá các giá trị cổ truyền. Cùng với các lễ hội, nhiều di tích văn hóa tín ngưỡng được các cấp bảo tồn và phát huy với nhiều hình thức: sưu tầm các di vật, cổ vật trên địa bàn; khơi dậy các sản phẩm du lịch độc đáo nhạc cụ cồng chiêng của người Mường. Đặc biệt, cái nôi văn hóa của người Việt cổ giờ đây được in đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ như hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ, hang xóm Trại (Lạc Sơn), hang Chổ (Lương Sơn)… Nhờ phát huy được các giá trị văn hóa đó, Hòa Bình ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đón khoảng 885.000 lượt khách du lịch, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế, 735.000 lượt khách nội địa tăng 20% so với cùng kỳ của năm 2012.

 

Đến với mảnh đất Hòa Bình, du khách muốn một lần được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Du lịch cộng đồng được nhiều du khách đặc biệt người nước ngoài yêu thích, lựa chọn. Với trên 50 bản, làng du lịch – văn hóa, nơi đây vẫn còn giữ được cảnh quan hoang sơ, những phong tục, tập quán của đồng bào chưa mai một trong cuộc sống hiện đại. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12 km, bản Giang Mỗ (Bình Thanh – Cao Phong) là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài. Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản Giang Mỗ là những nếp nhà sàn dân tộc Mường, sau bao nhiêu năm tháng vẫn giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc với gần 100 ngôi nhà sàn của người Mường còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung, nỏ săn bắn, ruộng bậc thang cùng phương thức làm ruộng truyền thống, các lễ hội, phong tục tập quán Mường được người dân tái hiện từ thực tế cuộc sống. Xa hơn, du khách có thể về với bản Cú (Tử Nê – Tân Lạc), bản Lác (Chiềng Châu – Mai Châu) hay bản Bước (Xăm Khòe - Mai Châu)… Du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác hơn 10 năm nay, tuy nhiên đã đem lại lợi ích thiết thực. Từ phát triển kinh tế, người dân đã ý thức được giữ gìn nếp sống hàng ngày, bản sắc văn hóa và đó là một yếu tố tạo nên thành công cho du lịch cộng đồng.

 

Cũng theo đồng chí Lưu Huy Linh, Hòa Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa khai thác được thế mạnh đó. Để tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch phải xây dựng chương trình hành động để có thể quảng bá rộng rãi những giá trị độc đáo của nền văn hóa cổ truyền./.

                                                                                            Theo: Báo Hòa Bình

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.507.003
Tổng truy cập: