Làng lụa Vạn Phúc
Làng nghề truyền thống - làng cách mạng – làng Du lịch - Hội nhập và phát triển

Cổng làng lụa Vạn Phúc
Làng nghề truyền thống.
langnghevietnam.vn (LNVN) - Mỗi khi nhắc đến làng lụa Vạn Phúc,
dường như ai cũng dành cho làng lụa một tình cảm đặc biệt bởi lụa Hà Đông đã
khắc sâu vào tâm trí mọi người trong những câu thơ, bài hát, trong hình ảnh
người con gái thướt tha áo lụa Hà Đông.
“The La lụa Vạn Sồi Phùng
Vải tơ Nam Định lụa hàng Hà Đông”
Làng lụa Hà
Đông hay Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc,
thuộc Hà Đông, (cách trung tâm Hà Nội khoảng
10 km) là
một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Nằm cạnh bên
bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính đậm chất quê
ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình.
Làng Vạn Phúc trước kia vốn
có tên là Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Theo truyền
thuyết, cách đây khoảng hơn 1100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền,
thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà
đã dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm
thành hoàng làng. Sản phẩm lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn đặc sắc và lâu đời
bậc nhất Việt Nam, Lụa Vạn
Phúc từng được chọn may trang phục cho triều đình.
Sản phẩm Lụa Vạn Phúc đã
được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1932), được
người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp.
Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông
Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho Việt
Nam.Năm 2009, làng Vạn Phúc
có khoảng 1000 khung dệt, sản xuất nhiều loại lụa cung cấp cho thị trường trong
và ngoài nước, trong đó có các loại lụa cao cấp như lụa vân quế hồng diệp, lụa
vân lưỡng long song phượng,…
Năm 2010, để kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,
nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, đã
thiết kế mẫu lụa Long Vân với hoa văn mang hình tượng lưỡng long chầu Khuê Văn Các được cách điệu trong hình ảnh
hoa sen rất
tinh tế và có dấu ấn riêng.
Mặt hàng dệt tơ lụa Vạn
Phúc có nhiều loại: Lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ,
cầu, đũi. Khổ vải thường là 90–97 cm. Theo ca dao truyền miệng, nổi
tiếng nhất trong các loại lụa Vạn Phúc có lẽ là lụa vân - loại lụa mà hoa văn
nổi vân trên mặt lụa mượt.Cùng với các làng nghề truyền thống
khác của Hà Nội như Bát Tràng, mây tre Phú Vinh… làng lụa Vạn Phúc đang hướng
đến phát triển theo mô hình làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch. Với
lịch sử là làng nghề truyền thống, dệt lụa lâu đời cùng với vị trí địa lý thuận
lợi về giao thông thì đây là thế mạnh trong quá trình phát triển làng nghề.
Làng cách mạng
Làng
dệt lụa ấy còn nổi tiếng là “Làng cách mạng” bởi trong thời kỳ đấu tranh giành
chính quyền, đây là một trong các cơ sở cách mạng vững mạnh nằm trong ATK (An
toàn khu) của Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhiều cơ quan, cán bộ lãnh đạo của Đảng, trong đó
có vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, đã từng ở và làm việc tại Vạn Phúc qua nhiều
thời gian, được chi bộ Đảng và quần chúng bảo vệ an toàn.
Mặc dù thời gian và chiến tranh đã tàn
phá đi một số di tích lịch sử, nhưng người Vạn Phúc vẫn giữ được nhiều di tích
cách mạng quý giá: Nhà cụ Nguyễn Quang, xóm Quyết Tiến, nơi các đồng chí lãnh
đạo của Đảng như Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần
Đăng Ninh… đã từng ở và làm việc. Nhà cụ Ba Niệm, cụ Bính Thu xóm Hạnh Phúc, là
nơi đặt cơ quan và xưởng in báo Cứu quốc do đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Nhà
cụ Ba Niệm cũng là nơi Xứ ủy Bắc Kỳ họp Hội nghị phát động khởi nghĩa giành
chính quyền tháng 8/1945. Nhà cụ Tý Hà xóm Độc Lập, nơi ở và làm việc của đồng
chí Tổng bí thư Trường Chinh… Đình làng Vạn Phúc - một công trình có giá trị về
kiến trúc - cũng là di tích cách mạng. Đình được xây dựng cách đây trên 10 năm
gồm Hậu cung, Phương đình tám mái và 10 gian tả mạc, thờ bà Lã Thị Nga - tổ
nghề dệt lụa làng Vạn Phúc. Sân đình rộng từng là nơi quần chúng tập trung biểu
tình, đấu tranh chống chính sách thuế khóa nặng nề của thực dân phong kiến,
chống âm mưu chiếm đoạt ruộng đất công của Phủ thống xứ Bắc Kỳ… Chùa Vạn Phúc ở
ngay đầu làng cũng là nơi diễn ra cuộc biểu tình đưa dân nguyện cho Goda
(Godard) đại diện của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp khi Tổng đốc Hoàng Trọng
Phu đưa ông này về thăm Vạn Phúc. Đây là cuộc đấu tranh lớn, có tới 500 quần
chúng, mở đầu cho cao trào đấu tranh dân chủ sôi động và rộng lớn của Hà Đông.
Tuy nhiên, di tích lịch sử cách mạng giàu ý nghĩa và quan trọng nhất ở Vạn Phúc
là Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Quyết Tiến.
Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn
trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc ở Vạn Phúc, tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn
Dương, từ ngày 3/12 đến 9/12/1946. Trong thời gian ở đây, Người đã cùng các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng.
Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị
Ban thường vụ Trung ương mở rộng, phát động cuộc toàn quốc kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược. Những đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng
chiếm được vạch ra tại hội nghị này đã được thể hiện trong Chỉ thị “Toàn quốc
kháng chiến” của Đảng. Hội nghị cũng đã thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng
chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Tối 19/12/1946, Bác rời Vạn Phúc về ở
và làm việc tại Xuyên Dương, một làng ven sông Đáy thuộc huyện Thanh Oai.
Nhà lưu niệm Vạn Phúc chính là tấm
lòng của người làng dệt lụa dành cho Bác. Và những ngày tháng 5 này, nơi đây
cũng là một trong những “điểm đến” của mọi người để nhớ về vị lãnh tụ kính yêu
của dân tộc.Làng Du lịch - Hội nhập và phát triển
Cuối năm 2012, Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội đã tiến hành khảo sát để xây dựng một
số tuyến, điểm tham quan tại làng lụa Vạn Phúc nhằm thúc đẩy trở thành tâm điểm
du lịch làng nghề. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội ông Mai Tiến
Dũng nhấn mạnh, với tiềm năng du lịch phong phú, nằm gần trung tâm thành phố Hà
Nội, có khả năng thu hút khách du lịch tới tham quan, Vạn Phúc luôn coi du lịch
là một trong những hướng phát triển chính. Nhưng hiện tại Vạn Phúc vẫn chưa thu
hút nhiều khách. Nguyên nhân là do nhận thức về du lịch của người dân còn hạn
chế, hạ tầng chưa đảm bảo, các dịch vụ du lịch còn đơn giản, không có tính
chuyên nghiệp.
Để đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói này cần sự hợp tác đầu tư
và giúp đỡ của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Đứng trước nhiều thách thức, khó
khăn trong tình hình mới, Vạn Phúc đã nỗ lực thu hút khách hàng dựa vào thương
hiệu, vào những sản phẩm chất lượng cao và vào sự tâm huyết của những nghệ nhân
xứ lụa.Ngoài ra, Vạn Phúc đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, nhằm quảng
bá hình ảnh của lụa Hà Đông. Có thể kể tới là chương trình Lễ hội du lịch làng
nghề hàng năm do Sở Du lịch Hà Tây (nay là Sở Du lịch Hà Nội) phối hợp nhiều
công ty du lịch trong và ngoài nước thực hiện. Đó chính là một ngày hội lớn, là
cơ hội để người dân xứ lụa giới thiệu với bạn bè và du khách về nét đặc sắc,
độc đáo và tinh tế của sản phẩm lụa Hà Đông.
Trưởng đoàn OVOP tham quan tại cơ sở Dệt lụa truyền thống của Nghệ nhân Triệu Văn Mão) - Ảnh : Nguyễn Vân
Khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu về với thiên nhiên, về với
những nét văn hóa truyền thống ngày càng tăng cao. Vạn Phúc ngày nay cũng đang
cố gắng tập trung phát triển những thế mạnh, nhằm phát huy tiềm năng du lịch
một cách hợp lý và xứng tầm. Thêm vào đó, Hiệp hội làng nghề cũng đang kết hợp
các hãng du lịch như Vinatour tổ chức đưa khách du lịch tham quan quê lụa, phối
hợp thực hiện các chương trình truyền hình quảng bá nét độc đáo, đặc sắc của
làng nghề tới công chúng. Đầu tư phát triển du lịch và thực hiện những phương
thức tiếp thị hiệu quả sẽ đóng vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển và
giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc tới bạn bè trong khu vực và quốc tế. Trong thời gian tới, Sở sẽ hoàn
thành bài thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch này, từ đó phổ biến đến các doanh
nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn thành phố.
Sản phẩm lụa Vạn Phúc hiện nay đã có
mặt trên thị trường cả trong và ngoài nước, trong hành lý của người Việt khi ra
nước ngoài và là nơi tìm đến của khách du lịch khi tới Việt Nam. Mặc dù Hà
Nội đã có riêng con phố Hàng Gai chuyên bán mặt hàng tơ lụa nhưng khách du lịch
vẫn tìm đến tận nơi để cảm nhận được sự mượt mà của lụa từ chính ngôi làng làm
nên nó. Ngoài các loại tơ tằm như vân, sa, quế, sa tanh hoa các loại đủ màu sắc thì sản phẩm từ lụa vô
cùng đa dạng, từ quần áo, túi xách, ví cho đến khăn quàng… mỗi sản phẩm đều có
một nét riêng từ kiểu dáng tới hoa văn. Người Vạn Phúc cũng rất thức thời, bởi
vậy con phố tơ lụa đầu làng xen lẫn biển hiệu tiếng Việt còn có biển hiệu tiếng
Anh, tiếng Nga dành cho khách du lịch đến tham quan mua sắm.Thực hiện Nghị
định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công
nghiệp nông thôn, hưởng ứng phong trào “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Nam ”, “ Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ; với mục đích bảo tồn, phát
huy các giá trị của ngành nghề truyền thống Việt Nam trong công cuộc xây dựng
đất nước thời kỳ hội nhập, quảng bá những sản phẩm TCMN, quà tặng có hàm lượng
văn hóa cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại phục vụ du lịch, du lịch làng nghề ;
được sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
thông qua Cục Chế biến - Thương mại Nông, Lâm, Thủy sản và nghề Muối, Hiệp hội
Làng nghề Việt Nam chủ trì phối hợp với UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP.
Hà Nội tổ chức “Hội nghị khách hàng các
sản phẩm làng nghề ” vào ngày 4/6/2013 tại Làng nghề truyền thống lụa Vạn
Phúc. Hội nghị nhằm tạo cơ hội mở rộng xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản
phẩm làng nghề, đồng thời tạo điều kiện xây dựng một tụ điểm du lịch làng nghề,
một sân chơi của sản phẩm làng nghề gắn với bối cảnh không gian làng quê cùng
cây đa, giếng nước, sân đình... mang bản sắc văn hóa truyền thống, văn hóa tâm
linh, văn hóa du lịch của dân tộc Việt Nam.
Phương Anh