TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tháo gỡ vướng mắc cho bảo tàng ngoài công lập
(Ngày đăng: 25/03/2024   Lượt xem: 88)

Luật Di sản văn hóa ra đời đã tạo điều kiện cho sự hình thành của các bảo tàng ngoài công lập với số lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều quy định không còn phù hợp, cần sớm sửa đổi, bổ sung để khuyến khích sự phát triển của loại hình bảo tàng này, góp phần gìn giữ di sản.

Bảo tàng ngoài công lập không có con dấu riêng

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 197 bảo tàng, trong đó có 70 bảo tàng ngoài công lập, đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. PGS.TS. Đặng Văn Bài nhận xét, 20 năm qua mạng lưới bảo tàng ngoài công lập phát triển mạnh, một số bảo tàng thu hút đông đảo công chúng. 

Tuy nhiên, trải qua thực tiễn thi hành Luật Di sản văn hóa và thủ tục thành lập, cấp phép hoạt động, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện thành lập chưa phù hợp với mô hình bảo tàng ngoài công lập. Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, người sáng lập Bảo tàng Gốm Bát Tràng chia sẻ: “Là đời thứ 15 trong 19 dòng họ gốc của làng Bát Tràng, chúng tôi mong muốn lập bảo tàng để kể câu chuyện của làng gốm xưa và nay. Hoạt động, tinh thần hồn cốt là bảo tàng, nhưng do quy định, chúng tôi phải thành lập doanh nghiệp xã hội để hoạt động. Cái tên Bảo tàng Gốm Bát Tràng là do công chúng đặt cho".

 
Không gian trưng bày giới thiệu nghề gốm Bát Tràng. Ảnh: VN+

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, điều kiện cho phép thành lập/cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập như trong Luật Di sản văn hóa hiện nay là quá chung, nhiều điều không thiết thực, bất cập với thực tiễn. Khi vận dụng thì các địa phương lại lượng hóa điều kiện nên càng phức tạp, thành ra các điều kiện chỉ mang tính hình thức; càng lượng hóa điều kiện càng làm khó người dân. Bởi vậy cần đổi mới tư duy quản lý bảo tàng ngoài công lập về cơ chế, cụ thể hóa chi tiết và hiện thực hơn khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa để thúc đẩy sự phát triển bền vững loại hình bảo tàng này.

Thừa Thiên Huế tiên phong xây dựng đề án hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập, nhưng thực tế cho thấy, khi xét thành lập bảo tàng ngoài công lập phải dựa theo tiêu chí của bảo tàng công lập và thủ tục thành lập không đơn giản. “Bảo tàng ngoài công lập chưa có con dấu riêng, điều này rất vô lý. Bởi sưu tập hiện vật vất vả, tư nhân dành cả nhà đất của họ làm bảo tàng, dù miễn phí hoàn toàn, có chức năng tốt để giáo dục, nhưng phải lập doanh nghiệp mới có con dấu. Quy định như vậy chưa phù hợp, bởi nhiều người mở bảo tàng nhưng không muốn thành lập doanh nghiệp. Ví dụ, thành lập bảo tàng mang tên các danh nhân, nhưng lại gắn với tên doanh nghiệp thì không ra làm sao cả. Do đó, việc sửa Luật Di sản văn hóa là cơ hội để điều chỉnh vấn đề này...” - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải nêu quan điểm.  

Có cơ chế khuyến khích bảo tàng ngoài công lập

TS. Phan Thanh Hải cho rằng, hiện nay số lượng bảo tàng ở Việt Nam và cả số lượng hiện vật còn rất khiêm tốn so với nhiều quốc gia, khi cả nước mới có 4 triệu hiện vật. Thành phố Huế có 5 bảo tàng công lập, 5 bảo tàng ngoài công lập, đã thuộc dạng nhiều ở Việt Nam. Trong khi ở châu Âu, nhiều thành phố có tới hàng trăm bảo tàng. Bên cạnh đó, xu hướng là nên khuyến khích thành lập bảo tàng ngoài công lập nhằm huy động nguồn lực xã hội; không nên thành lập nhiều bảo tàng công lập mà cần tập trung đầu tư để trở thành thiết chế bảo tàng đúng nghĩa.

Trong dự thảo 5 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các quy định về bảo tàng tập trung trong Chương V, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74), song theo TS. Phan Thanh Hải, phần dành cho bảo tàng ngoài công lập hết sức mờ nhạt. Cần có một điều riêng, quy định rõ ràng về điều kiện cấp phép nhằm tạo thuận lợi hơn cho bảo tàng ngoài công lập. Luật cần bổ sung, cụ thể hóa các quy định về sưu tập, nhân sự, cơ sở hạ tầng…

Bà Hà Thị Vinh cũng đồng tình với việc cần thúc đẩy, khuyến khích xây dựng bảo tàng ngoài công lập. "Thông qua hoạt động của mình, chúng tôi thấy doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn xây bảo tàng cũng là cống hiến, vì kinh doanh văn hóa rất lâu thu hồi vốn đầu tư. Nên chăng coi đây là đầu tư đặc thù, ưu tiên cho thuê mặt bằng và thuế suốt quá trình hoạt động…”.

Theo nhiều ý kiến, việc thành lập các bảo tàng ngoài công lập là định hướng đúng đắn và phù hợp với tình hình phát triển chung của xu thế bảo tàng hiện đại, trước hết là làm phong phú thêm hoạt động bảo tàng, góp phần gìn giữ di sản, hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật. Đồng thời bảo tàng ngoài công lập bổ khuyết rất tốt những phần còn khuyết thiếu của bảo tàng công lập. Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy định về thành lập bảo tàng ngoài công lập cần được quan tâm khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

                                          Theo;  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.474.416
Tổng truy cập: