TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Rào cản sáng tạo dựa trên giá trị di sản
(Ngày đăng: 29/02/2024   Lượt xem: 51)

Với kho tàng phong phú, nhiều giá trị di sản văn hóa đã được nghiên cứu, khai thác, ứng dụng trong đời sống đương đại. Quá trình mở cánh cửa tìm về quá khứ của người trẻ làm sáng tạo nhận được nhiều ủng hộ và cũng gặp không ít khó khăn khi mô phỏng, tái tạo, đưa giá trị xưa trở thành sản phẩm thương mại.

Từ nghiên cứu, sáng tạo đến ứng dụng

“Pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích là kiệt tác điêu khắc thời Lý, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013. Dựa trên di sản này, nhiều đơn vị đã có những nghiên cứu, tiến hành mô phỏng, tái tạo thành thương phẩm có giá trị về văn hóa và kinh tế. Rõ ràng, hiện vật gốc là duy nhất, nhưng nhiều đơn vị sản xuất không scan và đúc thành sản phẩm giống nguyên vẹn pho tượng nổi tiếng này, mà dựa trên nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế, kỹ thuật chế tác, cho ra những phiên bản tượng Phật khác nhau. Bởi vậy, tính bản quyền của sản phẩm này sẽ cao hơn so với scan bức tượng và in 3D” - PGS.TS. Trần Trọng Dương chia sẻ tại tọa đàm “Di sản là của ai? Từ nghiên cứu, sáng tạo đến ứng dụng di sản”.

Có thể thấy, dựa trên nền tảng của lý thuyết nghiên cứu và công nghệ, kỹ thuật, một số người trẻ đã sáng tạo, sản xuất sản phẩm dựa trên di sản, nhằm đưa những giá trị xưa (vốn chỉ nằm trong bảo tàng, di tích, hay được một vài nghệ nhân nắm giữ) trở lại với công chúng hiện tại. Họ tìm tòi các giá trị văn hóa truyền thống bị quên lãng, kết hợp cùng các nhà nghiên cứu, nghệ nhân và phục dựng, đưa ra các sản phẩm có giá trị thị trường.

Nếu các sản phẩm đó chỉ làm vì mục đích giáo dục, trưng bày bảo tàng, và các mục đích phi lợi nhuận khác thì không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, khi được sử dụng với mục đích thương mại, có đơn vị đề xuất đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình thì nhận được ý kiến trái chiều, coi đó là hành động “cướp di sản”, “ăn trên di sản”. Nhiều ý kiến từ cộng đồng cho đây là di sản dân tộc, không thể biến thành sở hữu độc quyền. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi có thị trường, ai cũng có thể sao chép các sản phẩm kia để bán…
Một số sản phẩm sáng tạo dựa trên di sản - Ảnh: Th. Nguyên

 

Một số sản phẩm sáng tạo dựa trên di sản - Ảnh: Th. Nguyên

Điều 5, Luật Di sản văn hóa nêu rõ: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật. Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với di sản văn hóa được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trần Trọng Dương, trong bối cảnh hiện nay, ngoài di sản gốc còn có khái niệm mới “di sản phái sinh” để chỉ những bản dập, bản dập số hóa, bản vẽ kỹ thuật, bản scan, bản phục dựng, phỏng dựng bằng kỹ thuật VR-AR phim, các triển lãm thực tế ảo, showroom ảo, du lịch ảo, sản phẩm phục chế từ công nghệ in 3D…

Thậm chí di sản phái sinh còn gồm các bản “giả cổ”, phỏng cổ nhằm tái sản xuất các di sản cũ với mục đích mới, ứng dụng mỹ thuật, ứng dụng nghệ thuật. Cũng có khi, di sản phái sinh chỉ là bản mô phỏng và sản xuất hàng loạt. Điều quan trọng nhất của các di sản phái sinh này là có tính thương phẩm, người sáng tạo có quyền sở hữu và bán thương phẩm đó. Chẳng hạn, nhiếp ảnh gia chụp ảnh di tích đình, đền, chùa... có quyền bán các ảnh đó cho người sưu tầm, sử dụng…

Cần hành lang pháp lý phù hợp

Thực tế nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã làm tốt việc khai thác, chuyển hóa giá trị di sản thành sản phẩm thương mại mang đậm bản sắc, không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà còn đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa, khuyến khích làm sống lại và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cha ông, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề sở hữu bản quyền cần được giải quyết, nếu không sẽ hạn chế hoạt động này.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, người sáng lập Ỷ Vân Hiên - đơn vị có các sản phẩm dựa trên văn hóa truyền thống như cổ phục, gối tựa cung đình Huế… nghiên cứu về di sản, sau đó sáng tạo, hiện thực hóa sản phẩm cho tới sản xuất, quảng bá, thương mại hóa là quá trình dài, tốn công sức, trí tuệ, kinh phí. Bởi vậy, những người làm trong lĩnh vực này mong muốn có các quy định về đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm.

Một số sản phẩm sáng tạo dựa trên di sản - Ảnh: Th. Nguyên

Hiện nay, di sản phái sinh - được tạo tác từ quy trình nghiên cứu và sáng tạo dựa trên di sản - thuộc về cộng đồng, hay về người nghiên cứu và sáng tạo; nghiên cứu, sáng tạo với tỷ lệ bao nhiêu thì được đăng ký bản quyền… vẫn gây tranh cãi. “Hy vọng sẽ sớm có khung pháp lý để bảo vệ đúng quyền lợi, để những người yêu di sản và dám dấn thân với nó sẽ sống được với nghề trong tương lai” - ông Nguyễn Đức Lộc nói.

Việc bắt tay giữa di sản và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh… chưa được luật hóa và cần có hệ thống luật pháp kèm theo. Thực tế đòi hỏi cần xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản. Chẳng hạn, nếu nghiên cứu, đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật Di sản văn hóa, có chính sách đầu tư, thiết kế, chính sách bản quyền... sẽ thúc đẩy người làm công nghệ có sản phẩm số hóa mang tính ứng dụng cao trong đời sống, để di sản thật sự phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại.

                                              Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.476.245
Tổng truy cập: