TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Làm thế nào để phát triển làng nghề Việt ?
(Ngày đăng: 09/01/2012   Lượt xem: 3314)

 Thực tế cho thấy kinh tế nông thôn gắn liền với nông nghiệp có nhiều hạn chế nhất định. Nông dân ở nhiều vùng nông thôn không thể làm giàu được trên mảnh ruộng của mình dù đã cố gắng xoay xở hết cách. Làng nghề sẽ mở ra cho nông dân một hướng làm ăn mới, tận dụng thời gian buổi nông nhàn. Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết đặt ra, là làm thế nào để phát triển làng nghề một cách bền vững?

 *Ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam:           

 “Nhà nước cần quan tâm hơn đến thành phần kinh tế tư nhân nhỏ ở làng nghề”

       

Một điều tra của Bộ Công nghiệp cho thấy làng nghề VN đang sử dụng 1,3 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và 3-5 triệu lao động thời vụ đã khẳng định được vị trí quan trọng của làng nghề trong nền kinh tế chung.  Thu nhập của người lao động hưởng lương ở các làng nghề hiện phổ biến khoảng 600.000-1.500.000 đồng, cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ làm ruộng lúa, đặc biệt là vùng đất hẹp người đông như đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, khu vực kinh tế làng nghề, đặc biệt là các nghề truyền thống, còn có một ý nghĩa khác là sử dụng được lao động già cả, khuyết tật, trẻ em mà các khu vực kinh tế khác không nhận

Hầu hết làng nghề nào có cơ sở, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì làng nghề đó phát triển. Họ có vốn, có sự nhạy bén thị trường, có khả năng tổ chức. Họ hoạt động như đầu tàu chính kéo theo cả đoàn tàu là làng nghề đi lên. Còn những làng nghề đang gặp khó khăn thường do sản phẩm làm ra không phù hợp với thị trường, sản xuất manh mún, cò con, ngại đối đầu rủi ro, thiếu sự liên kết với nhau Nhiều làng nghề mới chỉ biết tập trung sản xuất, chưa chú trọng khâu tiếp thị, kinh doanh. Sản phẩm họ làm ra đến được khách hàng phải qua nhiều khâu trung gian, làm lợi nhuận thu về rất thấp...

Tuy nhiên, để các làng nghề phát triển cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ làng nghề đến chính sách vĩ mô. Bản thân các cơ sở sản xuất ở làng nghề phải biết liên kết lại với nhau để thành những cơ sở, những doanh nghiệp mạnh ở ngay trong làng.  Vấn đề quan trọng là các chính sách vĩ mô để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Lâu nay, Nhà nước với các chính sách, nguồn vốn của mình luôn chú trọng đến các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là quốc doanh, mà lơ là các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở sản xuất ở làng nghề Chỉ khi nào Nhà nước quan tâm hơn đến thành phần kinh tế tư nhân nhỏ ở làng nghề bằng các giải pháp cụ thể như chính sách thông thoáng, nguồn vốn dễ tiếp cận, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, giúp đỡ giải quyết ô nhiễm môi trường... thì các làng nghề mới phát triển đồng bộ được.

 Ông Trịnh Thành Trung, Quản lí điều hành Cty CP Azet Việt Nam:

             “Mỗi làng nghề cần một cái Chợ” 

        

     Tôi thiết nghĩ, mỗi làng nghề phải có một cái chợ để quảng bá sản phẩm của mình. Chợ đã là nét văn hóa quen thuộc của người Việt. Chợ là nơi diễn ra hoạt động mua bán hay trao đổi các sản phẩm, hàng hóa khác nhau, từ những loại sản phẩm dùng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người đến các chủng loại sản phẩm khác. Mỗi chợ có thể gồm nhiều khu vực riêng biệt, mỗi khu vực lại có những dãy gồm nhiều gian hàng khác nhau. Ngày nay chợ còn được hiểu rộng hơn đó là thị trường. Có thể thấy với mỗi làng nghề, chợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đó là nơi mà người thợ có thể giới thiệu và phô diễn nét tài hoa của nghề làng mình với du khách cũng như người mua. Chợ gốm Bát Tràng trở thành điểm thu hút khách du lịch. Cứ đến chợ là đã biết rõ tất cả các mặt hàng của làng nghề đó. Tại đây, có đến hàng trăm hàng ngàn mẫu mã sản phẩm, từ cái bình hoa nho nhỏ cho đến những lọ lục bình trị giá hàng triệu đồng, thỏa sức cho du khách ngắm nghía, mua sắm hay chụp ảnh kỷ niệm. Không thể phủ nhận chợ đã trở thành một điểm đến, là nơi phát triển thương hiệu của mỗi làng nghề. Nhắc đến gốm, người ta nghĩ đến chợ gốm Bát Tràng, nhắc đến vải, người ta nghĩ đến chợ vải Ninh Hiệp hay nhắc đến Lụa, người ta nghĩ đến chợ lụa ở Hà Đông…. Quả thật, chợ cần thiết với mỗi làng nghề để lưu giữ nét văn hóa độc quyền của riêng mình, để phát triển kinh tế. Nhưng thực tế, ngày nay rất nhiều làng nghề không hề có được cái chợ để giới thiệu sản phẩm của mình. Đó phải chăng cũng là lý do để các làng nghề Việt Nam chưa thực sự phát triển như mong đợi ?

*Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển - Làng nghề đúc đồng Phước Kiều - Quảng Nam:

 “Cần phát triển làng nghề một cách bền vững”

        

  40 năm gắn bó với nghề đúc đồng truyền thống, nghệ nhân Dương Ngọc Tiển đã trải qua rất nhiều thăng trầm của làng nghề. Không thể kể hết niềm vui vào những ngày đầu thế kỉ XX, làng nghề đúc đồng Phước Kiều rộn ràng tiếng đục đẽo, tiếng khách đến đặt mua sản phẩm. Không chỉ nổi tiếng ở các sản phẩm chuông, trang trí nội thất mà thương hiệu cồng chiêng từ làng nghề vang xa khắp bốn phương. Phước Kiều trở thành nơi cung cấp gần hết cồng chiêng cho cả nước.

  Tuy nhiên sau năm 1975, làng nghề đúc đồng Phước Kiều im ắng hẳn khi mọi người chuộng kèn Tây thay cho chiêng, dùng đồ gỗ, đồ nhựa thay đồ đồng. Người dân trong làng, nhất là thanh niên bỏ làng đi kiếm việc khác để có thu nhập. Những người như chúng tôi nhìn nghề mà xót, tìm mọi cách để vực dậy làng nghề. Khi Cồng chiêng Tây nguyên được công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, nghề đúc đồng Phước Kiều lại hồi sinh. Bây giờ, những nghệ nhân như chúng tôi sẽ phải tìm cách để phát triển nghề một cách bền vững. Trước tiên, chúng tôi thành lập các cơ sở đúc đồng để sản xuất các sản phẩm tinh xảo và tìm đầu ra. Từ khi đi sâu vào thị hiếu người tiêu dùng, sản xuất các sản phẩm nhỏ đáp ứng nhu cầu của du lịch, làng nghề lại rộn ràng tiếng gõ, tiếng đục. Đặc biệt, chúng tôi kết hợp du lịch làng nghề, tổ chức các chương trình ca nhạc, lễ hội và giới thiệu sản phẩm của làng nghề. Đây là cách hiệu quả nhất để tiếng vang làng nghề đi xa. Hơn thế nữa, chúng tôi đặt nền móng từ thế hệ trẻ, giúp giới trẻ hiểu rằng sản phẩm của làng nghề chính là sản phẩm tinh thần, cần phải giữ nghề của cha ông để lại. Chúng tôi cũng đầu tư phát triển việc đúc các tác phẩm chuông. Đây là những tác phẩm vừa có hình, vừa có thanh. Âm thanh từ quả chuông giúp mỗi người hướng về tổ tiên, về cội nguồn; giúp người chết siêu thoát; người sống bỏ dữ làm lành.

 * Nghệ nhân Phạm Thị Hoài - Làng nghề thêu Văn Lâm – Ninh Bình:           

 “Cần phải biết tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình”

       

  Nghe các cụ kể lại, làng nghề thêu Văn Lâm đã trải qua nhiều thăng trầm. Không thể quên thời kỳ nghề thêu Văn Lâm im ắng bởi sự du nhập của thời trang ngoại. Tuy nhiên, vẻ đẹp của sản phẩm thêu Văn Lâm đã giúp chính làng nghề đứng dậy, đứng vững và phát triển. Thời gian gần đây, các cơ sở sản xuất hàng thêu đã chủ động mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, thu hút khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những người thợ thêu trẻ như chúng tôi cần phải có nhiều nhiệm vụ hơn nữa. Trước tiên là phải nâng cao chất lượng các sản phẩm thêu, đa dạng mẫu mã. Đặc biệt, để phát triển bền vững nghề thêu, mỗi người phải biết giới thiệu sản phẩm tuyệt vời của mình. Khi thực hiện tác phẩm "Cội xưa" với đề tài lịch sử các thời vua Đinh, Lê và Lý với kinh đô Hoa Lư cùng với những hình ảnh đặc trưng về địa hình “núi trong sông, sông trong núi” chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một cách trực tiếp chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm của mình. Mỗi người, mỗi nghệ nhân phải hiểu rằng để phát triển làng nghề hơn hết cần phải biết tạo thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề mình. Bởi có biết người dân mới sử dụng sản phẩm, có sử dụng mới thích và tìm đến với sản phẩm ngày càng nhiều.

                                                                                                            Nhóm PV

 

 

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.470.191
Tổng truy cập: