Cần có một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng để phát huy làng nghề trong thời gian tới. Đây là chia sẻ của ông Trịnh Quốc Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Ông nhận định như thế nào về sự phát triển làng nghề trong những năm qua?
Ông Trịnh Quốc Đạt: Những năm gần đây, các làng nghề ở Việt Nam đã khởi sắc, các làng nghề phát triển theo nhiều xu hướng, trong đó có xu hướng kết hợp giữa sản xuất và du lịch làng nghề. Đó là một hình thức mới đem lại giá trị gia tăng. Hiện nay nhiều làng nghề, phố nghề đang là bộ mặt văn hóa, du lịch, đồng thời kết nối với nhau cùng phát triển mạnh mẽ.
Các sản phẩm của làng nghề, nhất là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang hồn cốt, bản sắc của dân tộc, đó là những tinh hoa văn hóa quý cần bảo tồn và phát triển. Trong ý thức của người dân làng nghề đều rất trân trọng các vốn nghề và kỹ năng nghề của các cụ ngày xưa truyền lại. Điều đáng mừng là lớp trẻ hôm nay rất tài năng, họ hun đúc được lòng yêu nghề, tinh hoa nghề của cha ông truyền lại cộng với sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tạo ra những bước phát triển vượt bậc.
Họa sĩ Trịnh Bách phối hợp với các nghệ nhân của một số làng nghề để khôi phục đèn lồng Trung thu từng rất phổ biến một thời. Ảnh: Lê Minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì sự phát triển của làng nghề đến giai đoạn này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề. Đa số các làng nghề hiện vẫn tự bươn chải, dẫn đến mạnh ai nấy làm. Theo ông nguyên nhân do đâu?
- Đây cũng là trăn trở của chúng tôi. Điều mà người lao động làng nghề quan tâm nhất chính là đầu ra của sản phẩm.
Cùng với đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng khá nan giải, nhất là tại các làng nghề như gỗ, gốm, đồng… Nhà nước đã có những biện pháp để giải quyết một phần vấn đề này, như tổ chức quy hoạch để đưa cơ sở sản xuất tập trung ở một nơi, có biện pháp xử lý chất thải. Nhưng những làng nghề được quy hoạch như vậy vẫn còn rất ít. Ngay cả việc sau quy hoạch, do không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên không giải quyết triệt để, thấu đáo.
Từ những nhu cầu cấp thiết của thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng và ban hành Luật Làng nghề để điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Việc xây dựng và ban hành Luật Làng nghề là hết sức cần thiết. Khi có Luật về làng nghề như là cánh cửa được mở rộng, góp phần thúc đẩy và bảo tồn sự phát triển của làng nghề. Hiệp hội Làng nghề cũng đã đưa ra vấn đề này từ lâu, bởi luật sẽ điều chỉnh được mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn trên quan điểm hài hòa lợi ích cộng đồng với lợi ích quốc gia, khi luật ra đời sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề hiện nay.
Đặc biệt, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng rất cấp thiết, hiện nay nhiều người cứ thấy hay, thấy đẹp là sao chép, thậm chí đánh cắp ý tưởng, mẫu mã rồi làm nhái một cách tràn lan, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: daidoanket.vn