TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Kho báu tiềm ẩn của công nghiệp văn hóa Việt
(Ngày đăng: 25/03/2024   Lượt xem: 25)

Theo TS. LƯ THỊ THANH LÊ, Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, kho tàng nghệ thuật biểu diễn đa dạng, mang đậm truyền thống dân tộc đang được coi là tiềm năng, có thể trở thành thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Nhiều tiềm năng phát triển

- Theo bà, thế mạnh của nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong phát triển công nghiệp văn hóa là gì?

- Nghệ thuật biểu diễn vốn đã là loại hình nghệ thuật có khả năng thu hút, kích thích sự tò mò của công chúng một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Các tác phẩm này thường đem lại trải nghiệm đa giác quan, giúp khán giả nghe, nhìn, trải nghiệm và thậm chí có thể tham gia nhập cuộc, tương tác với nghệ sĩ. Sự phối hợp của âm thanh, động tác, trang phục... trong các tiết mục khiến cho nghệ thuật biểu diễn thường rất lôi cuốn.
TS. Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội

TS. Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật biểu diễn truyền thống có đặc trưng là những chương trình, tiết mục do cộng đồng, nhóm nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo, dàn dựng, biểu diễn từ sự tích lũy tinh hoa văn hóa, sự kế tục truyền thống của cộng đồng. Các tác phẩm này thường thể hiện nét đẹp, đặc trưng, bản sắc của cộng đồng ở nhiều khía cạnh...

Từ những yếu tố trên, có thể thấy, nghệ thuật biểu diễn truyền thống rất có tiềm năng để khai thác phát triển công nghiệp văn hóa. Các chương trình biểu diễn có thể trở thành sản phẩm để phục vụ khách du lịch, giúp các cộng đồng trao đổi văn hóa và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

- Nhiều quốc gia đã khai thác hiệu quả nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Ở Việt Nam, theo bà, lĩnh vực này được phát huy giá trị ra sao?

- Tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc… nghệ thuật biểu diễn truyền thống được đưa vào sản phẩm, dịch vụ văn hóa với những chiến lược và triển khai mạnh mẽ. Họ vừa thúc đẩy các chính sách bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống, vừa quảng bá, cổ vũ phát triển và chuyển hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào các loại hình, sản phẩm dịch vụ văn hóa đương đại, tạo ra doanh thu lớn cho nền công nghiệp văn hóa.

Ở Việt Nam, có những đơn vị khai thác nghệ thuật truyền thống thành công như Nhà hát Múa rối Thăng Long với kỷ lục diễn 365 ngày/năm, là điểm đến của nhiều du khách khi tới Hà Nội. Nhiều nhà hát, đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp cũng đưa ra những chương trình hấp dẫn, bán được vé đắt tiền, như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An, Ter Dah Show… Các cộng đồng địa phương cũng thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn truyền thống hướng đến phát triển du lịch, vừa góp phần bảo tồn văn hóa địa phương, vừa tạo thêm thu nhập và việc làm…

Đãi ngộ xứng đáng với nghệ nhân, nghệ sĩ

- So với tiềm năng, dường như nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Việt Nam còn đóng góp khá hạn chế trong công nghiệp văn hóa, thưa bà?

- Đúng là nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển rực rỡ hơn, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội. Chúng ta có nguồn tài nguyên phong phú nhưng chưa được khai thác hết. Như ở nhiều làng nghề, nghệ nhân sẵn sàng biểu diễn, mong muốn tiếp cận thị trường, tham gia vào các sự kiện, nhưng việc kết nối họ trong các hoạt động này còn hạn chế.

Hoạt động biểu diễn chủ yếu cũng miễn phí chứ ít đem lại thu nhập ổn định cho nghệ sĩ, nghệ nhân. Nhiều khi chúng ta vẫn nghe nghệ nhân, nghệ sĩ chia sẻ “làm vì đam mê”, “vì sợ không có ai làm”, rồi “vì vui là chính, không mang lại thu nhập”… Cần tìm cách huy động nguồn lực, tạo cơ chế phù hợp để nuôi dưỡng đam mê, động lực, giúp nghệ nhân, nghệ sĩ có thể chia sẻ giá trị của họ cho xã hội nhiều hơn thông qua các chương trình biểu diễn. Tạo cơ chế tài chính, đãi ngộ xứng đáng cho nghệ nhân, nghệ sĩ, để họ tiếp tục cống hiến xứng đáng với tài năng của mình.

Khai thác tiềm năng nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong công nghiệp văn hóa. Ảnh: CINET2011

- Làm thế nào để những người bảo tồn nghệ thuật truyền thống và bên tổ chức biểu diễn kết nối với nhau?

- Khối hoạt động nhằm bảo tồn nghệ thuật truyền thống phần nào đang làm việc khá độc lập với khối đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào công nghiệp văn hóa, giải trí, sự kiện, du lịch. Người làm sự kiện, du lịch chưa khai thác một cách tối ưu các hội nhóm biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Bởi vậy, cần có các bên trung gian, kết nối để làm được điều đó.

Với tiềm năng nghệ thuật biểu diễn của các địa phương, cần sự hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực, giữa nghệ nhân - nghệ sĩ, những người có tài năng trong biểu diễn, với khối kinh doanh, nghiên cứu, các đơn vị giáo dục, du lịch…, tạo ra sự cộng tác, chia sẻ giá trị để có những chương trình phù hợp thị hiếu của công chúng, tối ưu việc khai thác nghệ thuật biểu diễn trong đời sống đương đại. Điều đó vừa góp phần bảo tồn vốn truyền thống, quảng bá nghệ thuật biểu diễn đến, vừa tạo sinh kế, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất phù hợp để nghệ nhân, nghệ sĩ tiếp tục để phát triển.

Xác định chiến lược dài hạn, bước đi vững chắc

- Gần đây, một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khi đưa lên sân khấu hóa đã gây không ít tranh cãi. Bà có lưu ý gì khi đưa nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm, dịch vụ?

- Chúng ta từng chứng kiến những tranh cãi được báo chí phản ánh, như câu chuyện “quan họ ngả nón xin tiền”, trong khi người quan họ rất nền nã, quan họ vốn không phải hát để xin tiền. Với ví dụ này, việc đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào công nghiệp văn hóa cần có sự tổ chức, thiết kế phù hợp để tối ưu hóa việc biểu đạt văn hóa truyền thống của cộng đồng với khán giả, du khách. Bởi nếu không tính toán một cách khéo léo, cẩn trọng thì có thể tạo ra sự tri nhận rất khác về truyền thống của địa phương.

Cần nghiên cứu và thiết kế phù hợp để nghệ thuật biểu diễn truyền thống có thể được hiện diện một cách trang trọng nhất, phù hợp với truyền thống của địa phương, và phù hợp với điều kiện, xu hướng tiếp cận của công chúng đương đại, đồng thời hạn chế những rủi ro, sai lệch không mong muốn.

- Qua nghiên cứu, theo bà, để phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách gì?

- Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực “có sẵn lợi thế được tập trung phát triển”; khung chính sách thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đã và đang được Trung ương và các địa phương quan tâm. Như ở Hà Nội, khi xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng bàn đến cơ chế thúc đẩy công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn như hỗ trợ địa điểm biểu diễn, thuế với những người tổ chức sự kiện văn hóa…

Để tạo điều kiện cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống được bảo lưu hồn cốt và phát huy, khai thác trong các sản phẩm, dịch vụ, Nhà nước đóng vai trò điều phối nguồn lực, tạo ra nền tảng và khung pháp lý, thể chế để các bên soi vào đó hành động. Chẳng hạn có cơ chế cho thuê đất hay giảm thuế cho những người thực hành văn hóa; tạo hệ sinh thái công nghiệp văn hóa, kết nối nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà khởi nghiệp, tổ chức xã hội…

Bên cạnh đó, nghiên cứu bài bản, gợi ý bước đi phù hợp để các bên tham khảo và đi đúng hướng. Nếu có sự mở đường của nghiên cứu, tư vấn, xác định chiến lược dài hạn, có thể tạo ra bước đi vững chắc để phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong công nghiệp văn hóa.

- Xin cảm ơn bà!
                                  Theo:  daibieunhandan.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.474.853
Tổng truy cập: